Cho lan đi... tắm nắng
Dọc theo con đường từ TP Lào Cai đến Sa Pa, từng đoàn xe máy nối đuôi nhau chở những chậu địa lan Trần Mộng sắp ra hoa xuống núi chờ bán trong dịp Tết. Mặc dù còn gần một tháng nữa mới đến Tết, nhưng không khí mùa xuân đã theo chân những người trồng phong lan lan tỏa đến mọi nẻo đường nơi phố núi. Người dân địa phương cho cho biết, toàn bộ lan thành phẩm Sa Pa (lan đã ra nụ chuẩn bị trổ hoa) đã được tập kết dưới chân núi sẵn sằng chờ khách đến "rước" đi.
Theo một chủ vườn phong lan lớn nhất Sa Pa thì việc tập kết phong lan xuống núi mới chỉ diễn ra cách đây vài năm. Vì Sa Pa có khí hậu rất lạnh nên địa lan Trần Mộng thường nở sau Tết, không thu hút được khách chơi hoa, giá trị kinh tế giảm đi đáng kể. Thế rồi được sự trợ giúp về kỹ thuật của một số nhà khoa học nông nghiệp, người dân Sa Pa đã đưa phong lan xuống núi trước Tết khoảng 2 tháng để "tắm" hoa trong không khí ấm áp, giúp hoa nở sớm. Không ngờ việc này đã đem lại hiệu quả ngoài mong đợi. Đầu tiên chỉ có một gia đình làm, sau đó những hộ khác thấy hiệu quả liền làm theo, tạo nên phong trào trồng lan rầm rộ chưa từng có từ trước đến nay.
|
Một vườn lan ven quốc lộ 40. |
Men theo quốc lộ 40, cách TP Lào Cai chừng 5km, chúng tôi dừng chân bên một vườn lan vừa mở gần thủy điện Cốc San của gia đình anh Lê Văn Minh ở thị trấn Sa Pa. Những chậu địa lan Trần Mộng đủ mọi mọi thể loại đang đơm bông chi chít. Thế nhưng đây mới chỉ là những chậu để trưng bày. Anh Minh dẫn chúng tôi đến vườn lan nằm phía sau sườn núi ven quốc lộ 40. Đây là trại tập kết với trên 300 chậu Trần Mộng được anh đem xuống núi cách đây hơn một tháng. Anh Minh tiết lộ: "Vì đem xuống núi kịp thời nên tất cả 300 chậu lan này đều tránh được rét, chậm chút nữa thì dính phải đợt tuyết rơi, mà dính phải tuyết thì toàn bộ 300 chậu lan "vứt" hết. Có nghĩa là lan bị lạnh sẽ thụt lại, không trổ hoa đúng dịp Tết".
Đây cũng là lần đầu tiên gia đình anh Minh đem lan xuống núi tránh rét, giúp lan nở đúng dịp Tết. Trước đây, anh để lan tập trung ở Sa Pa rồi thắp bóng đèn cho cả vườn, thế nhưng lan vẫn không nở hoa đúng dịp Tết. Năm ngoái anh thấy một gia đình ở Sa Pa đem lan xuống núi tránh rét đem lại kết quả cao, lan nở đúng Tết, được nhiều người mua nên năm nay anh cũng làm theo cách này với hy vọng sẽ bán được hết số lan thành phẩm, thu về món lời lớn.
|
Chậu lan có giá trên 80 triệu đồng của gia đình anh Lê Văn Minh. |
Đánh dấu tranh phần
Hiện nay, ở Sa Pa đã có 6 hộ trồng phong lan với qui mô hàng vạn chậu mỗi năm, ngoài ra còn rất nhiều hộ khác làm lẻ tẻ. Nếu gộp tất cả lại thì mùa lan năm nay Sa Pa bán ra thị trường hàng chục vạn chậu lan Trần Mộng, đem về nguồn thu hàng tỷ đồng.
Anh Lê Văn Minh, hộ dân trồng lan lâu đời nhất ở Sa Pa dẫn chúng tôi đến những chậu lan Trần Mộng được đánh dấu bằng cách buộc túm, hoặc ký tên trên chậu, lá phong lan... để tranh phần. Vườn lan với 300 chậu của gia đình anh đến nay đã được khách đặt mua hết. Khoảng một tuần nữa khách hàng sẽ tự đến chuyển lan đi chứ anh không cần phải vận chuyển cho họ.
"Càng ngày, nhu cầu chơi phong lan càng phát triển mạnh, ngoài những người tự mua về chơi theo sở thích thì còn một đối tượng khác đó là các công ty, doanh nghiệp mua phong lan về để cho, tặng dịp Tết. Những đơn hàng thuộc nhóm các công ty, xí nghiệp này thường rất lớn, có đơn vị đặt hàng ngay từ đầu năm với số lượng ít nhất từ 10 - 40 chậu. Năm 2013, số lượng đơn hàng vượt quá khả năng đáp ứng của các chủ vườn lan Sa Pa ngay từ khoảng tháng 5, tháng 6. Dự tính, năm tới nhu cầu tiêu thụ lan Sa Pa vẫn sẽ tăng mạnh", anh Minh cho biết.
Để giữ chân khách hàng lớn, một số hộ trồng lan Sa Pa chỉ bán phong lan cho những đơn đặt hàng với số lượng ít nhất là 10 chậu. Bởi nếu bán lẻ sẽ không thể đáp ứng được những đơn hàng lớn dẫn đến mất khách vào vụ sau. Chỉ có những gia đình trồng hoa lan quy mô nhỏ mới bán lẻ cho các khách hàng vãng lai.
|
Nhiều người phải đánh dấu chậu phong lan bằng cách buộc túm hoặc ký tên lên lá... |
Trăm triệu một chậu lan là... bình thường
Gần như toàn bộ lan Sa Pa bán ra thị trường lần này đều có độ tuổi từ 4 - 10 năm. Theo một chủ vườn hoa lan ở thị trấn Sa Pa thì chỉ cần nhìn vào chậu hoa có thể phân biệt được giá cả, cũng như độ tuổi của phong lan. Đơn giản vì tuổi đời phong lan càng già thì khóm càng lớn, chậu to và ngược lại. Một chậu lan đẹp là khóm phải tròn, to, nhánh lan dài, đều, lá xanh mướt...
Anh Lê Văn Minh cho biết: "Hiện tại, chậu lan rẻ nhất của gia đình tôi giá 2 triệu đồng, độ tuổi lan là 4 năm. Còn chậu lan đẹp nhất, đắt nhất có độ tuổi trên 10 năm và có giá trên 80 triệu đồng. Chậu lan 80 triệu đồng này có trên 150 nhánh hoa dài, đẹp... Chậu lan này đã được một khách hàng đặt mùa từ cách đây một tháng. Nếu tính ra, tổng thu nhập mà vườn lan đem lại cho gia đình tôi vụ này là trên 1 tỷ đồng".
Theo nhiều người trồng phong lan ở Sa Pa thì giá cả hiện nay của mặt hàng này rất khó định đoạt, có chậu thì 2 triệu đồng, chậu thì 20 - 30 triệu đồng, có chậu hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Nhiều khách hàng có máu mặt sẵn sàng bỏ cả trăm triệu đồng ra để sở hữu một chậu địa lan Trần Mộng đẹp long lanh... Gần đây, có một cách định giá khác khi mua, bán hoa lan đó là tính theo nhánh lan, mỗi nhánh lan được bán với giá 500.000 - 800.000đ, chậu nào càng nhiều nhánh thì càng đắt giá.
Theo anh Lê Vy, một chủ vườn lan khác ở Sa Pa thì để có được hàng vạn chậu lan cung ứng ra thị trường là điều không hề dễ dàng. Một mặt các hộ trồng lan phải tự tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định để kích thích những hộ khác làm theo. Có một kiểu sản xuất mang tính dây truyền đang hình thành, đó là phía các hộ dân sản xuất nhỏ lẻ thì trồng lan giống sau đó bán lại cho những hộ sản xuất quy mô lớn hơn ở thị trấn Sa Pa. Những hộ quy mô lớn này lại tìm đầu ra ổn định để tiêu thụ sản phẩm. Khi nguồn tiêu thụ tốt thì sẽ kích thích được sản xuất từ các hộ dân trồng lan trên địa bàn Sa Pa. Đó chính là bí quyết để có được hàng vạn chậu lan Trần Mộng chất lượng cao cung cấp cho thị trường.
"Hiện tại thị trường tiêu thụ lan Sa Pa nhiều nhất là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình vì những nơi này phong trào chơi hoa, cây cảnh rất mạnh. Năm nay, riêng thị trường Hà Nội tiêu thụ đến trên 50% lượng phong lan. Sa Pa, Hải Phòng, Quảng Ninh chiếm khoảng 30%, các tỉnh khác chiếm 20%".
Anh Lê Văn Minh