Dỡ đình mua bán gỗ sưa: Những tiết lộ bất ngờ

Google News

(Kiến Thức) - Việc mua bán gỗ sưa nhằm mở rộng khuôn viên đình hay có khuất tất gì khác? Một số người cho biết, đây không phải lần đầu chùa Cựu mua bán gỗ sưa.

Đến thời điểm này, người dân thôn Cựu Quán, xã Đức Thượng (Hoài Đức, Hà Nội) vẫn bức xúc bởi việc một số người trong đó có trưởng thôn, trưởng, phó ban khánh tiết đình Cựu Quán…đã tự ý tháo dỡ mái đình, bán 4 thanh gỗ sưa quý với tổng trọng lượng là 127,5kg với giá 10 triệu đồng/kg cho sư thầy Thích Diệu Bản, để rồi sau đó, những thanh gỗ sưa bị những người lạ mặt đến ép sư Bản bán lại, rồi mang thanh những thanh gỗ quý đi mất. Việc mua bán 4 thanh gỗ sưa này theo những người liên quan là để lấy tiền tu sửa, mở rộng khuôn viên đình.
 Mua bán gỗ sưa để lấy tiền mở rộng khuôn viên đình Cựu Quán?
Tuy nhiên, theo người dân cho biết, việc mua bán này không được thông báo rộng rãi đến người dân. Chỉ có 6 người trong ban khánh tiết, trưởng thôn tự ý bán gỗ quý. Như vậy là không minh bạch, ngay cả số tiền bán gỗ sưa với mục đích tu bổ đình dân cũng không ai hay? Điều này khiến hàng trăm người dân Đức Thượng rất bất bình. 
 Việc dỡ mái đình lấy gỗ sưa bán lấy tiền mở rộng khuôn viên đình khiến nhiều người dân bức xúc bởi không thông báo cho người dân.
Lý giải về việc bỏ ra 1,2 tỷ đồng để mua 4 thanh gỗ sưa, sư thầy Thích Diệu Bản cho hay, việc mua bán này nhằm giúp các cụ mở rộng khuôn viên đình Cựu Quán. Bởi từ trước đến nay khuôn viên đình hẹp, có sự kiện gì chỉ đủ dải hai cái chiếu, các cụ ngồi tế, người dân không có chỗ đứng.
“Trước đây, tôi cũng không có ý định mua gỗ sưa, vì mua về cũng không biết làm gì. Hôm về giỗ tổ, các cụ trong làng nhờ mua giúp gỗ sưa để lấy tiền mua ruộng làm khuôn viên đình Cựu Quán. Khi đó, bản thân tôi cũng không muốn mua, hơn nữa, tiền chùa cũng không có nhiều. Nhưng các cụ nhờ giúp nên tôi cố gắng giúp các cụ để an lòng dân. Tôi mua về định làm câu đối treo ở chùa để làm kỷ niệm, nếu thừa thì làm tấm hoành phi. Nhưng vừa mang về đến chùa Bát Phúc, ở xã Tân Lập, Đan Phượng, Hà Nội, thì có một nhóm người đến đòi nhượng lại. Khi đó, tôi bảo “Bây giờ làm đôi câu đối có một thanh thì không làm được. Hơn nữa các cụ làm giấy bán cho tôi để làm kỷ niệm nên tôi không bán lại được”. Tuy nhiên, nhìn nhóm người ấy đầu trọc, họ toàn đầu gấu còn nhà chùa toàn phụ nữ, sợ ảnh hưởng đến nhà chùa nên tôi nhượng lại. Họ trả tiền xong thì mang gỗ sưa đi”, sư thầy Thích Diệu Bản cho biết.
 Sư thầy Thích Diệu Bản "Số gỗ sưa ấy vừa mang về chùa đã bị một nhóm người đến đòi nhượng lại nên đã bán đi".
Nói về số tiền bỏ ra mua gỗ sưa, sư thầy Thích Diệu Bản cho biết: “Số tiền 1,2 tỷ là tiền tích góp nhiều năm nay để làm vốn, ngoài xây dựng chùa, còn đề phòng thân vì tôi hay ốm đau. Nên đem tiền tiết kiệm ấy mua gỗ sưa”.
Về việc người dân Cựu Quán cho rằng, sư thầy trốn chạy khi xảy ra vụ việc, sư thầy Thích Diệu Bản khẳng định: “Thầy không trốn tránh. Từ hôm đó đến nay thầy vẫn đi làm bình thường. Chùa Cựu Quán giao cho đệ tử trông nom, vài tháng mới về đó một lần. Tôi không phạm pháp, tiền tôi bỏ ra mua, chính quyền ký kết, có biên bản hẳn hoi, tôi có ăn trộm cắp đâu mà bỏ trốn. Tôi trụ trì bốn chùa, tôi không có mặt ở đó mà bảo tôi chạy trốn là không đúng".
 Người dân làm đơn yêu cầu làm rõ vụ việc.
Tuy những người bán gỗ sưa đình Cựu Quán và sư thầy Thích Diệu Bản đã nói rõ về việc mua bán nhưng người dân Cựu Quán cho rằng, việc tự tiện tháo dỡ mái đình, lấy gỗ sưa đem bán không được thông báo rộng rãi cho người dẫn đến việc người dân vô cùng bất bình, phẫn nộ.
Trong đơn gửi các cơ quan chức năng, hội người cao tuổi cho rằng: “Đây không phải lần đầu việc mua bán gỗ sưa này diễn ra. Lần đầu bên chùa Cựu bán được 3 tỷ. Nhóm người lạ mua lại gỗ sưa từ sư thầy Thích Diệu Bản là ai, cần được làm rõ. Người dân mong muốn cơ quan chức năng sớm làm rõ, thu hồi số gỗ sưa để trả lại nguyên trạng.
 Trong đơn, người dân cho rằng, việc mua bán gỗ sưa này không phải lần đầu tiên.
Trưởng công an xã Đức Thượng, Trương Văn Thảo cho biết, việc ban lãnh đạo thôn cùng ban khánh tiết đã dỡ 4 thanh mái đình khiến tình hình địa phương bất ổn, người dân rất bức xúc. Công an xã đã phối hợp với công an huyện Hoài Đức để làm rõ.
Ban đầu làm rõ, số tiền thu được từ bán gỗ sưa, có 700 triệu đồng đã được gửi tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hoài Đức, 500 triệu đồng đã mua ruộng gần chùa và mua đồ gỗ sửa lại mái đình.
Đình làng Cựu Quán chưa được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa, tuy nhiên ngôi đình này đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Việc tháo mái đình lấy gỗ sưa đem bán đã làm ảnh hưởng tới ngôi đình trên. Chính vì thế, ngày 6/3, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã có văn bản số 603 chỉ đạo các đơn vị liên quan điều tra, báo cáo sự việc. Văn bản đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng có liên quan phối hợp với UBND cã Đức Thượng khẩn trương kiểm tra chấn chỉnh các sai phạm, để có hình thức xử lý phù hợp và báo cáo trước ngày 15/3/2014.
Vụ việc đang được cơ quan chức năng làm rõ…
Hải Ninh

Bình luận(0)