Bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế, bất chấp bị Việt Nam và các nước trên thế giới cực lực lên tiếng phản đối, Trung Quốc vẫn cố chấp duy trì việc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trái phép tại vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Song song với việc đó, Trung Quốc còn đưa một số giàn khoan hạ đặt tại Biển Đông và liên tục có các hoạt động gây hấn cũng như các luận điệu xuyên tạc lịch sử nhằm thực hiện âm mưu bá quyền Biển Đông theo đường lưỡi bò mà nước này đã vẽ ra trước đó. Mới đây, Trung Quốc còn trắng trợn tìm cách đăng ký Con đường tơ lụa hàng hải với Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) với cớ là bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở biển Đông để khai quật trong thời gian tới trong đó có quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
|
Các đảo nhỏ thuộc quần đảo Hoàng Sa. |
Để làm rõ những âm mưu thủ đoạn của Trung Quốc xung quanh những diễn tiếp này, Kiến Thức có cuộc đối thoại với Tiến sỹ Nguyễn Nhã - nhà nghiên cứu sử địa nổi tiếng của Việt Nam và là người có công trình nghiên cứu và hồ sơ, tài liệu về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa của Việt Nam được dịch sang tiếng Anh nhiều nhất.
Hiện thực hóa âm mưu độc chiếm Biển Đông
- Thưa Tiến sĩ, hiện Trung Quốc đang tìm cách đăng ký Con đường tơ lụa hàng hải với Ủy ban Di sản Thế giới (UNESCO) với cái cớ là bảo vệ các địa điểm khảo cổ ở Biển Đông. Tiến sĩ đánh giá sao về hành động này và Trung Quốc đang nhằm âm mưu gì?
Trung Quốc là nước có nhiều mưu mô xảo quyệt. Trước đây, họ vẽ bản đồ lưỡi bò chín đoạn, hạ đặt giàn khoan trái phép, gia tăng hoạt động gây hấn, đăng ký Con đường tơ lụa hàng hải với Ủy ban Di sản thế giới và thực hiện khai quật khảo cổ…Tất cả chỉ nhằm mục đích thực hiện âm mưu độc chiếm biển Đông. Những luận điệu và hành động nêu trên đều không thể chấp nhận, bởi Trung Quốc đang thách thức cả thế giới và luật pháp Quốc tế. Trước đây khi họ thể hiện ý đồ chiếm biển Đông, Trung Quốc khoanh vùng lưỡi bò phi pháp chiếm đến 80% Biển Đông. Tuy nhiên, trên thế giới, không một nước nào công nhận đường lưỡi bò 9 đoạn phi pháp ấy của Trung Quốc. Các luận chứng mà Trung Quốc đưa ra không có cơ sở nào, tất cả đều là ngụy tạo hoặc suy diễn. Việc Trung Quốc đưa ra con đường tơ lụa hàng hải với Ủy ban Di sản Quốc tế cũng chỉ để ngụy tạo cơ sở pháp lý về chủ quyền của họ ở Biển Đông, để họ thực thi chủ quyền ở vùng biển này.
- Dùng con đường tơ lụa hàng hải để đề nghị UNESCO đăng ký di sản văn hóa ở Hoàng Sa, thực hiện khai quật khảo cổ trên vùng lãnh thổ đặc quyền, kinh tế của nước khác, trong khi con đường tơ lụa là con đường buôn bán, có vẻ như Trung Quốc đang “thừa giấy để vẽ tiếp những điều phi lý”?
Thực tế, con đường tơ lụa hàng hải cũng như những con đường buôn bán khác trên thế giới là con đường giao thương, mà nhiều quốc gia hay đi lại. Lái buôn hay đi qua đó, không chỉ ở biển mà ở cả trong đất liền. Chuyện đó không ảnh hưởng gì đến vấn đề chủ quyền biển đảo. Trung Quốc lấy cớ đó để thực thi quyền chủ quyền dù rõ ràng họ biết đó là phi lý.
Trung Quốc khai quật khảo cổ ở Hoàng Sa, Trường Sa là vi phạm luật pháp quốc tế
- Lấy lý do các vật liệu xây dựng bằng đá và chạm khắc niên đại nhà Thanh được phát hiện ở Hoàng Sa (mà Trung Quốc coi rằng nằm trong cái gọi là “thành phố Tam Sa” do Trung Quốc tự đơn phương thiết lập năm 2012) nên đã ngang nhiên khai quật khảo cổ. Ngoài ra, cớ này sẽ được mở rộng xuống Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, Tiến sĩ nhìn nhận việc này thế nào?
Đó chỉ là lý do do Trung Quốc đưa ra để thực thi chủ quyền ở biển Đông. Trong nhiều năm qua, tôi đã thực hiện hồ sơ tư liệu chủ quyền biển đảo với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc chủ quyền Trung Quốc, trừ khi họ dùng vũ lực. Tất cả tư liệu của chúng ta đã chứng minh chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa, Trường Sa là một sự thật lịch sử rõ ràng.
Bất cứ cái gì thuộc vùng đặc quyền kinh tế và chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, Trung Quốc hành động mà không xin phép là hành vi xâm phạm chủ quyền, vi phạm luật pháp quốc tế.
- Để ngăn chặn những hành vi sai trái đó, bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam nên hành động gì?
Việt Nam phải đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế. Với những hành động ngang ngược của Trung Quốc như thời gian vừa qua mà mình chỉ phản đối mà không có hành động thì sẽ rơi vào khoảng không nếu không có quyết định của tòa Quốc tế. Hơn nữa, việc đưa Trung Quốc ra tòa án quốc tế cũng là cơ hội bác bỏ mọi luận điệu, hành vi ngang ngược của Trung Quốc, chứng minh chủ quyền không thể bàn cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Đó cũng là cách tạo điều kiện để khắp thế giới biết về chủ quyền thực sự của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa. Hơn nữa, đó cũng là việc làm tạo nên sức mạnh cho Việt Nam trong công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chúng ta cần cho thế giới biết Việt Nam là một quốc gia độc lập thực sự, là một quốc gia tự lực tự cường; phải cho mọi người trên thế giới biết Hoàng Sa, Trường Sa chưa bao giờ thuộc chủ quyền Trung Quốc.
|
Tiến sĩ sử học Nguyễn Nhã. |
Bất cứ siêu cường nào cũng không thể nằm ngoài luật pháp quốc tế
- Liệu tổ chức UNESCO có xem xét công nhận và trong tình huống xấu nhất con đường tơ lụa được công nhận, Tiến sĩ có thể dự đoán diễn biến tiếp theo?
Tôi đã nói rằng, con đường tơ lụa hàng hải cũng như những con đường buôn bán khác trên thế giới là con đường giao thương, mà nhiều quốc gia hay đi lại không có liên quan gì đến vấn đề chủ quyền. Đó là do Trung Quốc họ dựa đó để thực hiện ý đồ bá quyền Biển Đông. Vì thế, kể cả khi con đường này được công nhận đi nữa thì nó cũng không có ý nghĩa gì khác ngoài việc là con đường buôn bán. Mà con đường như thế này trên thế giới có rất nhiều, không thể coi đó là căn cứ để khẳng định quyền chủ quyền được. Hơn nữa, vì nó là con đường buôn bán nên nước này nước kia hay đi, việc khai quật khảo cổ không có nghĩa cứ tìm thấy vật gì của nước nào là nước đó có quyền chủ quyền.
- Dù là phi lý nếu Trung Quốc mượn việc đăng ký con đường di sản để thực thi chủ quyền Biển Đông nhưng nếu có cố tình, các nước trên thế giới có để Trung Quốc thích làm gì thì làm không?
Hiện nay, tính trên các đại dương cứ 4 tàu thì 1 tàu qua Biển Đông vì thế các cường quốc trên thế giới đều có những quyền lợi trên Biển Đông, nhất là về tự do hàng hải. Một khi tự do hàng hải bị hạn chế vì bất kì lý do nào, do sự hung dữ của bất kỳ quốc gia nào thì đều ảnh hưởng tới cả thế giới. Những hành động ngày càng ngang ngược bất chấp vi phạm luật pháp quốc tế của Trung Quốc sẽ làm ảnh hưởng đến trật tự thế giới này. Luật pháp quốc tế không được Trung Quốc tôn trọng thì nước này đang thách thức cả thế giới để thực hiện âm mưu chiến lược của mình. Một nước lớn trong khu vực như Trung Quốc có vũ khí hạt nhân, lại có dã tâm như vậy thì rất nguy hiểm với cả thế giới. Trung Quốc ngang ngược bất chấp luật pháp quốc tế làm ảnh hưởng đến trật tự hòa bình thế giới. Trung Quốc coi mình là nước lớn và muốn làm gì thì làm, như: vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 khi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, và thậm chí cả Hiến chương Liên Hiệp Quốc và những nghị quyết của Liên Hiệp Quốc cấm sử dụng vũ lực... Tất nhiên các nước khác sẽ không thể đứng ngoài cuộc. Vì thế tôi nghĩ, bất kỳ cường quốc nào cũng phải quan tâm tới trật tự thế giới. Bất cứ siêu cường quốc nào cũng không thể đi ngoài luật pháp quốc tế.
Xin cảm ơn Tiến sĩ Nguyễn Nhã về cuộc đối thoại này!