Rút đăng cai ASIAD 18: Hoan nghênh Thủ tướng vì quyết định hợp lòng dân

Google News

(Kiến Thức) - “Quyết định rút đăng cai ASIAD 18 của Thủ tướng Chính phủ là quyết định sáng suốt và tôi rất hoan nghênh. Bởi quyết định đó hợp lòng dân và phù hợp với bối cảnh hiện nay của đất nước”, TS Phạm Sỹ Liêm cho biết…

Liên quan đến việc Việt Nam đăng cai ASIAD 18, mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định Việt Nam rút đăng cai ASIAD 18 và sẽ xin tổ chức vào một thời điểm khác thích hợp hơn. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Việt Nam chưa có kinh nghiệm tổ chức sự kiện thể thao lớn như ASIAD, việc chuẩn bị đăng cai cũng chưa chặt chẽ và khi vận động đăng cai chưa có đề án để bảo đảm tổ chức thành công khi được chấp nhận.
Quyết định sáng suốt của Thủ tướng đã nhận được sự đồng ý và hoan nghênh của tất cả các lãnh đạo Bộ ngành cũng như các chuyên gia kinh tế. Bởi cho đến nay, đề án tổ chức ASIAD 18 còn nhiều ý kiến chưa đồng thuận về mục đích ý nghĩa và khác nhau rất lớn về tổng mức đầu tư cũng như các nguồn kinh phí cụ thể.
 Việt Nam quyết định rút đăng cai ASIAD 18
Nhận định về vấn đề này, trao đổi với PV Kiến Thức, TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Xây dựng cho biết, ông rất hoan nghênh quyết định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Bày tỏ ý kiến của mình, TS Phạm Sỹ Liêm cho rằng, nếu Việt Nam có điều kiện đăng cai thì sẽ có lợi ích, nếu biết tận dụng thì lợi ích không nhỏ.
“Thực tế, cái gì cũng có mặt trái. Ở đây, việc đăng cai ASIAD 18 mặt trái là cái phải chi ra là tiền, lợi ích mang lại có cái là tiền, có cái không phải là tiền nhưng lợi ích không phải nhỏ. Thực tế, khi tổ chức một sự kiện nào đó, ai cũng muốn lợi ích mang lại là tiền đáp ứng đủ cái phải chi cũng bằng tiền. Tuy nhiên, lợi ích không phải bằng tiền rất lớn nhưng lợi ích bằng tiền lại không đủ nên không thể làm được”, TS Phạm Sỹ Liêm cho hay.
TS Liêm phân tích, Thực tế đã chứng minh, các sự kiện thể dục thể thao lớn đã được tổ chức tại Việt Nam và trên thế giới cho thấy nguồn thu hầu như không bù đắp đủ chi phí và hiệu quả sử dụng nhiều công trình sau khi tổ chức là không cao. Bài học Seagames còn đó. Chúng ta tổ chức Seagames đầu tư mang lại nhiều lợi ích mà có thể nhìn thấy rõ ràng như các công trình thể thao, lợi ích về quảng bá hình ảnh đất nước. Ví như ở Thủ đô, khu liên hiệp thể thao Mỹ Đình và Sân vận động Mỹ Đình đã làm thay đổi một phần diện mạo thủ đô. Trước đây, khu đó chỉ là cánh đồng, giờ trở thành trung tâm đô thị đẹp khang trang, kéo theo sự đô thị hóa.
“Tuy nhiên mặt trái, là những cơ sở sau đó ít được sử dụng, hiệu quả không cao, quản lý lại tốn kém. Để duy trì, giữ gìn chăm sóc, người ta tận dụng bất kỳ chỗ nào tận dụng được để cho thuê kinh doanh hàng quán, dịch vụ nhếch nhác, sai chức năng nhưng để không thì công trình sẽ nhanh xuống cấp. Muốn giữ gìn được các công trình đó hàng năm phải chi ra một số tiền lớn. Cái đó, để thấy rằng, hiệu quả của việc đăng cai Seagames mang lại chưa tương xứng với số tiền đã bỏ ra, hàng năm lại phải tốn số tiền lớn để quản lý, duy trì”, TS Liêm nhìn nhận.
 TS Phạm Sỹ Liêm.
“ASIAD 18 mới đầu đề ra là 300 triệu đô la, Chính phủ thấy lớn nên lại sửa lại 150 triệu đô la. Đây là cách hạ giá thường gặp trong những công trình xây dựng ở nước ta. Muốn được lọt lưới thì phải đưa chìm giá xuống. Tuy nhiên, khi triển khai thì lại phải bổ sung chi phí tiếp, vì đã đâm lao là phải theo lao. 150 triệu đô vốn chỉ bằng một nửa giá dự kiến ban đầu, thực tế nếu triển khai xong giá không chỉ là 300 triệu đô mà còn cao hơn thế nữa. Hơn nữa, đó chỉ là chi phí xây dựng còn chi phí bảo tồn, duy trì các công trình đó, hàng năm rất lớn”, TS Liêm đánh giá.
TS Liêm cũng thẳng thắn nhìn nhận, hiện nay sự không minh bạch trong quá trình xây dựng. Xây dựng công trình là cơ hội để một số người kiếm trác, thực tế nhiều công trình đã chứng minh điều đó. Muốn có mức chi phi chuẩn cho công trình xây dựng phải giảm được tham nhũng nhưng khó khi nó đã trở thành chuyện thường ngày ở huyện.
“Hơn nữa, bối cảnh hiện nay khi mà nước ta chịu ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế - xã hội của Việt Nam còn có nhiều khó khăn, ngân sách nhà nước (cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương) rất hạn hẹp và phải tập trung ưu tiên đầu tư cho nhiều nhiệm vụ hết sức cấp thiết khác. Tất cả những điều đó cho thấy, việc dừng đăng cai ASIAD 18 lần này dù rất tiếc khi ta chưa đủ điều kiện nhưng đó là một quyết định rất sáng suốt”, chuyên gia kinh tế Phạm Sỹ Thiêm nhận định.
Hải Ninh

Bình luận(0)