Chiều tối 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên và đại diện Lãnh đạo một số bộ, ngành Trung ương đã chủ trì họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2014, trả lời câu hỏi của phóng viên các cơ quan báo chí về những vấn đề kinh tế xã hội được dư luận quan tâm thời gian gần đây.
Tóm tắt nội dung phiên họp thường kỳ của Chính phủ diễn ra trong hai ngày 27 và 28/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho biết, tình hình kinh tế nước ta đang trên đà phát triển, mức GDP hiện tại đang ở ngưỡng 5,54%. Với đà phát triển như thế này, dự ước cho tháng 9, hướng các tháng còn lại của năm 2014 mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm đạt 5,8% là khả thi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cũng cho biết, dù còn gặp nhiều khó khăn nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, tình hình kinh tế tiếp tục có bước chuyển biến tích cực.
Cụ thể, lĩnh vực chế biến-chế tạo đang tiếp tục duy trì đà phục hồi, trong đó, chỉ số công nghiệp 8 tháng đầu năm tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng vậy, nhất là thủy sản gặt hái được những thành công đáng mừng. Dịch vụ phục hồi khá nhanh, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dung ước tăng 11,4% so với cùng kỳ năm ngoái; khách du lịch đến Việt Nam ước đạt 5,5 triệu người.
|
Lao động Trung Quốc đang khám sức khỏe tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. |
Về kiểm soát các mặt kinh tế vĩ mô, lạm phát ở mức thấp. Dự trữ ngoại tệ cao. Xuất khẩu đến giờ này duy trì tốc độ tăng trưởng tuy không cao nhưng vẫn xuất siêu 1,7 tỷ USD, bằng 1,75% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Đáng chú ý, từ trước đến giờ, xuất khẩu ở khu vực FDI góp phần lớn, nhưng từ cuối năm 2013, khu vực trong nước đã có đóng góp cho xuất khẩu với mức tăng trưởng 11%.
Giải ngân ODA so với cùng kỳ tăng 41%, tức trên 3 tỷ USD, có lẽ là tỷ lệ cao nhất từ trước đến giờ. Hiện đang lo vốn đối ứng cho giải ngân ODA, riêng giao thông cần trên dưới 8 nghìn tỷ nhưng đáp ứng khoảng hơn 20%.
Nhập khẩu có tăng nhưng chủ yếu là máy móc và nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất, hạn chế nhập khẩu cho tiêu dùng. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy có sự quản lý chặt chẽ về nhập khẩu.
Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến thông tin mới được đăng tải trên một số cơ quan báo chí về việc gần 10 ngàn lao động người nước ngoài, chủ yếu có quốc tịch Trung Quốc chuẩn bị nhập cảnh vào Việt Nam để làm việc tại Dự án Formosa, Khu kinh tế Vũng Áng, Hà Tĩnh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, thông tin này là không xác thực.
Theo ông Đàm, số lượng gần 10 ngàn lao động người nước ngoài là kế hoạch dự kiến xin tuyển lao động của 29 nhà thầu trong Khu Kinh tế Vũng Áng theo tiến độ xây lắp công trình. Tuy nhiên, Chủ tịch UBND Hà Tĩnh đã tiến hành xem xét và quyết định cho phép tuyển lao động theo tiến độ của các nhà thầu nước ngoài theo nhu cầu và đến thời điểm 27.8, mới chính thức chấp nhận 2063 chỉ tiêu theo đúng quy trình của Chính phủ.
Các nhà thầu tại Vũng Áng cũng đang đề xuất thêm khoảng 2700 chỉ tiêu mới trong thời gian tới nhưng chưa được chấp thuận.
Ông Đàm cho biết, đến ngày 21/8, Khu Kinh tế Vũng Áng có gần 34.000 lao động đang làm việc, trong đó lao động Việt Nam là hơn 30.400 người, hơn 1.900 người Trung Quốc trong tổng số 3.500 người nước ngoài; số lao động còn lại là đến từ 28 quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau. Riêng Dự án Fomosa có gần 27.000 lao động với 23.700 lao động trong nước và hơn 3.000 lao động nước ngoài.
Theo Báo cáo của Ban Quản lý Khu Kinh tế Vũng Áng, dự kiến vào thời điểm Quý 4/2014 và Quý I/2015, theo tiến độ, các nhà thầu tại Vũng Áng cần khoảng 45.000-50.000 lao động, trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài.
Chủ tịch UBND các tỉnh là người chịu trách nhiệm duyệt kế hoạch, cấp phép cho từng nhà thầu, dự án. Các tỉnh đang thực hiện nghiêm túc, kiểm soát lao động nước ngoài một cách chặt chẽ, Thứ trưởng Đàm khẳng định.
Liên quan đến những thông tin xung quanh việc thi tuyển công chức ở một số đơn vị thuộc Bộ Công thương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, trước thông tin của báo chí, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo các bộ, ngành liên quan làm rõ, chậm nhất trong tháng 9 phải có kết luận.
Bộ Công thương cũng đã chủ động báo cáo, phối hợp với cơ quan chức năng làm rõ những vấn đề liên quan. Chiều 28/8, Bộ Nội vụ đã công bố quyết định thanh tra về vụ việc này.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh, quan điểm của Chính phủ về tuyển dụng, thi cử phải công khai, minh bạch, đảm bảo không có tiêu cực. Sai phạm xảy ra ở cấp nào quản lý thì cấp đó phải làm rõ, xử lý nghiêm minh.
Thông tin thêm với báo chí về những vụ việc này, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho biết, đối với sai phạm trong quá trình tổ chức thi tuyển công chức của Cục Quản lý thị trường, Bộ đã kiên quyết ra quyết định xử lý kỷ luật các trường hợp vi phạm; đồng thời hủy bỏ kết quả thi.
Đối với thông tin về thi tuyển công chức tại Cục Quản lý cạnh tranh, đến thời điểm này, mặc dù chưa nhận được đơn thư phản ánh, nhưng Lãnh đạo Bộ Công thương đã chủ động cử đoàn kiểm tra và kết quả kiểm tra cho thấy, việc thi tuyển tại đơn vị này được tổ chức công khai và minh bạch, chưa phát hiện sai phạm.
“Cũng trong dịp này, Bộ Công thương cũng sẽ tiếp tục kiểm tra việc triển khai công tác tuyển dụng tại các đơn vị khác trực thuộc, để đảm bảo công tác này được thực thi đúng quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Trước clip được đăng tải trên một số tờ báo và trang mạng có nội dung "nữ phó phòng quản lý xuất nhập khẩu nhận tiền lót tay ngay tại văn phòng", Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ đã quyết định đình chỉ công tác của người này để làm rõ, xử lý đúng quy định đảm bảo khách quan, đúng quy định. Bộ Công thương đã cử đoàn công tác xuống địa phương, nghe báo cáo.
"Đoàn công tác đã tìm ra 2 doanh nghiệp có người đại diện trong clip và được phía doanh nghiệp khẳng định, tiền đưa cho nữ cán bộ trong clip là tiền phí trả cho chứng nhận xuất xứ sản phẩm (CO), ngoài ra không có khoản tiền nào khác", Thứ trưởng Hải khẳng định.