Âm mưu báo thù
Khoảng 20h ngày 16/5/2013, Trần Thành Tấn Quốc (20 tuổi, ở Lâm Đồng) điều khiển xe môtô chạy sát vào người Nguyễn Hữu Quốc (20 tuổi, ở Lâm Đồng) nên hai bên xảy ra xích mích, cãi nhau.
Bực tức Hữu Quốc rủ Nguyễn Đình Anh Vũ và một số bạn đến quán bán chân gà nướng ở thị trấn Liên Nghĩa (huyện Đức Trọng) tìm Tân Quốc để đánh. Tại quán hai nhóm đã đánh nhau, hậu quả Vũ bị đâm vào lưng, thương tích nhẹ.
Vũ sau đó được đưa đến Trung tâm Y tế Đức Trọng để xử lý vết thương rồi cùng cả nhóm đi về thôn Bồng Lai. Sau đó, nạn nhân gọi điện thoại cho Tấn Quốc rồi đưa điện thoại cho bạn mình là Trương Công Quốc (20 tuổi) nói chuyện. Khi nói chuyện qua điện thoại thì hai bên to tiếng và thách thức đánh nhau.
|
Các bị cáo tại phiên tòa. |
Ngày 17/5/2013, nhóm của Tấn Quốc và nhóm của Công Quốc hẹn đánh nhau, vì vậy tối cùng ngày cả hai nhóm mang theo dao rựa phát, dao tự chế đi lên khu vực đường cao tốc gần ngã ba Liên Khương để đánh nhau. Tuy nhiên trên đường đến điểm hẹn, nhóm của Tấn Quốc thấy Công an huyện Đức Trọng đi tuần tra nên giải tán đi về. Còn nhóm của Công Quốc đợi một lúc không thấy đối thủ đến thì cũng đi về.
Chiều tối 18/5/2013, Tấn Quốc đã rủ thêm 10 người bạn tụ tập lại để bàn bạc và chuẩn bị hung khí dao, rựa để đến tối đi lên Phi Nôm đánh nhau với nhóm của Công Quốc. Do không có tiền nên một người bạn của Tấn Quốc là Cáp Thanh Hoàng đã đi vay vay được 800.000 đồng, sau đó ra chợ Liên Nghĩa mua 12 dao rựa phát mang về làm hung khí. Tại đây, Tấn Quốc đã đưa tiền cho Hoàng đi mua thêm khẩu trang y tế để cả nhóm mang vào, tránh việc đánh nhầm nhau.
Để có thêm lực lượng, Tấn Quốc đã nhờ bạn là Nguyễn Tiến Lượng rủ thêm hơn 10 người nữa cùng tham chiến. Khoảng 20h ngày 18/5/2013, sau khi gọi điện thoại hẹn Lượng và thống nhất địa điểm để tụ họp cùng lên đường đi báo thù.
Hỗn chiến như phim hành động
Sau khi gặp nhau, nhóm của Tấn Quốc để bó dao rựa mang theo xuống rồi phát cho mỗi người một con làm hung khí. Một tên cũng nhanh tay phân phát khẩu trang cho từng người đeo để làm ký hiệu nhận ra nhau trong đêm tối, tránh việc đánh nhầm.
Sau khi chuẩn bị, nhóm của Tấn Quốc chở nhau bằng môtô đi lên xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng để tìm đánh nhau với nhóm của Công Quốc.
Do đã có hẹn từ trước nên khoảng 19h ngày 18/5, khi Trần Thăng Long và Trịnh Công Sơn đang ở thôn Cầu sắt (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương) thì Trần Bá Hoàng (là anh ruột của Long) gọi điện thoại nói Long mang hung khí ra sân bóng Bồng Lai để đánh nhau. Tại đây, nhóm của Long cũng hợp với nhóm của Công Quốc cùng nhau chuẩn bị nghênh chiến.
Khi nhóm của Tấn Quốc đi về hướng Hiệp Thạnh thì nhóm của Công Quốc đang ngồi trong quán cà phê Trúc Viên, gần Trung tâm y tế huyện Đức Trọng. Lúc này, thấy nhóm của Tấn Quốc chạy xe máy ngang qua quán Trúc Viên, thì Công Quốc nói với cả nhóm “Về lấy hàng chơi tụi nó” nên cả nhóm lấy xe máy về phía sân bóng đá mini ở Bồng Lai lấy hung khí (đã được giấu sẵn tại đó) để đánh nhau với nhóm của Tấn Quốc.
Đến khoảng 21h, nhóm của Tấn Quốc chạy qua cầu Bồng Lai vào phía trong để tìm nhóm của Công Quốc. Chạy vào trong một đoạn không gặp nên cả nhóm quay ra, khi ra đến khu vực cầu Bồng Lai thì nhóm Tấn Quốc gặp nhóm của Công Quốc đang đi về tới liền cầm hung khí đuổi đánh nhóm của đối thủ. Do không có hung khí nên nhóm của Công Quốc bỏ chạy về nhiều hướng khác nhau.
Tại thời điểm này thì Nguyễn Công Thành chạy xe máy chở Phan Thanh Nam đi về sân bóng mini. Nam lấy chiếc xỉa rơm của một người tại sân bóng rồi nói Thành chở quay ra cầu Bồng Lai.
Đến ngã ba phía trong gần sát cầu Bồng Lai, Thành và Nam gặp nhóm của Tấn Quốc chạy từ trong ra, trong đó có Nông Tiến Dũng đang chạy xe chở Lô Đức Thiên. Nam nhảy xuống xe nói Thành chạy đi rồi cầm xỉa rơm chạy bộ đuổi theo Dũng và Thiên, còn Thành điều khiển xe máy chạy vào trong thôn.
Thấy Nam cầm hung khí đuổi theo, Thiên nhảy xuống khỏi xe của Dũng và chạy ra phía cầu. Nam cầm xỉa rơm đuổi kịp Dũng rồi đâm vào lưng của Dũng.
Bị đâm, xe Dũng bị ngã đổ trước quán cà phê phía trong gần sát cầu Bồng Lai. Thấy Nam cầm xỉa rơm đuổi theo và đâm Dũng, nhóm bạn của nạn nhân đã cầm dao rựa và dao tự chế chạy lại chém Nam để giải cứu bạn. Nam bỏ chạy vào hướng phía trong của thôn Bồng Lai thì Kiên, Tấn Quốc, Hảo, Quân, Long cầm dao rựa đuổi theo.
Chạy được một đoạn thì Nam bị Kiên đuổi kịp nên ngã xuống lề đường. Nam vừa ngã thì Kiên, Hảo, Quốc, Quân và Long chạy đến dùng dao chém vào người Nam, nghe có tiếng hô có công an nên nhóm Tấn Quốc vộ bỏ đó để chạy về thị trấn Liên Nghĩa.
Hậu quả, Phan Thanh Nam bị các vết thương: vết thương đỉnh phải, nứt và lún hộp sọ dài 4,5cm, cắt đứa gân cơ vát một phần xương trụ; vết thương kẽ ngón 4-5 tay trái lên mu tay trái đứt cân cơ mạch máu... Sau khi bị đánh được đưa đến Trung tâm Y tế Đức Trọng, sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, nhưng do thương tích quá nặng nên đã tử vong sau đó.
Ngay sau khi gây án, tất cả các nghi can trong cuộc hỗn chiến đã bị cơ quan công an bắt giữ. Trong quá trình điều tra, những thanh niên đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Đền tội
Ngày 22/4/2015, TAND tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử đối với 30 bị cáo tham gia vụ hỗn chiến kinh hoàng trên. Theo ghi nhận của chúng tôi thì đây chính là phiên xét xử có số lượng bị cáo đông nhất từ trước đến nay tại tỉnh Lâm Đồng. Phiên tòa, cũng nhận được sự quan tâm, theo dõi của đông đảo người dân đến tham dự.
Hội đồng xét xử nhận định với những hành động trên của các bị cáo không những gây ra cái chết cho người khác mà nó còn gây ra sự hoang mang, lo sợ cho người dân sống trên địa bàn. Đặc biệt, việc tụ tập nhiều đối tượng để đánh, chém nhau thể hiện tính côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng người khác của các bị cáo. Vì vậy, các bị cáo cần phải nhận một mức án thích đáng, đủ mức dăn đe cho những hành động mình đã gây ra.
Trên cơ sở đó, TAND tỉnh Lâm Đồng quyết định truy tố các bị cáo Trần Thành Tấn Quốc, Nguyễn Thành Kiên, Dương Đức Hảo, Lương Hải Long, Hoàng Long Quân, Cáp Thanh Hoàng, Chương Văn Cường, Mã Hồng Phong, Hoàng Vương về tội Giết người.
Đối với các bị cáo khác không trực tiếp tham gia vào việc gây ra cái chết cho nạn nhân như Vòng Thức Hòa, Trương Công Quốc, Nguyễn Hữu Quốc... cũng bị truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng.
Các bị cáo trực tiếp tham gia cuộc hỗn chiến, đồng thời gây ra cái chết của nạn nhân lần lượt bị tuyên phạt từ 8 đến 16 năm tù giam. Đồng thời phải bồi thường các khoản phí theo yêu cầu của gia đình bị hại. Các bị cáo còn lại bị truy tố về tội Gây rối trật tự công cộng thì người nhẹ nhất cũng phải chịu mức án từ 8 tháng tù giam trở lên.
Tổng cộng mức án của 30 bị cáo tại phiên tòa lên tới hơn 100 năm tù giam.