Công nghệ hiện đại ghi chỉ số điện

Google News

(Kiến Thức) - Khi áp dụng thiết bị cầm tay HHU, nhân viên điện lực không phải vất vả như trước, mà chỉ đứng dưới chân cột điện... là có thể ghi chỉ số điện chính xác.

Không bắc thang ghi số điện... mà dùng thiết bị công nghệ
Ngày 29/7, PV đã có dịp mục kích nhân viên điện lực, thuộc Công ty điện lực Đống Đa (Hà Nội) đi ghi chỉ số công tơ điện của các hộ dân trên phố Giảng Võ (thuộc phường Cát Linh, Quận Đống Đa). Hầu hết các công tơ điện của các hộ dân được treo ngoài cột điện, điểm đấu nối điện chung và đều ở độ cao so với mặt đất từ 2,5 mét. Nếu trước đây, các nhân viên điện lực ghi chỉ số phải bắc thang để đọc chỉ số từ công tơ điện - phải mất đến 2 người, một người trèo lên cột điện đọc chỉ số công tơ, một người ở dưới ghi. Và việc đọc đó có thể sẽ xảy ra những sai sót. Nhưng nay hoàn toàn khác, các nhân viên ghi chỉ số điện chỉ cần đứng dưới chân cột điện cách các hộp công tơ điện khoảng 5 mét, đã có thể ghi chỉ số một cách chính xác và rõ ràng nhờ thiết bị HANDHELD UNIT (HHU).
Nhân viên điện lực chỉ đứng dưới chân cột điện... là có thể ghi chỉ số điện chính xác.
Anh Nguyễn Trọng Lâm, nhân viên ghi chỉ số công tơ điện của Công ty điện lực Đống Đa vừa ghi chỉ số điện bằng thiết bị HHU, vừa cho biết: “Từ khi áp dụng thiết bị cầm tay này, nhân viên điện lực không phải vất vả như trước, mà độ chính xác của việc ghi số điện là tuyệt đối”.
Trực tiếp theo dõi việc ghi chỉ số công tơ điện bằng thiết bị từ xa, bác Nguyễn Văn Phú, người dân phường Cát Linh nói: “Khi xem số điện qua máy HHU, tôi bắc thang kiểm tra lại chỉ số công tơ thì rất trùng khớp, không có sự sai sót nào”.
Thiết bị HHU cho thông số chuẩn xác thế nào?
Theo tìm hiểu, thiết bị HHU nằm trong hệ thống đọc chỉ số công tơ từ xa qua sóng vô tuyến (RF), được tích hợp vào bên trong công tơ. Nhân viên ghi điện sử dụng thiết bị cầm tay này để ghi chỉ số công tơ, mà không cần phải trèo trụ hay vào nhà khách hàng, cải thiện khâu giao tiếp khách hàng. Số liệu ghi điện được cập nhật tự động vào Cơ sở dữ liệu khách hàng, loại bỏ được sai sót trong quá trình nhập liệu bằng tay, giúp cải thiện quy trình kinh doanh điện năng. Việc ghi chỉ số điện từ xa đã giảm thiểu thời gian lập hóa đơn tiền điện cũng như đáp ứng nhanh với các yêu cầu của công tác báo cáo tổng hợp; đồng thời, nhằm cung cấp số liệu cho công tác quản lý như công tác quản lý tổn thất điện năng.
“Việc ghi chỉ số công tơ được thực hiện từ xa bằng thiết bị đọc chỉ số công tơ di động, toàn bộ số liệu được ghép tự động vào chương trình kinh doanh điện năng, do đó loại bỏ được các sai sót khách quan, cũng như chủ quan từ người ghi điện. Đồng thời, khách hàng không phải "chờ ghi điện" vì nhân viên ghi điện không phải vào nhà khách hàng như trước. Ngoài ra, khách hàng được thông báo ngay lượng điện năng tiêu thụ và số tiền điện sẽ phải thanh toán” anh Lâm nhấn mạnh.
 
Trao đổi với Kiến Thức, ông Mã Hoài Nam, Giám đốc Công ty Điện lực Đống Đa cho biết: Công ty Điện lực Đống Đa đang thực hiện ghi chỉ số công tơ các khách hàng sử dụng điện sau trạm biến áp công cộng theo lịch ghi chỉ số được Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội phê duyệt từ ngày 5 – 17 hàng tháng. Lịch ghi chỉ số công tơ được niêm yết công khai tại các Phòng giao dịch khách hàng của 8 Đội quản lý điện, đồng thời gửi đến 21 UBND Phường và các tổ trưởng tổ dân phố trên địa bàn quận Đống Đa.
“Ứng dụng Công nghệ thông tin vào công tác ghi chỉ số công tơ, hiện nay, Công ty đang triển khai thí điểm lắp đặt công tơ điện tử 1 pha cho hơn 5.200 khách hàng mua điện sinh hoạt và áp dụng ghi chỉ số bằng thiết bị tự động HHU. Đồng thời, Công ty cũng đã lắp đặt hệ thống đo xa cho hơn 200 khách hàng mua bán điện ngoài sinh hoạt có sản lượng lớn và sẽ thực hiện đọc chỉ số công tơ từ xa bằng công nghệ truyền dữ liệu (GPRS) 30 phút/lần. Việc ghi chỉ số công tơ bằng các hình thức trên đảm bảo nhanh chóng và chính xác tuyệt đối, nâng cao năng suất lao động và dịch vụ khách hàng”, ông Mã Hoài Nam nói.
PV

Bình luận(1)

Minh Hiền

Nguyễn Văn Hiếu

Đọc bài viết này tôi băn khoăn mãi. Đất nước mình đâu thiếu tiến sĩ, thạc sĩ và cũng không thiếu nhân tài về công nghệ. Tôi đề xuất như sau: chế tạo ra hộp đo chỉ số điện năng tiêu thụ bằng công nghệ tương tự như cái card điện thoại, với các mệnh giá từ 500.000đ đến 50.000đ. Mỗi lần mua thẻ cào cào mật mã và dùng rờ mốt bấm nhập mã số, đồng hồ hiển thị tương ứng giá tiền với số kw, sử dụng bằng phương thức tính lùi. Đến lúc hạn mức quy định sẽ báo chỉ số đỏ để cảnh báo người dùng nạp thêm card. Hết tiền mà không mua card để nạp thêm, đồng nghĩa với việc không có điện để sử dụng. Khỏi phải mất công người đi ghi chỉ số điện, khỏi cần người đi thu tiền điện hàng tháng, khỏi phải đi cắt điện của người chây ỳ không đóng tiền, khiếu nại lung tung... Ý kiến của tôi vậy, không biết có được ủng hộ không