Ngày 2/2, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Trần Thị Ngọc Trinh (người mẫu Ngọc Trinh) 1 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Gây rối trật tự công cộng”. Bị cáo Trần Xuân Đông bị tuyên phạt 18 tháng tù về 2 tội “Gây rối trật tự công cộng” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Bản án thể hiện sự nhân văn, nhân đạo của pháp luật
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội đánh giá, bản án sơ thẩm của TAND TPHCM tuyên đối với Ngọc Trinh và Trần Xuân Đông là có tình, có lý, có căn cứ pháp luật, thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng, nhân văn hướng thiện.
Luật sư Cường phân tích, theo kết quả điều tra vụ án và tranh tụng công khai tại tòa, việc cơ quan tiến hành tố tụng xét xử đối với hai bị cáo Ngọc Trinh và Trần Xuân Đông về tội gây rối trật tự công cộng và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan tổ chức là có căn cứ, đúng pháp luật.
|
Ngọc Trinh tại tòa. |
Tại phiên sơ thẩm, các bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung cáo trạng truy tố và tỏ ra thành khẩn, ăn năn về hành vi của mình.
Theo luật sư Cường, mức hình phạt tòa sơ thẩm tuyên với Ngọc Trinh như vậy là khoan hồng, nhân đạo, có thể Ngọc Trinh sẽ không có kháng cáo, kháng nghị.
Theo cáo trạng, Trần Thị Ngọc Trinh bị truy tố về tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 2, Điều 318 BLHS với khung hình phạt là phạt tù từ 2 năm đến 7 năm. Ngọc Trinh bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội nhiều lần, tuy nhiên, căn cứ để áp dụng khoản 2 là chưa rõ ràng nên tòa án áp dụng xét xử Ngọc Trinh theo khoản 1, Điều 318 bộ luật hình sự là có cơ sở, đúng pháp luật.
Hành vi phạm tội của hai bị cáo trong vụ án là phạm tội đồng phạm giản đơn, không có tổ chức và cũng không có hành vi xúi giục người khác gây rối, không cản trở giao thông nghiêm trọng, không sử dụng vũ khí, không phá phách nên không có căn cứ để xử lý theo khoản 2, Điều 318 với khung hình phạt từ 2 năm đến 7 năm. Do đó, tòa án kết tội bị cáo theo khoản 1, Điều 318 để lựa chọn một trong 3 loại hình phạt là phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm là phù hợp và có căn cứ pháp luật.
Theo quy định tại điều 50 Bộ luật Hình sự năm 2015, việc quyết định hình phạt căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự, trên cơ sở đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Bởi vậy, đánh giá tổng thể hành vi của các bị cáo, nhận thức về hành vi, đánh giá những tác động tiêu cực đến xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và nhận thức thái độ của các bị cáo, nhân thân của các bị cáo, việc tòa án tuyên Ngọc Trinh 12 tháng tù và cho hưởng án treo là phù hợp.
Theo quy định tại điều 65 Bộ luật Hình sự và hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao, án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 3 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.
Án treo không phải là hình phạt, mà là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá 3 năm. Án treo sẽ kèm theo thời gian thử thách, trong quá trình thử thách này mà bị cáo tiếp tục phạm tội thì án treo sẽ được chuyển thành hình phạt tù giam và cộng thêm tội mới.
Với kết quả điều tra, truy tố, xét xử, tòa án kết tội Ngọc Trinh là có căn cứ và tuyên án Ngọc Trinh hưởng án treo là có cơ sở và thể hiện sự khoan hồng nhân đạo.
Với thời gian tạm giam, được giải thích, giáo dục, Ngọc Trinh đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, tỏ ra ăn năn hối cải, có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo giáo dục, có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên không cần thiết phải giam giữ bị cáo cũng đủ để răn đe phòng ngừa cho xã hội và đủ để giáo dục bị cáo trở thành người tốt sống có ích cho xã hội. Do đó, việc tòa án quyết định hình phạt 12 tháng tù với Ngọc Trinh và cho hưởng án treo là hoàn toàn phù hợp.
Thời gian tạm giam không được trừ vào thời gian chấp hành án treo
Luật sư Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, thời hạn tạm giam có thể trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù hoặc cải tạo không gian giữ. Tuy nhiên với các bị cáo được tòa án miễn trách nhiệm hình sự, được áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian tạm giam sẽ không được bù trừ vào thời gian chấp hành hình phạt, không được đền bù bồi thường bởi việc tạm giam là có căn cứ. Vì vậy, mặc dù được hưởng án treo, không phải chấp hành hình phạt tù 12 tháng nhưng thời gian tạm giam của Ngọc Trinh cũng sẽ không được đền bù, không được tính để trừ vào thời gian thử thách.
Luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh cũng cho rằng, theo mức án sơ thẩm tòa tuyên, dù đã bị tạm giam 3 tháng, người mẫu Ngọc Trinh vẫn phải chấp hành hình phạt 12 tháng án treo và thời gian thử thách.
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, trong vụ án này, về mặt tội danh, tòa xét xử đúng với tội danh mà VKS truy tố. Đối với mức hình phạt, tòa án xét xử nhẹ hơn mức hình phạt mà VKS đề nghị đối với Ngọc Trinh. Bởi vậy, về mặt lý thuyết, VKS có thể kháng nghị theo hướng là đề nghị tăng hình phạt hoặc thay đổi thành hình phạt tù giam đối với Ngọc Trinh.
Tuy nhiên, việc có kháng nghị hay không, VKS sẽ cân nhắc đánh giá toàn thể tình tiết đã diễn biến tại phiên tòa cũng như quan điểm lập luận của HĐXX trong bản án sơ thẩm này. Trường hợp hết thời hạn kháng cáo 15 ngày và thời hạn kháng nghị của VKS mà không có kháng cáo, kháng nghị, bản án sẽ có hiệu lực pháp luật và phải thi hành.
Trường hợp xấu nhất, VKS có kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm với nội dung đề nghị tăng hình phạt, tòa án cấp phúc thẩm sẽ xét xử lại và quyết định biện pháp ngăn chặn với Ngọc Trinh là tạm giam hoặc cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời hạn chờ xét xử phúc thẩm. Tuy nhiên, thông thường, tòa án phúc thẩm sẽ không tạm giam bị cáo cho đến khi xét xử phúc thẩm.
>>> Mời độc giả xem thêm video Ngọc Trinh nói gì sau khi bị tạm giam?