Chính quyền biết đường dây làm chính sách giả ở Nam Định?

Google News

(Kiến Thức) - Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nam Định nói gì về đường dây làm chính sách giả đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây?

Ông Hoàng Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Lao động  - Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định nhấn mạnh trong cuộc làm việc với phóng viên ngày 20/3 rằng: “Ở Nam Định, tỷ lệ làm hồ sơ da cam giả là rất ít, chỉ 0,04%. Nếu có thì chỉ những người làm giả biết với nhau, còn chính quyền thì không thể nắm hết được”.
“Tốt nhất cả nước”
Trong cuộc làm việc với phóng viên ngày 20/3, ông Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định Hoàng Đức Trọng khẳng định: “Tỉnh Nam Định đã có thành tích báo cáo về việc thực hiện đền ơn đáp nghĩa sớm nhất toàn quốc, công tác này cũng là tốt nhất. Tỷ lệ hồ sơ da cam giả chiếm 0,04% là thấp nhất trong cả nước”. Với thành tích này ở thời điểm đó, cộng với nguồn nhân lực chỉ có 10 cán bộ tham gia đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khen ngợi khi về địa phương kiểm tra.
Theo ông Hoàng Đức Trọng, trên địa bàn tỉnh Nam Định hiện có 36.000 người hưởng chế độ dành cho liệt sĩ. Trên 25.000 người hưởng chế độ thương binh, bệnh binh. Trên 100.000 người hưởng chế độ lão thành cách mạng. 1.228 người hưởng chế độ Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. 15.000 người là thân nhân liệt sĩ đang hưởng tuất. Đối tượng hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam là 10.000 người. 160.000 người có huân, huy chương đã giải quyết trợ cấp một lần. Đến nay, chính sách đền ơn đáp nghĩa tương đối hoàn thiện. Với số lượng đối tượng chính sách rất lớn mà đội ngũ chỉ có 10 người làm là quá lớn. Bình quân ở huyện chỉ có 1,5 người làm, xã là 1 người làm bao gồm cả kế toán.
Trong số 10.000 người hưởng chế độ chất độc màu da cam có 3.000 người ăn theo, nghĩa là con, cháu đối tượng cũng được hưởng chế độ của Nhà nước. Trong số 10.000 người này lại có đến 8.000 người hưởng chế độ theo Quyết định số 26/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2000 - 2006. Hồ sơ của những đối tượng hưởng chế độ theo Quyết định này là không thể kiểm tra, xác minh được. Từ năm 2006, Chính phủ ban hành Nghị định số 54/2006/NĐ-CP, thông tư số 07/2006 và thông tư số 08/2009. Theo đó, chính quyền địa phương mới xét duyệt những người tham gia hoạt động kháng chiến từ vĩ tuyến 170 trở vào với thời gian từ tháng 8/1961 - 30/4/1975 mà bị mắc bệnh, hoặc vô sinh, hoặc sinh con trước khi đi kháng chiến mà lúc về không sinh được nữa... thì được giải quyết.
Ông Trọng cho biết: Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã xét duyệt được gần 3.000 đối tượng hưởng chế độ chất độc màu da cam theo Nghị định số 54. Như vậy, con số làm giả có chăng là nằm trong số 3.000 đối tượng này.
Huy chương Chiến sĩ giải phóng này làm y như thật. 
Báo cáo không thực tế
“Việc kiểm nghiệm giấy tờ thật hay giả tôi nghĩ cơ quan chức năng không khó làm. Bởi người ta chỉ làm từ giấy A3, A4 cộng với tàn nhang... Chẳng lẽ chính quyền địa phương, sở, bộ, công an không làm ra. Chúng ta có cả một hệ thống để làm việc này kia mà”, một cựu chiến binh tỉnh Nam Định bức xúc.

 

Ông Hoàng Đức Trọng, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định nhấn mạnh trong cuộc làm việc với phóng viên ngày 20/3 rằng: “Ở Nam Định, tỷ lệ làm hồ sơ da cam giả là rất ít, chỉ 0,04%. Nếu có thì chỉ những người làm giả biết với nhau, còn chính quyền thì không thể nắm hết được”.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì con số 0,04% mà tỉnh Nam Định báo cáo là “có vấn đề”. Bởi theo báo cáo của ông Trần Minh Huy, cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh & Xã hội xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Hưng thì chỉ riêng xã này đã có tới 9 trường hợp bị đình chỉ việc hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam. Xin nhắc lại là chỉ mình xã Nghĩa Hồng đã có tới 9 trường hợp, chưa tính các trường hợp khác bị tạm đình chỉ để điều tra và xin tự rút không hưởng chế độ chính sách nữa. 
Trong khi đó, danh sách mà ông Trần Minh Huy, cung cấp cho phóng viên chưa thể xác minh tính xác thực đến đâu. Cụ thể, ông Huy cung cấp danh sách 7 người bị tạm đình chỉ. Nhưng theo Quyết định tạm đình chỉ để điều tra có thêm ít nhất 2 người nữa là ông Nguyễn Quốc Trưởng, sinh năm 1946 và ông Trần Xuân Vinh, sinh năm 1944 đều trú tại xã Nghĩa Hồng. Vậy tại sao ông Huy lại cung cấp thông tin thiếu xác thực?! 
Ngoài ra, phải nhắc lại lời khẳng định của ông Nguyễn Văn Hà, người làm, buôn bán hồ sơ da cam giả trú tại xã Nghĩa Lạc thì chỉ tính mình người này mỗi đợt nộp lên trên đã có tới 60 bộ hồ sơ. Trong khi đó, ông Hà đã nhiều năm làm công việc này với số lượng hồ sơ giả không nhỏ. Đó là chưa tính đến những đầu mối khác như ông Phạm Đức Hiền ở xã Nghĩa Hồng. Con số này khiến dư luận đặt câu hỏi là đã có mấy trăm, thâm chí mấy ngàn trường hợp đã làm hồ sơ da cam giả để hưởng tiền Nhà nước thông qua tay những người như ông Hà, ông Hiền trong suốt nhiều năm qua?
Trong khi đó, theo phản ánh của người dân địa phương thì quyết định tạm đình chỉ gần 10 người hưởng chế độ chất độc màu da cam ở xã Nghĩa Hồng, rồi lại cho truy lĩnh trở lại vào khoảng tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2014 là có vấn đề. Bởi chính ông Nguyễn Quốc Trưởng mua hồ sơ giả của ông Phạm Đức Hiền ở xã Nghĩa Hồng với giá 30 triệu đồng (?!). Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng về kiểm tra, không hiểu lý do nào đó khiến ông Trưởng vẫn được truy lĩnh trở lại.
Theo người dân xã Nghĩa Hồng thì một số người hưởng khống chế độ chất độc màu da cam khi bị điều tra đã thẳng thừng tuyên bố: Nếu chết thì nhiều ông bán hồ sơ giả cũng chết theo (?!). Những đầu mối bán hồ sơ sau đó cũng tuyến bố là: Nếu chết thì nhiều thằng “trên” cũng chết theo! Tuy nhiên, dư luận đặt câu hỏi là tại sao những người bị tạm đình chỉ lại có thể truy lĩnh trở lại? Câu trả lời mà một số bạn đọc ở huyện Nghĩa Hưng cung cấp đó là nhiều người đã lót tay cho cán bộ nên mới thoát tội. 
“Quy trình chặt chẽ”
Ông Hoàng Đức Trọng cho biết, nếu dựa vào hình thức xét duyệt hồ sơ thì đó là quá trình rất chặt chẽ. Mỗi đối tượng đủ các điều kiện hưởng chế độ chất độc hóa học màu da cam sẽ phải nộp hồ sơ lên xã. Xã sẽ lập hội đồng đánh giá gồm các ban, ngành đoàn thể tham gia. Nếu được hội đồng xét duyệt chấp nhận thì tên người đó sẽ được niêm yết ở xã, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân được biết. 
Tiếp đến, các thôn sẽ tiến hành họp dân và đưa các trường hợp được xét duyệt ra để xin ý kiến. Nếu không có ý kiến gì nữa thì xã sẽ chốt danh sách và nộp lên huyện. Huyện sẽ lập hội đồng xét duyệt và giám định lại một lần nữa. Huyện duyệt xong sẽ chuyển danh sách, hồ sơ lên tỉnh. Sở Lao động - Thương binh & Xã hội sẽ chuyển hồ sơ sang Hội đồng Y khoa để giám định lại một lần nữa, khi có kết quả kiểm tra giám định rồi thì sở sẽ ban hành quyết định đồng ý cho đối tượng đó hưởng chế độ chính sách theo quy định.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hà lại khẳng định, không ít hồ sơ nếu muốn được xét duyệt đều phải có tiền. Nhiều người trong Bệnh viện Đa khoa, Hội đồng Y khoa và cả sở đều nằm trong đường dây làm hồ sơ da cam giả... Phải chăng, nếu lời ông Hà là sự thật thì quy trình xét duyệt hồ sơ da cam chỉ là trò bịp?
“Việc phát hiện hồ sơ giả là rất khó. Đã có trường hợp chúng tôi kiểm tra phát hiện phôi giấy tờ là thật, nhưng chữ viết lại “không xác định được” và ngược lại”.
Ông Hoàng Đức Trọng (Phó Giám đốc Sở Lao động -Thương binh & Xã hội tỉnh Nam Định)
Quách Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)