Sai nghiêm trọng chú thích “Danh tướng VN” ở Bảo tàng Lịch sử QS

Google News

(Kiến Thức) - Tác phẩm điêu khắc "Danh tướng Việt Nam" tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ) có những chú thích sai sót nghiêm trọng.

Từ ngày 11/2 đến ngày 24/2 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam diễn ra triển lãm 4 tác phẩm điêu khắc “Danh tướng Việt Nam” của Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Các tác phẩm "Danh tướng Việt Nam" được trưng bày tại bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Dự án làm tượng 4 danh tướng của dân tộc ta do Hội quán di sản cùng Circle Group thực hiện. Tuy nhiên, trong các chú thích cho các bức tượng đó còn tồn tại những sai sót nghiêm trọng cả về mặt ngữ pháp Tiếng Việt, lỗi chính tả và thậm chí là thiếu sự nhất quán trong cách sử dụng từ.
Một đoạn giới thiệu về Lý Thường Kiệt khó hiểu và lủng củng
Trong bảng chú thích tiếng Anh về vị khai quốc công thần Lý Thường Kiệt có dịch từ “Việt quốc công” trong tiếng Việt sang thành “Vietnamese Prince”.
Dịch thuật chưa sát nghĩa trong bảng chú thích về Việt Quốc Công Lý Thường Kiệt.
Theo tiến sỹ Trần Phương (giảng viên khoa Văn hóa học Học Viện Báo chí và Tuyên Truyền), đây là cách dịch chưa sát nghĩa, bởi “Việt quốc công” là một từ Hán Việt chỉ những người có công với nước Đại Việt. Còn từ “Prince” trong tiếng Anh thường nói về hoàng tử, hoàng thân quốc thích…
Như vậy, khi chuyển từ nghĩa tiếng Việt sang tiếng Anh đã có sự nhầm lẫn bởi Lý Thường Kiệt có xuất thân từ nông dân, không phải là hoàng thân quốc thích.
Đối với chú thích về Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì ngay đến tên của vị Đại tướng lừng danh này cũng bị viết sai là “Võ Nguyên”. Thực chất, đây là cách viết theo tiếng Hán (trọng tín mà không trọng danh) nhưng đây là bảng chú thích tiếng Việt nên việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, viết sao cho thuần Việt là điều vô cùng quan trọng.
 Bảng thông tin về Đại Tướng Võ Nguyên Giáp có nhiều lỗi sai.
Không chỉ thế, những lỗi sai chính tả và sai về lịch sử cũng rất nhiều, như: “đánh thắng nhiều đế quốc với những trận thắng trấn động địa cầu”. Ngoài ra, vẫn còn nhiều lỗi sai về dấu câu, về cách trích dẫn.
Cách đặt dấu chấm câu không thống nhất, lộn xộn.
 Cách viết tên tác giả chưa chính xác, khiến người đọc dễ hiểu lầm đây là hai tác giả Quang Trung và Nguyễn Huệ.
Cũng theo ông Trần Phương, trong truyền thông ngày nay, nhất là trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa (trong đó có cả vấn đề ngôn ngữ), việc sử dụng ngôn ngữ chưa thực sự chính xác, vẫn còn có sự lệch chuẩn. Vì vậy, chúng ta cần xác định rõ mục đích và đối tượng của truyền thông để sử dụng ngôn ngữ sao cho chính xác nhất.
Quỳnh Nga - Diệu Linh

Bình luận(0)