Hạ tuổi kết hôn là kéo lùi sự phát triển

Google News

(Kiến Thức) - Em gái dưới 18 tuổi chưa phát triển đẩy đủ về mặt thể chất và tâm sinh lý; khi sinh nở thì dễ tử vong do tai biến sản khoa...

PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (Đại học KHXH&NV) nhận định như trên.
Hạ tuổi để giải quyết tảo hôn: Ảo tưởng!
Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình (sửa đổi) đang nhận được nhiều ý kiến rằng nên hạ tuổi kết hôn của nam giới xuống 18 (thay vì 20) và của nữ xuống 16 (thay vì 18). Dưới góc độ là người nghiên cứu, quan điểm của ông thế nào về việc này?
Tôi cho rằng, nếu kỳ họp Quốc hội vào tháng 6/2014 mà phê chuẩn việc hạ tuổi này thì sẽ có nhiều điều đáng lo ngại.
Thứ nhất, nó đe dọa sự bền vững của hạnh phúc gia đình. Bởi lẽ, nếu hạ tuổi kết hôn của nam xuống 18 (nhưng thực tế, chỉ cần qua sinh nhật lần thứ 17 một ngày), tuổi nữ xuống 16, tức là chưa đủ tuổi thành niên. Các em không có kiến thức làm cha mẹ, làm vợ chồng vì đang ở tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” sẽ khó tránh khỏi những xung đột, nguy cơ tan vỡ sẽ cao hơn những gia đình khác. Chưa kể, công ăn việc làm chưa ổn định sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống.
Thứ hai là ảnh hưởng đến sức khoẻ sinh sản và chất lượng dân số. Các nghiên cứu đã chỉ ra, các em gái dưới 18 tuổi chưa phát triển đẩy đủ về mặt thể chất và tâm sinh lý mà đã sinh nở thì tỷ lệ tử vong do tai biến sản khoa cao gấp 2 - 5 lần so với phụ nữ sinh con từ đủ 18 tuổi trở lên. Việc sinh non, sẩy thai, đẻ khó cũng có nguy cơ cao hơn. Những đứa trẻ sinh ra trong gia đình như thế phải chịu nhiều thiệt thòi vì không được nuôi dạy tốt.
Về mặt luật pháp, Bộ luật Dân sự quy định đủ 18 tuổi mới là thành niên. Nếu kết hôn trước 18 tuổi, quyền lợi của họ cũng bị giảm đi rất nhiều. Từ những lý do đó, tôi cho rằng không nên hạ tuổi kết hôn.
Một trong những lý do để người ta đưa ra đề xuất hạ tuổi kết hôn là vì họ tin rằng nó sẽ giải quyết được nạn tảo hôn đấy, thưa ông?
Nếu kỳ vọng như thế thì theo tôi đó chỉ là ảo tưởng. Nếu hạ tuổi kết hôn xuống 16 thì chỉ giảm được tỷ lệ tảo hôn nhưng không giải quyết triệt để được nạn tảo hôn. Vì ở nhiều vùng dân tộc ít người, các em gái mới 14 -15 tuổi đã làm mẹ. Vậy, có nên chạy đua để giảm tuổi kết hôn xuống từ 14 - 15 tuổi không? Chỉ có làm như thế may ra mới chấm dứt được tảo hôn.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Dân số, Môi trường và Các vấn đề xã hội (Đại học KHXH&NV). 
Lấy cái nhỏ để lo cho đại cục
Thực tế, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của cả nam và nữ đều tăng. Tổng điều tra dân số nhà ở năm 2009 cho thấy, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam là 26,2 tuổi, tăng 1 tuổi so với 1999; với nữ là 23 tuổi, không tăng so với 1999. Do đó, dù có hạ tuổi hay không thì cũng sẽ khó khuyến khích người ta kết hôn ngay từ lúc vừa đủ tuổi quy định, thưa ông?
Đúng. Giảm vậy chứ giảm nữa thì tôi tin cũng khó mà tạo ra trào lưu để người ta đua nhau lấy vợ, lấy chồng sớm. Tảo hôn chỉ có ở một bộ phận dân cư thôi. Nghiên cứu chỉ ra, tỷ lệ tảo hôn không tăng mà còn giảm, năm 1999 trong nhóm tuổi 15 - 19 thì 2,2% nam giới có vợ và số nữ giới có chồng là 9,2%. Năm 2009 tỷ lệ này là 2,2% nam và 8,3% nữ trong độ tuổi từ 15 - 19 đã kết hôn. Nếu quan niệm chỉ vì tảo hôn vẫn còn mà họ đề nghị hạ tuổi để giải quyết tảo hôn thì thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn.
Thế mà người ta vẫn đưa ra đề nghị thiếu khoa học ấy đấy!
(Cười) Thế mới đáng nói. Người ta còn tin rằng, hạ tuổi kết hôn để bảo vệ quyền lợi của phụ nữ và trẻ em, để bình đẳng giới. Tôi nghĩ "thương nhau như thế chỉ bằng mười hại nhau". 
Ông đang cường điệu quá?
Không đâu. Nếu thực sự họ muốn quan tâm đến bảo tồn nòi giống một vài dân tộc ít người (từ 5.000 người trở xuống chẳng hạn) thì có thể cho phép ngoại lệ để cộng đồng đó được kết hôn sớm. Đó cũng chỉ là giải pháp tình thế. Còn lâu dài thì phải giúp họ nâng cao chất lượng cuộc sống, có điều kiện sống tốt hơn chứ không phải mở cửa cho họ đẻ nhiều. Nếu đẻ nhiều, đẻ sớm thì chất lượng dân số thấp, còi cọc. Thế chả hại nhau thì là gì.
Thêm nữa, chúng ta đã đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 bằng nam giới để bình đẳng giới, theo xu hướng tiến bộ. Vậy thì hà cớ gì lại kéo tuổi kết hôn của nam giới xuống ngang bằng nữ giới? Đó là kéo lùi sự phát triển đấy chứ!
Đừng đổ tội cho phong tục, trình độ 
Ông đánh giá thế nào về công tác tuyên truyền, giáo dục về công tác dân số kế hoạch hóa gia đình ở ta hiện nay?
Tôi cho rằng, việc tuyên truyền vẫn chưa hiệu quả. Ta mới chú trọng phủ sóng bề rộng chứ chưa hướng tới chiều sâu; tuyên truyền theo kiểu ai cũng như ai, để rồi người nói cứ nói, còn đối tượng để tuyên truyền có phương tiện tiếp nhận (đài, ti vi, báo chí) không, có thời gian để tiếp nhận không thì vẫn chưa được xem xét thấu đáo. Đội ngũ cộng tác viên dân số có đóng góp tích cực song họ cũng là người địa phương, bị kiềm tỏa bởi phong tục tập quán, bởi trình độ nên cũng tảo hôn, cán bộ xã cũng sinh nhiều con thì nói ai được nữa. 
Như ông chỉ ra thì rõ ràng, việc để tảo hôn tiếp diễn thì chính quyền cũng không thể vô can?
Đúng. Cái đó có trách nhiệm của các cấp chính quyền, từ cấp cơ sở đến cấp cao hơn. Đừng cứ mãi đổ tội cho phong tục tập quán, cho trình độ dân trí của đồng bào. Và khi mà tảo hôn vẫn còn, cái giá xã hội phải trả là rất lớn. Khi ta chấp thuận hạ tuổi để giảm tảo hôn thì giá đó lại càng lớn hơn nhiều.
Cụ thể, những cái giá đó là gì, thưa ông?
Đó là tỷ lệ tai biến sản khoa tăng thì mục tiêu thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ tử vong mẹ sẽ khó thực hiện được. Nếu không thì cũng ốm đau, bệnh tật, chi phí khám chữa bệnh rất nhiều. Thứ hai, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà người mẹ chưa phát triển hoàn thiện về thể chất sẽ bị thấp còi, ảnh hưởng đến chất lượng dân số và ta không đạt được chỉ tiêu về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Rồi thì bạo lực gia đình xảy ra. Mỗi năm, chúng ta tốn khoảng 2,5 - 3% GDP cho vấn đề này, nếu cho kết hôn sớm, tỷ lệ bạo lực gia tăng thì phí tổn do bạo lực gia đình cũng tăng lên.
Vậy theo ông, nếu không hạ tuổi kết hôn thì để giải quyết vấn nạn tảo hôn, chúng ta cần phải làm gì?
Cần phải chia nhỏ nhóm truyền thông, sau đó áp dụng các phương thức, cách thức truyền thông cụ thể cho phù hợp. Thứ hai, phải đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Với những dân tộc thiểu số, cần phải duy trì nòi giống thì cũng nên có chế độ ngoại lệ cho họ được kết hôn sớm, chứ không phải là hạ tuổi kết hôn chung cho cả nước.
Trân trọng cảm ơn ông!
“Bảo rằng hạ tuổi kết hôn để bảo vệ phụ nữ, trẻ em là không hoàn toàn. Vì nếu đời sống vợ chồng không hạnh phúc dẫn đến ly hôn hoặc trong các mối quan hệ khác, quyền và lợi ích hợp pháp của những người vợ trẻ bị xâm phạm, họ cũng không thể tự mình đứng đơn hoặc tham gia tố tụng với tư cách độc lập để bảo vệ quyền lợi cho mình, vì pháp luật tố tụng dân sự quy định “đương sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự””.
PGS.TS Hoàng Bá Thịnh
Vũ Thủy (Thực hiện)

Bình luận(0)