Để làm rõ vụ việc trên, PV Kiến thức đã trực tiếp về địa phương để tìm hiểu. Tại vị trí cây sưa bị đào bán ở Vườn quốc gia Cúc Phương, một số nhân viên viên ở đây cho biết, cây sưa này được lực lượng kiểm lâm bán với giá 600 triệu đồng, còn họ bán có chia phần làm tư lợi hay không thì không rõ.
|
Vị trí cây sưa bị đào bán với giá 600 triệu đồng.
|
Cây sưa bị bán ở trước trạm kiểm lâm số 9, khoảng hơn 10 năm tuổi, nằm đúng trên con đường được mở theo dự án của tỉnh nhằm tăng cường phát triển du lịch nên bị liệt vào diện giải tỏa. Hạt kiểm lâm Nho Quan đã bán với giá với 600 triệu cho nhà hàng Vinh Phượng. Tuy nhiên, khi nhà hàng Vinh Phượng đặt cọc 20 triệu đồng để mua sưa, trong nội bộ Hạt kiểm lâm không thống nhất bán, người bảo mang đi trồng nơi khác, người kêu bán. Cuối cùng, Hạt kiểm lâm vẫn ra quyết định bán cây sưa đó.
Nhưng sau đó, UBND xã Cúc Phương, huyện Nho Quan, Ninh Bình không đồng ý cho bán và yêu cầu việc bán cây sưa này phải ngừng lại. Thấy vậy, nhà hàng Vinh Phượng cho khoảng 10 người bợm trợn dựng lều xung quanh cây sưa gần một tuần trời để canh. Những người canh ở cây sưa này còn ngang nhiên nói rằng, không bán thì vẫn cho máy múc đi vì Hạt kiểm lâm đã nhận tiền đặt cọc 20 triệu đồng.
Trước tình hình đó Hạt kiểm lâm buộc lòng phải bán cho nhà hàng theo đúng như thỏa thuận từ trước với giá 600 triệu đồng. Ngay lập tức cây sưa được múc cả gốc lên ô tô và chở đi. Sau đó cây sưa này còn qua tay rất nhiều chủ và số tiền không dừng lại ở con số 600 triệu đồng.
Ông Bùi Văn Quỳnh – Trưởng công an xã Cúc Phương cho biết: “Hạt kiểm lâm cho bán đấu giá cây sưa đó vào khoảng đầu tháng 6/2012. Có rất nhiều người tham dự phiên bán đấu giá nhưng nhà hàng Vinh Phượng lại giành thắng cuộc. Tuy nhiên, nhà hàng Vinh Phượng chỉ làm khâu trung gian”.
|
Ông Đinh Thúc Chiến trao đổi với PV Kiến thức
|
Trao đổi với PV Kiến thức, ông Đinh Thúc Chiến – Chủ tỉnh UBND xã Cúc Phương cho biết: “Tôi có biết việc cây sưa ở trạm số 9 Hạt kiểm lâm nằm trong diện giải phóng mặt bằng. Nhưng việc mua bán, chia chác như thế nào thì bản thân tôi không hề hay biết. Trước khi bán, Hat kiểm lâm cũng đã gửi xã bản thông báo về việc thanh lý một số cây dọc hai bên đường nằm trong diện giải tỏa, không nói rõ có cây gỗ sưa. Chính vì vậy hạt kiểm lâm cho bán cây sưa với giá 600 triệu đồng, bản thân tôi cũng chỉ nghe nói".
“UBND xã chỉ mang tính chất quản lý tổng thể, còn các cây trong rừng lại do chính kiểm lâm trực tiếp quản lý. Kiểm lâm không thông báo rõ việc về cây sưa, tất nhiên xã không hề hay biết”, ông Chiến cho biết thêm.
Trao đổi với PV, ông Trương Quang Bích – Giám đốc VQG Cúc Phương cho biết: “Cây gỗ sưa này nằm trong phần đất giải phóng mặt bằng để làm đường nên anh em ở trạm kiểm lâm số 9 đã làm đơn gửi UBND xã và hạt kiểm lâm Nho Quan xin phép được bán. Hat kiểm lâm cũng đã gửi xã bản thông báo về việc thanh lý một số cây dọc hai bên đường nằm trong diện giải tỏa, không nói rõ có cây gỗ sưa”.
|
Ông Trương Quang Bích: Cây sưa trước sân của trạm kiểm lâm số 9 nên coi như của hộ gia đình.
|
Khi được hỏi ai là người ký quyết định cho bán cây sưa, ông Bích nói: “Do anh em trạm tự tổ chức bán, chứ bản thân tôi không ký quyết định và cũng chỉ nghe cấp dưới báo lại bằng miệng”.
Về việc vì sao không mang cây sưa đi trồng ở vị trí khác, ông Bích phân trần: “Vì cây sưa này nằm ở trước sân của trạm kiểm lâm số 9 nên coi như của hộ gia đình. Đồng thời cây sưa này lại do chính anh em trạm số 9 trồng”.
|
Kiểm lâm không mang cây sưa trồng vào khu vực riêng trong Vườn quốc gia Cúc Phương mà đem đi bán
|
Tuy nhiên ông Bích cũng không biết cụ thể ai trồng cây sưa và cho rằng: “Tìm được người trồng thì rất khó bởi nhiều năm qua anh em ở trạm có người đã nghỉ hưu, hoặc luân chuyển công tác”.
Hỏi về số tiền 600 triệu từ việc bán cây sưa đã được đơn vị nào sử dụng, ông Bích cho hay: “Vì không tìm được đích thân người hay nhóm đã trồng nên dùng vào quỹ công đoàn”.
TIN LIÊN QUAN
BÀI ĐỌC NHIỀU