Như Kiến Thức đã đưa tin, từ năm 2012 đến nay, Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, nhiều địa phương thực hiện tốt công việc này. Tuy nhiên ở cánh đồng Dành (thôn Châu Phong, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội) hiện vẫn chưa thể thực hiện được việc này do người dân cho rằng nhiều vi phạm về đất đai tại đồng Dành chưa được giải quyết. Theo phản ánh của người dân thôn Châu Phong, năm 2002, ông Nguyễn Hữu Nam, một hộ dân trong thôn đã mượn và thuê đất của 51 hộ dân với diện tích 17.500 m2 để làm trang trại.
Tuy nhiên, sau khi mượn/thuê được đất, ông Nguyễn Hữu Nam đã tự ý đào ao thả cá và làm trang trại nuôi gia súc, gia cầm, đến nay vẫn chưa chịu trả đất cho người dân. Các hộ dân yêu cầu giải quyết dứt điểm việc họ bị ông Nguyễn Hữu Nam, chủ trang trại Việt Cường chiếm dụng đất bất hợp pháp tại cánh đồng Dành.
Đồng thời, người dân cũng tố cáo chính quyền thôn Châu Phong (xã Liên Hà) và Chính quyền xã Liên Hà (huyện Đông Anh, Tp Hà Nội) trong việc buông lỏng quản lý đất đai, không giải quyết dứt điểm nội dung mà người dân thôn Châu Phong phản ánh trong suốt thời gian dài.
|
Cánh đồng Dành, thôn Châu Phong (xã Liên Hà, Đông Anh, Hà Nội). |
Để làm rõ những nội dung khiếu nại của các hộ dân Châu Phong (xã Liên Hà) về vấn đề trên, PV
Kiến Thức đã có cuộc trao đổi với
Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng Luật sư Trí Minh (Đoàn Luật sư Hà Nội).
PV: Nếu đúng như người dân phản ánh việc ông Nguyễn Hữu Nam tự ý đào ao thả cá và chăn nuôi gia súc trên tổng diện tích 17.500m2 đất trồng lúa nước thì pháp luật có chế tài gì?
Luật sư Hoàng Văn Thạch: Nếu người dân có đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, đất đang trong thời hạn sử dụng và không có tranh chấp thì được thỏa thuận cho mượn, cho thuê; pháp luật không cấm. Tuy nhiên việc cho mượn, cho thuê phải được công chứng hoặc chứng thực và bên mượn, thuê phải sử dụng đất đúng mục đích.
Đối với đất chuyên trồng lúa nước nay muốn chuyển sang đào ao thả cá và chăn nuôi gia súc thì phải thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu chưa làm thủ tục chuyển đổi mà tự ý sử dụng vào mục đích khác thì đây là hành vi sử dụng đất không đúng mục đích theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 105/2009/NĐ-CP. Và đây là hành vi bị cấm cả theo Luật đất đai 2003 trước đây là Luật đất đai 2013 hiện nay.
Nếu ông Nguyễn Hữu Nam chưa làm thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà tự ý đào ao thả cá và chăn nuôi gia súc trên đất chuyên trồng lúa nước thì ông Nguyễn Hữu Nam phải bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 8 Nghị định 105/2009/NĐ-CP; mức phạt thì căn cứ vào giá trị quyền sử dụng đất bị vi phạm. Theo bảng giá đất hiện hành thì đất nông nghiệp chuyên trồng lúa nước tại Đông Anh có giá là 135.000đ/m2. Như vậy nếu ông Nguyễn Hữu Nam vi phạm mục đích sử dụng đất như người dân trình bày đối với diện tích 17.500m2 thì giá trị quyền sử đụng đất bị vi phạm là hơn 2,3 tỷ đồng thì mức phạt là từ 10 – 30 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Hữu Nam còn còn buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu tức trả lại đất cho người dân để họ sử dụng vào mục đích trồng lúa nước.
PV: Ngoài việc phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì muốn làm kinh tế trang trại cần phải có giấy tờ pháp lý gì nữa không?
Luật sư Hoàng Văn Thạch: Ngoài việc phải chuyển đổi mục đích sử dụng thì theo quy định tại Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT chủ trang trại phải xin cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Một trong những hồ sơ để cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại là bản sao giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất (tức giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hợp đồng thuê đất, hoặc nếu đất chưa được cấp sổ thì phải được UBND xác nhận đất đang sử dụng ổn định, không có tranh chấp). Còn nếu chỉ có hợp đồng viết tay về việc cho mượn hoặc thuê đất như người dân trình bày thì không đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Do vậy cũng cần làm rõ ông Nguyễn Hữu Nam đã được cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại chưa? Nếu chưa thì đây là hành vi kinh doanh trái phép.
PV: Giả thiết rằng ông Nguyễn Hữu Nam tự ý sử dụng đất sai mục đích như người dân phản ánh thì trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu?
Luật sư Hoàng Văn Thạch: Nếu sự việc đúng như người dân phản ánh thì chính quyền địa phương mà cụ thể là cán bộ địa chính, Chủ tịch UBND xã phải có trách nhiệm phát hiện, lập biên bản vi phạm và báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định. Điều được quy định rất rõ tại Điều 182 Nghị định 181./2004/NĐ-CP (trước ngày 01.07.2014) và Điều 208 Luật đất đai 2013 hiện nay. Việc sử dụng đất sai mục đích là hành vi vi phạm hành chính, không phải là tranh chấp dân sự đơn thuần nên UBND xã Liên Hà trả lời người dân là không can thiệt là không đúng với quy định về thẩm quyền và chức năng của mình.
Với diện tích đất 17.500m2 lớn như vậy chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng ngang nhiên tồn tại trong nhiều năm mà không bị xử lý thì người dân có quyền nghi ngờ về việc có sự bao che hay không bao che của chính quyền địa phương. Thậm chí ngay cả khi không có dấu hiệu bao che thì để ra sai phạm như vậy cũng là hành vi thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai theo quy định tại Điều 207 Luật đất đai 2013.
PV: Vậy trường hợp này thì chính quyền xã Liên Hà nên làm gì?
Luật sư Hoàng Văn Thạch: Nếu có vi phạm của ông Nguyễn Hữu Nam thì Chủ tịch UBND xã nên tổ chức kiểm tra trên thực địa việc sử dụng đất của ông Nguyễn Hữu Nam và báo cáo UBND huyện Đông Anh để kịp thời xử lý trả lại đất cho người dân. Ngay cả chính quyền cấp huyện nếu nhận được phản ánh của người dân cũng cần khẩn trương vào cuộc, bởi trách nhiệm phát hiện vi phạm về đất đai là trách nhiệm của UBND các cấp, không riêng gì bất kỳ cấp nào. Điều này được quy đinh rõ tại Điều 208 Luật đất đai 2013.
Xin cảm ơn Luật sư!
Kiến Thức tiếp tục cập nhật những thông tin liên quan đến vụ việc trên.