|
Đường vào làng “ma ám”. |
Ám ảnh rợn người
Chiều 3/5, PV báo Người đưa tin tìm đến làng ma ám ở Quảng Nam (thôn Phú Dương, xã Quế Thuận, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam), để “mục sở thị” ngôi làng kỳ lạ nói trên. Điều đầu tiên PV nhận thấy, là thái độ khác thường của những người dân nơi đây, khi được nhờ dẫn đến tận nơi, ai cũng xua tay, lắc đầu.
Chị Nguyễn Thị T. (một người bán rau ven đường) nói: “Buổi trưa đứng bóng hay chập choạng tối thì đừng vào làng, nhiều chuyện không hay đâu. Chưa hết, nếu không muốn xảy ra chuyện chẳng lành, thì tốt nhất chú về đi”. Trước sự thắc mắc của PV, người này cho biết thêm: “Làng đó bị ma ám, bởi vậy người làng không chết cũng tâm thần hết cả rồi. Từ chục năm nay chỉ có người trong làng bỏ xứ đi, chứ chẳng có ai tìm về đây đâu”.
Để xác minh thông tin trên, PV có mặt tại nhà ông Nguyễn Văn Thìn (SN 1962, Trưởng thôn Phú Dương). Trả lời PV bằng giọng buồn buồn, ông Thìn cho biết: “Thôn Phú Dương có 303 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu. Nhiều năm nay, những người trong thôn liên tiếp phát bệnh tâm thần, tập trung nhiều nhất ở tổ 4 và tổ 5. Chỉ riêng tổ 5 có 32 hộ thì có đến 18 người mắc tâm thần. Đa số những người mắc bệnh trước đó đều là những người khỏe mạnh. Họ phát bệnh đột ngột và không xác định được lý do, vì thế người dân mới cho rằng họ bị “ma ám””.
|
Số người bị bệnh tâm thần ở làng “ma ám” vẫn tăng sau từng năm. |
Sau một hồi nhẩm tính, ông Thìn cho biết: “Căn bệnh tâm thần không loại trừ một ai, già có, trẻ có. Người đi làm ăn về, người đang đi học, kể cả người chuẩn bị lấy chồng cũng mắc bệnh… Vào thôn Phú Dương, cứ đi chừng vài chục mét là gặp một nhà có người bị tâm thần.
Trường hợp của bà Đinh Thị Phú (SN 1962) có 2 con trai thì cả 2 đều bị điên. Con đầu lòng là anh Nguyễn Văn Định (SN 1985), năm 19 tuổi, đang khỏe mạnh, học hành bình thường thì… đổ điên, đập hết mọi vật dụng trong nhà, đánh ba mẹ, hàng xóm. Chưa hết tuyệt vọng về người con đầu, thì người con thứ 2 của bà Phú là Nguyễn Công Hương (SN 1991) cũng bỗng nhiên đổ điên 2 năm sau đó”.
|
Ông Nguyễn Văn Thìn. |
Cũng theo lời của ông Thìn, ngoài bệnh tâm thần, người dân tổ 5 còn phải đối mặt với bệnh ung thư và những cái chết không rõ nguyên nhân. Trong 5 năm gần đây, thôn có hơn 10 trường hợp người dân bị mắc bệnh ung thư , chủ yếu rơi vào lứa tuổi trung niên, chưa tính những trường hợp gia đình không báo với thôn. Trong số đó có 5 người đã tử vong vì bệnh.
Trường hợp của chị Nguyễn Ngọc Lài (SN 1966) còn đột ngột hơn. Đi làm đồng về, chị lên giường ngủ, đến chiều thì người thân phát hiện chị đã chết. “Nói ra thì hơi tâm linh, chứ người dân trong vùng tin rằng,ngôi làng này giống như đã bị “ma ám” vậy. Bởi trong số các hộ dân ở tổ 5, hầu như các gia đình đều gặp “họa từ trên trời rơi xuống”, không bị cái này thì bị cái khác”, ông Thìn nói.
Dỡ nhà vì… sợ “ma ám”
Theo chân vị Trưởng thôn này, PV có mặt tại tổ 5. Con đường dẫn vào tổ sâu hun hút, không một bóng người. Hai bên đường cây cối um tùm, vài nóc nhà tạm bợ hiện ra trước mắt nhưng đều xiêu vẹo, xập xệ. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều nền đất đã phủ rêu, xung quanh ngổn ngang gạch đá. Ông Thìn bảo, đó là dấu tích còn lại của những ngôi nhà. Chủ nhân của nó vì nỗi sợ “ma ám” nên đã dỡ nhà, bỏ đi nơi khác sinh sống.
Theo ghi nhận của PV, vị trí của làng nằm khá gần nghĩa trang thôn, có những hộ gia đình chỉ cách vài chục mét. Vài năm sau khi xảy ra chuyện người làng liên tiếp bệnh tâm thần, gần 30 hộ dân sống ở tổ 5 vì quá sợ hãi đã cùng nhau phá bỏ những ngôi nhà được xây dựng kiên cố, dời đi chỗ khác để sinh sống.
Dần dần, làng trở nên vắng vẻ hẳn. Thỉnh thoảng chỉ xuất hiện vài tiếng cười sằng sặc, hoặc la hét thất thanh của những người bệnh. Chính vì thế, những câu chuyện kỳ bí, liêu trai về làng lại được dịp truyền đi khắp nơi.
Tại làng, không phải ai cũng có điều kiện dỡ nhà để tìm nơi ở mới. Chính vì thế, nhiều người đành phải chấp nhận cảnh “sống chung” với những điều mà họ cho là đáng sợ nhất. Ông Thìn dẫn PV đến nhà bà Nguyễn Thị Sĩ (SN 1964), một trong những người còn bám trụ lại làng.
Tiếp xúc với PV, bà Sĩ kể: “Từ khi xảy ra chuyện này, ở làng chỉ còn khoảng hơn chục hộ sống với nhau. Nhưng phần vì bệnh tật, phần sợ chuyện chẳng lành nên chẳng dám ra đường”.
“Riêng bản thân tôi, cách đây khoảng 10 năm, đột nhiên tôi bị khó ngủ. Ban đầu mỗi đêm tôi ngủ được 3 – 4 tiếng. Nhưng những năm sau này, tôi không tài nào chợp mắt được, mỗi lần nhắm mắt là tôi lại thấy ác mộng. Lúc thì thấy cảnh những người hàng xóm cười nói trong vô thức, khiến tôi cũng điên theo. Lần khác thì nhìn thấy cảnh ma quỷ đến dẫn tôi đi…
Sau khi xuống TP. Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) khám bệnh, thì các bác sĩ chẩn đoán tôi bị suy nhược thần kinh. Họ cho tôi thuốc uống, nhưng đến nay vẫn chưa khỏi. Tôi nghĩ rằng, chỉ khi chuyển nhà đi nơi khác, thì tôi và gia đình mới sống bình yên được”, bà Sĩ chia sẻ.
Đối mặt với bệnh tật, chết chóc trong một thời gian dài mà không tìm được nguyên nhân. Vì thế người làng cho rằng, do địa phương đã làm điều gì đắc tội nên bị trừng phạt. Bà Đinh Thị Phú (ngụ tổ 5, thôn Phú Dương) thú thật: “Nghe nhiều người “mách nước” nên thời gian qua, người dân thôn 5 chúng tôi đã cùng nhau góp tiền bạc, công sức tu bổ lại 2 ngôi miếu Ông và miếu Bà của làng bị chiến tranh tàn phá trước đó. Về sau cũng đều đặn đến hương khói, cầu khấn với mong muốn thoát khỏi bệnh tật. Tuy nhiên, tình hình cũng không thay đổi, các trường hợp mắc bệnh vẫn tăng đều qua từng năm”.
Mỗi năm phát hiện thêm một trường hợp tâm thần
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thìn (SN 1962, Trưởng thôn Phú Dương) cho biết: “Trung bình mỗi năm, thôn Phú Dương phát hiện thêm 1 trường hợp mắc bệnh tâm thần. Mới đây nhất là trường hợp của bà Đoàn Thị Thuận (ngụ tổ 5). Sau khi phát bệnh, bà Thuận đã được gia đình đưa xuống TP. Tam Kỳ khám và làm các thủ tục xét nghiệm cần thiết. Tuy nhiên, đến thời điểm này chúng tôi vẫn chưa xác định được nguyên nhân bệnh”.