Ngày 7/11, thảo luận tại tổ về Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), các đại biểu đề nghị phải quy định rõ trách nhiệm của các bộ trưởng, trưởng ngành, tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm lên Thủ tướng.
|
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền phát biểu ý kiến. |
Khó quy trách nhiệm
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền nêu rõ, luật phải có một chủ thuyết và Luật Tổ chức Chính phủ cần tăng cường chế độ trách nhiệm, nhưng điều này trong luật còn vắng bóng, vẫn thấy tư duy cũ. Ông Quyền đề nghị, nếu không quy định rõ chế độ trách nhiệm của từng vị trí công tác, thì phải có luật công vụ.
“Ở các nước, khi có vụ việc xảy ra như tai nạn, bệnh viện làm chết người, chỉ vài tiếng sau sẽ truy ra trách nhiệm cụ thể ngay. Trong khi đó, chúng ta rất khó truy trách nhiệm, như vụ Cát Tường, rất khó làm rõ trách nhiệm giữa Bộ Y tế, Sở Y tế hay là thành phố Hà Nội”, ông Quyền dẫn chứng.
Theo đại biểu (ĐB) Quyền, Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) phải làm rõ trách nhiệm của Thủ tướng, phó Thủ tướng, bộ trưởng, thứ trưởng. Đồng thời phải có thiết chế kiểm soát tính tự giác của cán bộ, công chức bởi ngay cả thế giới người ta cũng không bao giờ hy vọng vào tính tự giác của công chức.
Ông Quyền và một số ĐB khác nói rằng, cần làm rõ vai trò của Thủ tướng với tư cách người lãnh đạo, chứ không phải người quản lý. Ông Quyền nói rằng, có những vụ việc rất nhỏ nhưng phải lên đến tận Thủ tướng xử lý như vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng (Hải Phòng).
“Vậy chính quyền địa phương đâu? Bộ, ngành chủ quản đâu? Có lẽ Việt Nam là nước duy nhất mà Thủ tướng phải đi điều hành những vấn đề như vậy. Ngay cả đến mua bán tài sản tại các tập đoàn kinh tế nhà nước như Vinalines, Vinashin cũng phải xin ý kiến Thủ tướng”, ông Quyền nói.
Về tình trạng dồn việc lên Thủ tướng, ĐB Trịnh Ngọc Thạch (Hà Nội) nói rằng có những việc như thành lập trường đại học cũng phải trình Thủ tướng ký. “Tôi cũng xem danh sách những việc Thủ tướng phải làm thì quả là có rất nhiều việc, lẽ ra có thể để các bộ làm”, ĐB Thạch nói.
ĐB Nguyễn Mạnh Cường, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, nói rằng, những việc rất nhỏ, thuộc thẩm quyền của bộ trưởng nhưng vẫn trình xin ý kiến của Thủ tướng. “Việc này là sự đùn đẩy trách nhiệm từ các bộ lên. Vì vậy, cần phải quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể Chính phủ, bộ trưởng trong luật”, ông Cường nói.
Lạm phát cấp phó - cần quy định cứng
Đề cập tình trạng lạm phát cấp phó, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) đề nghị quy định mỗi bộ chỉ nên giới hạn từ 4 - 5 thứ trưởng, chứ không nên để tới 9 - 10 thứ trưởng. ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cũng đề nghị ấn định con số cụ thể với thứ trưởng, phó thủ tướng, nếu không sẽ phát sinh nhiều quá “không biết bao nhiêu cho vừa”.
“Lần nào đi tiếp xúc cử tri cũng thấy họ phàn nàn về việc các bộ, ngành giờ quá nhiều cấp phó. Cần phải quy định cứng mỗi bộ có bao nhiêu cấp phó vào ngay trong dự thảo luật lần này. Quy định cứng như vậy thì sẽ ngăn được tình trạng “lạm phát” cấp phó”, ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) kiến nghị.
Cho rằng nguyên nhân dẫn đến nhiều cấp phó là vì không mạnh dạn giao quyền cho các sở, vụ, cục, ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) đề nghị, phải quy định rõ số cấp phó. Cụ thể, mỗi UBND tỉnh chỉ có hai cấp phó, còn cấp sở chỉ một cấp phó.
“Trong sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, phải dứt khoát một nguyên tắc: Mỗi công vụ chỉ một cấp chính quyền làm. Xã làm thì huyện không làm, huyện làm thì tỉnh không làm nữa… Đừng biến cơ sở thành cái máng xối, mọi thứ dồn xuống, biên chế tăng lên vùn vụt vì công vụ trùng lắp”, ĐB Lịch nêu.
Cơ quan siêu bộ?
Ông Quyền và một số ĐB khác đặt vấn đề có nên giữ mô hình Văn phòng Chính phủ như hiện nay nữa hay không, bởi các bộ đều đã có văn phòng của bộ, Thủ tướng cũng có văn phòng, có bộ phận giúp việc rồi. “Chẳng ai nói ra, nhưng người ta cứ lầm rầm rằng Văn phòng Chính phủ là cơ quan siêu bộ”, ông Quyền nói và đề nghị tổng kết về chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của mô hình này.
ĐB Trịnh Ngọc Thạch nêu ý kiến, Văn phòng Chính phủ nên gọi là Văn phòng Thủ tướng. Để như bây giờ chẳng khác nào một siêu bộ, thêm một tầng nấc hành chính. Theo ông Thạch, người phụ trách Văn phòng Chính phủ nên để ngang hàng thứ trưởng.
Để quản lý vốn nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Hà Nội) và một số ĐB khác đề nghị thành lập bộ, hoặc một cơ quan ngang bộ để quản lý phần vốn nhà nước này tốt hơn, tránh tình trạng thất thoát vốn như vừa qua.
Đề nghị đưa quy định từ chức vào luật
ĐB Huỳnh Thành (Gia Lai) nhấn mạnh, quan trọng nhất là phải làm rõ trách nhiệm cá nhân của các thành viên Chính phủ, có như thế đại biểu mới phân biệt thẩm quyền nào của bộ trưởng, của Thủ tướng để khi chất vấn làm rõ trách nhiệm. ĐB Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) đề nghị thảo luận kỹ xem có nên đưa quy định từ chức vào trong dự thảo luật hay không. Nếu quy định, phải làm rõ mức độ vi phạm nào là phải từ chức.