Chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng đòi tinh giản 100.000 biên chế
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình từng khẳng định, chỉ có trên dưới 1% công chức “sáng cắp ô đi tối cắp về” nhưng mới đây lại "đòi" tinh giản tới 100.000 biên chế.
Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, phát biểu trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, theo báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương gửi về Bộ Nội vụ, chỉ trên dưới 1% công chức bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.
|
Nếu chỉ có 1% (tương đương với 28.000 công chức) không hoàn thành nhiệm vụ thì tại sao Bộ Nội vụ lại xin tinh giản tới 100.000 biên chế? |
Trước đó, tại cuộc họp đầu tiên của Ban chỉ đạo đề án đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức tại Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện Việt Nam có khoảng 2,8 triệu công, viên chức thì khoảng 30% (tương đương với 840.000 người) làm việc theo kiểu “sáng cắp ô đi, tối cắp về” nên nếu cho nghỉ làm cũng không ảnh hưởng gì tới công việc.
Khi có đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình làm rõ vì sao còn tình trạng tồn tại khoảng 30% cán bộ công chức không làm được việc trong Bộ máy Nhà nước, Bộ trưởng Bình cho rằng, đó chỉ phản ánh của dư luận, chứ Việt Nam chỉ có 1% công chức không đáp ứng nhiệm vụ.
Thậm chí, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cũng từng khẳng định thông tin về tỷ lệ 30% công chức vô dụng mà Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu chỉ là võ đoán, theo cảm tính, thiếu căn cứ và rất thiếu trách nhiệm.
Cho tới giờ, chưa có một điều tra nào chứng minh con số công chức "cắp ô" chính xác là bao nhiêu. Thế nhưng, Bộ Nội Vụ lại mới trình dự thảo xin tinh giản 100.000 biên chế. Vậy phải hiểu 1% công chức “cắp ô” mà Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình từng khẳng định như thế nào? Nếu chỉ có 1% (tương đương với 28.000 công chức) không hoàn thành nhiệm vụ thì tại sao Bộ Nội vụ lại xin tinh giản tới 100.000 biên chế, trong khi hàng năm lượng công chức mới vẫn được tuyển thêm đều đặn?
Bình luận những phát ngôn mâu thuẫn này, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên đại biểu Quốc hội khóa XI, nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội) phải thốt lên: “100.000 công chức là bao nhiêu phần trăm? Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình thật khó hiểu!”.
Cũng vẫn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, trước mắt từ nay đến 2016, không tăng thêm biên chế, viên chức, trừ trường hợp thành lập các cơ quan mới do cơ quan có thẩm quyền cho phép, phát sinh các nhiệm vụ mới.
Thực tế thì trong một số liệu thống kê khác, trong 3 năm (năm 2010-2012) số cán bộ công chức nghỉ theo chế độ chính sách là 28.132 người nhưng số người được tuyển mới là 69.851 người tăng 41.719 người.
Mỗi ca trực CSGT chỉ được 1 ổ bánh mỳ nên tham nhũng nhiều nhất?
Vào tháng 11/2012, tại cuộc họp báo công bố Báo cáo kết quả khảo sát xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ cùng Ngân hàng Thế giới tổ chức thì top 4 ngành và lĩnh vực tham nhũng phổ biến nhất tại Việt Nam là cảnh sát giao thông (CSGT), quản lý đất đai, hải quan và xây dựng.
|
Mỗi ca trực CSGT chỉ được bồi dưỡng số tiền chỉ đủ để mua bánh mì và nước lọc, vậy lấy đâu ra mà tham nhũng nhiều nhất? |
Thế nhưng, mới đây, cuối năm 2013, trong phiên họp để các thành viên Chính phủ cho ý kiến về sử dụng khoản tiền phạt của CSGT, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang đã cho mọi người thấy CSGT khá khổ cực khi mỗi ca trực chỉ được mua thêm 1 ổ bánh mỳ. Cụ thể, Bộ trưởng Quang nói: “Do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi CSGT phải phụ trách 70 km quốc lộ.
Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dư luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều cảnh sát giao thông được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ được mua thêm cái bánh mỳ".
Bên cạnh đó, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng cục CSGT đường bộ, đường sắt (Bộ Công an) cũng nói với báo chí: “Mỗi ca trực đêm của chiến sĩ được thêm 100.000 đồng, số tiền này chưa đủ để mua nước lọc".
Từ thông tin của các lãnh đạo ngành công an cung cấp có thể thấy, hiện nay đời sống của các chiến sĩ CSGT rất khó khăn, mỗi ca trực chỉ được bồi dưỡng số tiền chỉ đủ để mua bánh mì và nước lọc, vậy lấy đâu ra mà tham nhũng nhiều nhất?