Những phát ngôn gây sốc của giới quan chức

Google News

(Kiến Thức) - Với nhiều vị quan chức, có lẽ bài học kiềm chế cảm xúc vẫn chưa rút ra được.

Phát ngôn gây sốc nhất của quan chức mới đây phải kể đến câu nói “mới điều chỉnh có một tí đã làm rùm beng lên” của nguyên Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - ông Nguyễn Hữu Thắng.
Liên quan đến việc dự án đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông bị “đội vốn” gần 340 triệu USD, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ GTVT và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo kiểm điểm nguyên nhân, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan.
Nguyên Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam - ông Nguyễn Hữu Thắng. 
Khi báo chí phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Thắng về vấn đề đội vốn này, ông Thắng đã nói: “Mình đã làm hết mức rồi, nhìn các dự án như tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội 2 lần khởi công đến giờ phút này đã làm được gì đâu. Chúng tôi làm được nhiều cũng không ai khen ngợi hết, điều chỉnh một tý đã rùm beng cả lên”.
Những phát ngôn trên của ông Thắng ngay lập tức đã bị dư luận chỉ trích là thiếu trách nhiệm, coi thường người dân và ảnh hưởng tới uy tín ngành GTVT.
Ngày 25/4, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Đinh La Thăng đã ký quyết định tạm đình chỉ chức vụ Cục trưởng Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) đối với ông Thắng.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, và ông Thắng phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân trong việc phát ngôn cũng như nguyên nhân làm tăng tổng mức đầu tư dẫn đến phải điều chỉnh dự án, báo cáo Bộ trưởng GTVT trước ngày 7/5 tới.
Cách xử lý của Bộ trưởng Thăng có lẽ là cần thiết để chấn chỉnh thái độ và tư duy của quan chức trong việc ứng xử với công luận, với báo chí, truyền thông.
Đã là người đứng đầu, đương nhiên lãnh đạo không thể tránh khỏi việc đối mặt với những vấn đề nóng, nhưng chính những phát ngôn tùy tiện và cách ứng xử không tôn trọng truyền thông, công chúng của họ lại càng làm cho dư luận thêm bức xúc.
Trước đó, tại cuộc họp báo của thành ủy Hà Nội chiều 8/4, trước hàng loạt chất vấn của báo chí về việc vì sao đường Trường Chinh bị nắn từ thẳng thành cong, ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội, đã nói: “Đường Trường Chinh mở rộng đúng là cong và hơi cong từ hồ Hố Mẻ đến cống Chéo (Sông Lừ) để chuyển tiếp, khớp nối chỉ giới đường đỏ với đầu Ngã Tư Vọng. Đây là đường cong mềm mại, nên về cơ bản không ảnh hưởng đến công trình, giao thông và các vấn đề kỹ thuật khác”.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội đang trả lời báo chí. 
Bức xúc trước câu trả lời này, ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội đã lên tiếng trên một tờ báo: “Không thể nói là đường Trường Chinh cong mềm mại hay cong linh hoạt. Rõ ràng sự bẻ cong này đã là điều chỉnh, không thể ngụy biện như thế. Còn mục tiêu điều chỉnh là gì thì cần phải làm rõ”.
Còn KTS Trần Huy Ánh nói: “Con đường Trường Chinh vốn là thẳng, nay nó thành cong, và việc uốn cong này không được tường minh, không được giải trình, không được công khai minh bạch để đến lúc công luận vào cuộc rồi lại tìm lý lẽ để khỏa lấp. Những người biến đường thẳng thành cong cần phải xem lại . Những lý lẽ này cũng cần được xem xét liệu đó có thực sự là những lý lẽ... ngay thẳng hay không?”
Mới đây nhất, một vấn đề cũng khiến dư luận bức xúc không kém là Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã trình bày trước Ủy ban thường vụ Quốc hội về dự thảo đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa sau năm 2015 với kinh phí hơn 34.000 tỷ đồng.
Tưởng rằng phần trả lời công luận của vị tư lệnh ngành giáo dục – Bộ trưởng Phạm Vũ Luận sẽ “xoa dịu” công chúng hơn sau con số 34.000 tỷ đồng gây choáng váng mà ông Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nêu ra, nhưng lý do mà Bộ trưởng Luận nói lại hoàn toàn mang hiệu ứng ngược lại.
Mặc dù Bộ trưởng Luận có thừa nhận rằng “con số 34.000 tỷ là một sai sót đáng tiếc”, nhưng ông giải thích là do ông đi nước ngoài nên không biết chuyện phát ngôn của cấp phó. Công luận lại một phen có cớ xì xào, bàn tán. Người ta tự hỏi, với thời đại thế giới phẳng, liệu lý do vị “tư lệnh ngành” này đưa ra có hợp lý?
Mặt khác, điều 2.1, điểm (c) Quyết định 25 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế phát ngôn ghi rõ: “Người đứng đầu cơ quan hành chính có thể ủy quyền cho người có trách nhiệm thuộc cơ quan mình phát ngôn”. Vì vậy, việc vị “tư lệnh ngành” giáo dục phát ngôn như thế khiến công luận không thể đặt nghi vấn về cách làm việc của Bộ này. PGS Văn Như Cương trong lần trao đổi với báo với báo chí liên quan tới trả lời của Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã đặt câu hỏi: “Chẳng lẽ vắng chủ nhà gà mọc đuôi tôm?”.
Còn nhớ năm 2013, một vị Phó cục trưởng đã nói các phóng viên là “thiểu năng” khi họ có những câu hỏi liên quan tới vấn đề mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Quan chức này đã phải đưa ra lời xin lỗi công khai sau đó nhưng hình ảnh của ông đã mất đẹp đi rất nhiều chỉ vì một câu nói thiếu suy nghĩ.
Người xưa có câu “uốn lưỡi 7 lần trước khi nói” để khuyên chúng ta phải suy nghĩ thật kỹ trước khi định nói ra một điều gì. Đối với quan chức, lãnh đạo thì họ lại càng phải cẩn trọng hơn với những lời ăn tiếng nói của mình trước công chúng, nhưng đến nay những bài học kiềm chế cảm xúc trước báo giới, công luận có lẽ vẫn chưa được một bộ phận quan chức rút ra.
Minh Hiếu

Bình luận(0)