Cán bộ thiếu năng lực, uy tín xin thôi chức: Tự giác chưa cao!

Google News

“Quảng Nam khuyến khích cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý chủ động xin thôi giữ chức vụ khi thiếu năng lực, uy tin là điều rất nhân văn".

Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống về việc Quảng Nam vừa ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ công chức, viên chức và người lao động, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) cho biết, ông rất trân trọng Quảng Nam khi ban hành bộ quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh đối với người dân.
Nói về việc trong bộ quy tắc này, Quảng Nam đã khuyến khích cán bộ, viên chức giữ chức vụ quản lý chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp, đại biểu Hòa cho rằng, thực tế hiếm hoi lắm mới có cán bộ công chức, viên chức xin từ chức.
“Tôi rất hoan nghênh, khuyến khích, trân trọng đối với những cán bộ công chức, viên chức trong nhiệm kỳ của mình, trong thực thi nhiệm vụ mà cảm thấy năng lực không đủ để đảm đương chức vụ xin từ chức. Việc Quảng Nam khuyến khích cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp là điều rất nhân văn và cần thiết”, đại biểu Hòa cho biết.
Can bo thieu nang luc, uy tin xin thoi chuc: Tu giac chua cao!
 Đại biểu Phạm Văn Hòa.
Theo đại biểu Hòa, hiện nay, ở Việt Nam, những cán bộ chủ động xin từ chức là rất khó, rất hiếm.
“Các tổ chức Đảng trong hệ thống chính trị phải kiểm tra, giám sát và có ý kiến đối với những cán bộ mà năng lực yếu kém, có nhiều thiếu sót trong thực thi nhiệm vụ mà không chịu từ chức thì cũng phải buộc cho nghỉ, thay thế người khác làm tốt hơn. Như vậy mới tạo nên sự đột phá trong công việc, mang lại lợi ích cho địa phương, quốc gia, dân tộc”, đại biểu Hòa nói.
Dẫn chứng trên thế giới, ở một số quốc gia, các chức vụ Tổng thống, Bộ trưởng khi người ta cảm thấy không xứng đáng đối với người dân người ta đã xin từ chức, đại biểu Hòa cho rằng, ở Việt Nam rất ít cán bộ tự giác như vậy.
“Nhiều cán bộ lấy lý do là do Đảng phân công, khi nào Đảng yêu cầu thì mới nghỉ chứ chưa có sự tự giác. Nếu cán bộ có sự tự giác, có lòng tự trọng của mình thì không phải chờ tới tổ chức Đảng tham gia có ý kiến mà cần cảm thấy không làm được thì cần xin nghỉ. Như vậy mới là những cán bộ có trách nhiệm”, đại biểu Hòa nói.
Về ứng xử tại cơ quan, đơn vị, đối với cán bộ công chức, viên chức giữ chức vụ quản lý phải đề cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu; Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không lợi dụng vị trí công tác để trục lợi cá nhân; chủ động xin thôi giữ chức vụ khi nhận thấy bản thân còn hạn chế về năng lực và uy tín thấp.
Một trong những nội dung trong bộ quy tắc ứng xử, Quảng Nam yêu cầu cán bộ thực hiện“4 xin, 4 luôn” là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng, vấn đề ứng xử của cán bộ công chức, viên chức đối với người dân đã có nhiều năm nay. Nhà nước đã cải cách thủ tục hành chính mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân, tránh rườm rà, tránh tình trạng gây nhũng nhiễu, thời gian kéo dài cho người dân, tránh tình trạng lơ là, chậm trễ công việc.
“Việc công chức, viên chức phải 4 xin, 4 luôn như Quảng Nam đặt ra là hết sức cần thiết trong thực thi công vụ và trong cải cách thủ tục hành chính. Mỗi cán bộ công chức, viên chức cần có ý thức, trách nhiệm, thể hiện tính nhân văn, đạo đức, văn hóa và lòng tự trọng của con người”, đại biểu Hòa cho biết.
>>> Mời độc giả xem thêm video Kỷ luật Phó Chủ tịch huyện Tịnh Biên ăn nhậu lúc giãn cách:

Nguồn: THĐT

Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)