Mới đây, việc bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị vi hành để kiểm tra tình hình thi công, sử dụng hè phố trên địa bàn thành phố và phát hiện việc thi công có nhiều bất cập, yêu cầu kiểm điểm 3 giám đốc sở đã khiến dư luận một lần nữa quan tâm tới vấn đề quan chức vi hành.
Trước đó, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng mặc áo gió, đội mũ lưỡi trai đi vào bệnh viện mà không bị ai phát hiện. Ông đã thấy một bệnh nhân nằm sấp trên cáng từ sáng sớm vẫn chưa làm xong hết các xét nghiệm, một bệnh nhân khác ở Bắc Giang chỉ vì thiếu giấy tờ nên phải chờ mấy ngày, thậm chí ông còn cùng với người nhà nạn nhân đẩy một chiếc xe chở người bệnh dọc hành lang chật hẹp để vào phòng cấp cứu... Đi cùng ông là một anh thư ký ăn mặc rất giản dị. Khi có người ngờ ngợ nhận ra Phó thủ tướng, định chụp ảnh, anh thư ký đã nhã nhặn giơ tay nói “xin đừng chụp”.
|
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị trong một lần "vi hành" trên xe buýt.Ảnh: NLĐ. |
Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Minh Cương cũng đã từng nhập vai một người lái xe, tới các trạm đăng kiểm và phát hiện hàng loạt sai phạm. Ngay sau chuyến vi hành đó, 5 cán bộ đã bị ông đình chỉ công tác.
Cách đây hai năm, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng từng đội mũ cối lụp xụp, ăn mặc tuềnh toàng lên xe buýt vài lần. Dù những tuyến ông chọn có vẻ “ổn” hơn so với thực trạng chung nhưng cũng giúp gợi mở thêm nhiều bài toán quản lý.
Như vậy, việc quan chức vi hành đang ngày càng trở thành một hiện tượng thường thấy chứ không còn là chuyện hiếm nữa. Trao đổi với Kiến Thức về vấn đề này, PGS Văn Như Cương cho rằng: “Nói chung vi hành là tốt. Đã là quan chức thì càng nên sâu sát với dân, có như vậy mới đưa ra được những quyết định đúng đắn, nhìn thấy được những cái khổ, nỗi bức xúc của dân. Chứ quan chức mà chỉ ngồi nghe báo cáo từ cấp dưới rồi đánh giá, quyết định thì sẽ có nhiều cái quan liêu, sai lầm.
|
Bộ trưởng Đinh La Thăng từng đi xe buýt nhiều lần để nhìn nhận những bất cập. |
Tôi còn nhớ như in kỷ niệm một lần Bác Hồ vi hành trường Đại học Sư phạm I Hà Nội. Đó là khoảng năm 1960 gì đó (khoảng những năm đó, tôi không nhớ rõ lắm), khi ấy tôi đang là giảng viên của trường. Bác Hồ đến thăm trường đột xuất mà không báo trước. Khi chúng tôi nhận được thông tin từ phía bảo vệ là có Bác và một số cán bộ đến thăm trường, cả trường hối hả bày biện hội trường cho đẹp để chuẩn bị tiếp Bác. Tuy nhiên, đợi một lúc khá lâu vẫn không thấy Bác đâu. Sau đó mới biết Bác vào trong nhưng không tiến thẳng vào gặp ban lãnh đạo, mà Bác lặng lẽ đi vào nhà ăn, nhà vệ sinh… để xem xét tình hình trước. Tại đây, Bác hỏi han từng người về những thuận lợi, khó khăn, suất ăn như thế nào… Xong xuôi rồi Bác mới lên hội trường để nói chuyện với ban lãnh đạo, sinh viên…
Tôi nghĩ vi hành phải đúng bản chất của nó thì mới hiệu quả. Còn vi hành chỉ để mị dân, đánh bóng tên tuổi thì không giải quyết được việc gì.
Tôi còn nhớ mãi vụ vi hành của một vị bí thư tỉnh ủy tỉnh nọ, lội xuống đồng cấy lúa cùng nông dân nhưng lại mặc một bộ comple sáng bóng.
Hay như hồi giữa năm 2013, trước tình hình an toàn giao thông phức tạp, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trực tiếp nhắc nhở lãnh đạo ngành giao thông nên “vi hành”. Ngay sau đó, 7 thứ trưởng của Bộ GTVT đã dẫn theo 7 đoàn công tác phân chia để đến 42 nơi nhằm kiểm tra tình hình an toàn giao thông. Chuyến “vi hành” của các thứ trưởng này lại được thông báo trước, thế nên kết quả nhiều nơi vẫn là tốt, không giống như báo chí và người dân phản ánh".
Theo PGS Văn Như Cương, những kiểu vi hành mà được thông báo trước, “trống giong cờ mở”, cờ hoa tiếp đón, thậm chí còn chụp ảnh quay phim thì đều cho về kết quả là những hiện trường được dàn dựng, nên sẽ không nhận ra bản chất vấn đề, những bất cập tồn tại.
Hơn nữa, vi hành mới chỉ là một bước ban đầu. Việc giải quyết, xử lý vấn đề sau vi hành như thế nào mới thật sự quan trọng.
"Tôi rất hoan nghênh việc một số quan chức sau chuyến vi hành, nhận ra được những điểm bất cập và nguyên nhân của nó, đã quy đúng người đúng tội, xử lý ngay. Tuy nhiên, một thời gian sau, tình trạng tương tự có tái diễn hay không thì cũng không chắc được, nếu như các quan chức không thường xuyên vi hành. Nếu như có một chế độ trách nhiệm để các quan chức luôn có mặt trên địa hạt mình quản lý thì chắc chắn mọi chuyện sẽ tự nhiên tốt hơn rất nhiều, trước tiên là quan chức trực tiếp quản lý ngành nghề đó ở khu vực đó, sau rồi mới đến các quan chức cấp cao hơn.
Chẳng hạn như tình trạng bất cập ở nhiều bệnh viện tại Hà Nội, thiết nghĩ trước khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vạch ra thì lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, Bộ Y tế phải nắm quá rõ và có hướng xử lý phù hợp… Vậy mà không hiểu sao có bao nhiêu chuyến vi hành của Bộ trưởng Bộ Y tế tới các bệnh viện, được chụp ảnh đưa tin rầm rộ trên truyền thông, nhưng hiệu quả vẫn chưa thấy đâu. Chẳng hạn như việc dịch sởi bùng phát hồi tháng 3, 4 năm nay, mãi đến khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm Bệnh viện Nhi Trung ương, dịch bệnh này mới được công bố rộng rãi...", PGS Cương phân tích.