Bất bình với loạt vụ dạy trẻ bằng cách bôi nhọ, làm nhục

Google News

(Kiến Thức) - Có nghìn lẻ kiểu làm nhục trẻ như bắt trẻ đeo biển "Tôi là thằng ăn cắp", lột trần con trẻ và trói giữa đường, bắt trẻ bò lết giữa đường cả cây số... 

Nghìn lẻ kiểu lăng mạ, làm nhục trẻ
Những ngày qua, ảnh một học sinh nữ bị bắt trói trong siêu thị và đeo bảng “Tôi là người ăn trộm” trước ngực lan truyền trên mạng internet khiến nhiều người không khỏi bất bình.
Hình ảnh này sau đó đã được xác minh là chụp tại siêu thị Vĩ Yên (thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai). Theo đó, nữ sinh bị làm nhục là em S. đang học tại một trường THCS ở huyện Chư Sê. Hôm xảy ra sự việc là khoảng gần 13h chiều ngày 10/4, em S. và một bạn học đi vào siêu thị Vĩ Yên để mua giấy kiểm tra. Em S. có ít tiền để trong cặp nhưng cặp được gửi tại quầy nhân viên. Khi S. và bạn đến khu vực mua giấy kiểm tra thì được biết giấy kiểm tra đã hết. S. thấy 2 quyển truyện mình yêu thích là “Trạng Quỳnh - Sư Bảo Mẫu” và “Trạng Quỳnh - Ngọc Người” (mỗi cuốn giá 10.000 đồng) nên đã cầm lên với ý định sau khi ra quầy lấy cặp sẽ trả tiền.
 Nữ sinh bị siêu thị trói và bắt treo biển "Tôi là người ăn trộm".
Khi S. chuẩn bị đi xuống phía cầu thang siêu thị thì bị bảo vệ của siêu thị chạy lại chặn và hô trộm. Sau đó, nhiều người xúm lại, bảo vệ dùng băng keo trói 2 tay cô bé ở lan can cầu thang rồi đi in một tấm biển có dòng chữ“Tôi là người ăn trộm”.
Sau khi treo tấm biển trên vào cổ cô bé, nhân viên siêu thị đã tra hỏi địa chỉ, tên cha mẹ, trường lớp, số điện thoại cha mẹ cô bé… Do không nhớ số điện thoại của cha mẹ mình nên nữ sinh đã nhờ bạn đi cùng liên lạc với nhà người bác ở thị trấn Chư Sê để nhờ giúp đỡ. Khi bác cô bé lên, siêu thị đã yêu cầu người thân nộp phạt 200.000 đồng rồi mới "tha". Bác S. đã nộp phạt và đưa cháu mình về nhà.
Cô giáo Trang cho biết, sau khi xảy ra sự việc, chiều cùng ngày, S. do quá sợ hãi đã không dám đến trường học tiết thể dục, chỉ ở nhà khóc cả ngày. Phụ huynh lo lắng cho con mình nên đã liên lạc với nhà trường và xin sáng 11/4 được lên trường trình bày sự việc, mong những học sinh khác không phân biệt, kì thị S. Sau khi được cô giáo Trang và Ban giám hiệu nhà trường phân tích, các học sinh trong trường và trong lớp không có thái độ kì thị với S.
Tuy nhiên, từ khi xảy ra sự việc, tâm lý của S. vẫn chưa được ổn định, cô bé hay khóc và tỏ ra sợ hãi không dám tiếp xúc với ai, không dám đi ra khỏi lớp giờ ra chơi.
Ngay những ngày đầu năm 2013, thông tin cậu học trò lớp 7 ở Hải Phòng bị cha lột trần truồng trói vào gốc cây cột điện trước cửa nhà dưới cái rét 15 độ C khiến không ít người bàng hoàng. Nguyên nhân là cậu bé trốn học đi chơi game, trong lúc tức giận ông bố đã áp dụng hình phạt kinh hoàng trên với mục đích khi mọi người nhìn thấy như vậy cháu sẽ xấu hổ để tiến bộ hơn.
 Cháu bé ở Hải Phòng vì bỏ học chơi game, bị bố đẻ lột trần và trói vào cột điện giữa trời lạnh.
Không khỏi xót xa khi một đứa trẻ bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, đang ở giai đoạn hình thành nhận thức về thân thể, giá trị của mình lại bị chính người sinh thành “hạ nhục” như vậy; nhất là việc bôi nhọ lại được rêu rao trước bàn dân thiên hạ.
Cậu bé tâm sự trong nước mắt, biết mình đã sai nhưng giá như bố bắt nằm trên gường đánh một trận cũng được và đã van xin bố đừng cởi truồng, trói ở trước nhà nhưng lời cầu khẩn không được chấp nhận.
 Cháu bé 13 tuổi bị chú ruột bắt đeo biển "Tôi là thằng ăn cắp" đứng giữa đường.
Trước đó không lâu, ở Đăk Nông, một ông bố cũng vì quá bực tức việc hai con trai mê chơi game, kết quả học hành sa sút đã bắt hai con bò lết giữa đường cả cây số, có đoạn băng qua chợ nơi rất đông người.
Ngày 17/6/2011, trên đường Âu Cơ (phường 10, quận Tân Bình, TP HCM) xuất hiện cảnh một cháu bé 13 tuổi đeo tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp”.
Cậu bé tên N. (quê ở Hải Dương). Chú ruột cậu bé đã phạt N. đeo tấm bảng có nội dung trên. Người này bắt cháu đứng trước nhà cho mọi người qua lại nhìn thấy. N. với tấm bảng ghi dòng chữ “Tôi là thằng ăn cắp”. Theo chia sẻ của người chú, bố mất sớm, mẹ nuôi ba con nhỏ nhưng N. rất mải chơi và suốt ngày rình rập ăn cắp khắp mọi nơi để lấy tiền. Tối 16/6/2011, N. định ăn cắp một chiếc xe đạp thì bị phát hiện. Công an phường Bình Hưng Hòa điện thoại về cho gia đình lên bảo lãnh. “Tôi thà đau xót bắt cháu làm vậy để nó biết xấu hổ mà thay đổi...”, người chú tên Kha nói. Sau khi biết tin, lực lượng bảo vệ tổ dân phố, công an, Hội phụ nữ phường 10 đã đến khuyên gia đình đưa N. vào nhà, không nên phạt khiến trẻ thêm mặc cảm.
Cách giáo dục phản cảm, hậu quả khó lường
Theo chuyên gia tâm lý Bùi Nhài, Trung tâm Tư vấn Thành Đạt (Hà Nội), hành vi này của cha mẹ, người lớn thường xuất hiện trong lúc tức giận, do vấn đề nhận thức, nhiều người lớn vẫn nghĩ rằng với cách giáo dục “bôi nhọ” này, đứa trẻ sẽ xấu hổ, sợ hãi nên sẽ không lặp lại sai phạm của mình. Nhưng đây lại là cách dạy trẻ phản cảm và gây ra nhiều hậu quả khó lường. 
Phương pháp giáo dục trẻ em bằng bôi nhọ, làm nhục như vậy không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý hoang mang, lo sợ, mà nó còn ảnh hưởng, xáo trộn trong lối sống, ám ảnh về sau này của các em.
Các em sẽ có tâm lý sợ người khác kì thị, sợ các bạn không chơi với mình, và sinh ra hoảng loạn là điều tất yếu.
Ngoài ra, hội chứng “ám ảnh sợ xã hội” rất có thể sẽ tồn tại trong tâm lý các em. Hội chứng này người bệnh bộc lộ sự sợ hãi mãnh liệt và dai dẳng khi người khác nhìn mình hoặc bị phê bình, luôn sợ rằng hành vi của mình sẽ khiến bản thân rơi vào tình huống khó xử hoặc bị bẽ mặt. Sự sợ hãi của họ có thể mạnh đến nỗi nó can thiệp nghiêm trọng vào công việc, học tập hay những hoạt động khác. Một số tình huống xã hội mà người bệnh thường tránh né nhất là: nói chuyện trước đám đông, làm việc khi ai đó đang nhìn mình, nói chuyện qua điện thoại, gặp người lạ..., nhất là nữ sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 lần so với nam.
Cách dạy trẻ bằng việc bôi nhọ, làm nhục sẽ gây ra những hiểm họa khó lường. Đối với trẻ em, trẻ sẽ bị ám ảnh tâm lý gây ra rối loạn nhận thức, không giám chơi hay tiếp cận với bạn bè vì sợ bị kỳ thị và xấu hổ.

Đối với gia đình, gia đình ngại ngùng và xấu hổ với những người xung quanh. Ảnh hưởng rất lớn đến uy tín trong gia đình.

Còn đối với xã hội, hậu quả của việc bôi nhọ này sinh ra rất nhiều ý kiến trái chiều, nhưng dù là ý kiến nào thì cũng làm cho xã hội bị xáo trộn về mặt nhân cách và nhận thức của một số người. Làm ảnh hưởng rất lớn đến một bộ phận không ít giới trẻ. Làm tăng độ kì thị của mọi người với những đứa trẻ này.

Người ta nói môi trường quyết định tâm lý, tính cách của mỗi con người. Vì vậy, khi trẻ phạm lỗi, cách giáo dục để trẻ nhận ra sai lầm và không lặp lại nữa là chính từ trong môi trường gia đình là điều tiên quyết.

Để biết được cách giáo dục tốt hay không thì điều quan trọng nhất là cha mẹ hãy giúp con tìm ra nguyên nhân (do thiếu thốn, do thói quen, do tính cách, do bị dụ dỗ... ), giúp các con nhận thức được đâu là điều nên làm, đâu là điều không nên làm và hậu quả của nó, để ý đến con nhiều hơn: từ tính cách, lối hành xử của con, và nên thay đổi cách giáo dục thay vì dùng roi vọt mà nên dùng lý lẽ và đan xen vào đó là cha mẹ nên thường xuyên tìm hiểu thói quen (vì thói quen hình thành nên tính cách). Các em sẽ ăn trộm theo thói quen mà có thể chưa nhận thức được hậu quả. 

Khi trẻ phạm lỗi, cách giáo dục tốt nhất tùy từng trường hợp và tính cách của con. Tuy nhiên, cha mẹ hãy thường xuyên trò chuyện và an ủi cũng như đừng kỳ thị, đừng xa lánh mà hãy trò chuyện một cách thẳng thắn để con “đối diện” với sự thật, không nên dùng đòn roi và lăng mạ.
Hãy tạo bầu không khí trong gia đình trở nên ấm áp, hoặc nếu con bị tâm lý quá hoảng loạn, hãy tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia tâm lý, nhờ sự giúp đỡ của thầy cô, nhà trường...

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk, các nhân viên của siêu thị trói và bắt nữ sinh đeo biển “Tôi là người ăn cắp” đã có dấu hiệu phạm vào 2 tội “bắt giữ người trái pháp luật” và “làm nhục người khác”.
Luật sư Tạ Quang Tòng nói: "Số tiền của 2 cuốn truyện là quá nhỏ, thứ 2 là cháu bé chưa đủ tuổi thành niên nên chưa phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi gì cả. Ngược lại, nhân viên siêu thị đã có hành động cột tay vào lan can là phạm vào pháp luật hình sự quy định về tội bắt giữ người trái pháp luật và việc treo treo tấm bảng “Tôi là người ăn trộm” giữa nơi “thanh thiên bạch nhật”, trong khi chưa có một cơ quan nào xác định đứa bé phạm tội trộm cắp nên hành vi đó có thể bao gồm cả tội làm nhục người khác".
Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, cơ quan công an phải vào cuộc bởi vì vụ việc rõ ràng là có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Cơ quan công an sẽ kiểm tra mức độ của hành vi đó có phải đã xâm phạm vào tội “làm nhục người khác” và “bắt giữ người trái pháp luật” hay chưa. Trong trường hợp nếu đủ điều kiện thì cơ quan công an sẽ khởi tố vụ án về hành vi đó.
Về trách nhiệm của ban lãnh đạo siêu thị, nếu như cơ quan công an xác định có dấu hiệu của hành vi phạm tội thì sẽ mở rộng điều tra. Và khi họ điều tra ra thì chủ siêu thị sẽ phải chịu trách nhiệm liên đới.
Còn trước mắt, bản thân người chủ siêu thị này, biện pháp tốt nhất là nên đến gia đình cháu bé để xin lỗi. Xin lỗi trên phương tiện truyền thông đại chúng nghiêm túc về chuyện này.
Vụ việc này đã đánh thẳng vào tâm lý trẻ con và hậu quả của nó không thể lường hết được. Cách làm của các nhân viên siêu thị đã để lại một dấu ấn khủng khiếp trong cuộc đời trẻ thơ của đứa bé.


Minh Hiếu

Bình luận(0)