Hiện nay, vấn đề mại dâm đang ngày càng phức tạp, không chỉ mại dâm nữ mà mại dâm nam, mại dâm đồng giới cũng đang gia tăng. Vấn nạn mại dâm không chỉ liên quan tới phẩm chất, đạo đức mà còn ảnh hưởng sức khỏe, dẫn đến việc lây lan căn bệnh thế kỷ HIV.
Trao đổi với Kiến Thức, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa phân tích tâm lý của những người hành nghề mại dâm và gợi mở giải pháp hạn chế vấn nạn mại dâm hiện đang “nóng” trong dư luận.
Xử lý mại dâm như... "muối bỏ biển"
Thời gian gần đây, cơ quan chức năng đã “mạnh tay” xử lý một số “điểm nóng” mại dâm ở các quận Bình Thạnh (TP.HCM), thị xã Đồ Sơn (TP. Hải Phòng) và Quất Lâm, huyện Giao Thủy (Nam Định)… cùng với việc truy quét nhiều tụ điểm mại dâm trá hình, mại dâm dưới vỏ bọc là các quán bar, cà phê, quán cắt tóc gội đầu, nhà hàng, khách sạn… Tuy nhiên, vấn nạn mại dâm dường như không có dấu hiệu giảm mà ngày càng biến tướng, tinh vi hơn.
|
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa. |
“Về tâm lý thì những người hành nghề mại dâm thường không biết ngại, họ ít xấu hổ. Nói như vậy có thể có người lại cho rằng những người nghiên cứu, hay cơ quan chức năng miệt thị hay xúc phạm người chọn con đường bán dâm, nhưng đó là sự thật. Họ dám mặc quần áo hở hang, đứng đường để bán thân thì họ có gì để ngại nữa đâu”, chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa nhận định.
Ông cũng cho rằng: “Với một số người đẹp có chút danh tiếng mà đi lầm đường, bị bắt, bị báo chí phản ánh, nêu danh, đưa hình ảnh… thì còn có một số người biết ngại, thấy xấu hổ. Những người khác có thể xem đó như một bài học, tránh đi vào vết xe đổ. Còn những người bình thường, họ chỉ ngại một chút khi bị bắt thôi. Không có nghề nghiệp, hay những người thích ăn sung mặc sướng, thích nhàn hạ… thì có nêu gương nữa cũng không có tác dụng gì cả”.
“Theo tôi biết thì hiện nay người bán dâm không bị bắt và xử lý như trước, họ không bị đưa vào các Trung tâm phục hồi nhân phẩm để giáo dục, dạy nghề nữa. Đó là điều hết sức bất cập. Một số anh em công an làm nhiệm vụ có tâm sự với tôi: Chán lắm chú ạ, giờ chúng cháu bắt xong rồi không có nơi giữ, rồi lại thả ra, họ lại hành nghề, lại bán dâm. Đúng là như... muối bỏ bể", ông Trịnh Trung Hòa kể lại.
Không nghề nghiệp thì lại... quay về đường cũ
Về giải pháp cho tình trạng này, ông Trịnh Trung Hòa cho rằng đây thực sự là vấn đề hết sức nan giải. Các cơ quan chức năng thi thoảng có đợt truy quét, triệt phá liên tục thì tưởng như các điểm nóng có dấu hiệu “nguội” đi. Nhưng chỉ được một thời gian không dài, mọi thứ lại đâu vào đấy. Hơn nữa, thời gian gần đây, nạn mại dâm trá hình “lách luật”, đăng ký kinh doanh nhà nghỉ, khách sạn, cắt tóc, gội đầu, mát xa… nhưng lại mua bán dâm thì việc xử lý quả là gặp nhiều khó khăn.
|
Nạn mại dâm ngày càng diễn biến phức tạp.
|
Ông Trịnh Trung Hòa phân tích: “Trước đây, các nhà quản lý từng đề cập tới phương án hợp thức hóa mại dâm. Tôi cho rằng phương án này không phải không có cái hay. Để tình trạng quản lý lỏng lẻo như hiện nay, dẫn tới rất nhiều hệ lụy. Gái bán dâm tùy tiện hoạt động, không kiểm soát, một số người nhiễm bệnh, thậm chí cả căn bệnh thế kỷ HIV vẫn bán dâm. Nếu có thể kiểm soát chặt chẽ hơn việc hành nghề, rồi có những trung tâm khám bệnh định kỳ cho những người làm nghề ở một khía cạnh nào đó có khả quan.
Tuy vậy, thực tế là một số nước trên thế giới hợp pháp hóa mại dâm nhưng cũng còn những hệ lụy nghiêm trọng. Hơn nữa, về mặt đạo đức, hợp pháp mại dâm là vi phạm các giá trị đạo lý gia đình, văn hóa truyền thống của dân tộc, từ đó làm mất phương hướng việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.
Thế nên, theo tôi, giải pháp tốt nhất cho tình trạng này là phạt thật nặng các trường hợp mua bán dâm, bắt giữ rồi đưa đi cải tạo, dạy nghề. Bởi lẽ thường, khi bị bắt rồi thả về, gái mại dâm không có việc gì làm thì… lại quay lại đường cũ. Chỉ khi họ có nghề nghiệp kiếm sống thì có lẽ họ mới không nghĩ tới nghề đó nữa”.