2 xe đeo chung biển khủng của CA Thanh Hóa: ngụy biện lố?!

Google News

(Kiến Thức) -“Lấy biển xe hoá trang phục vụ công tác là lý giải vụng về, vi phạm phát ngôn trước công luận bằng những thông tin không đúng sự thật, bao che việc làm sai…”, luật sư Nguyễn Hoàng Tiến nhận định.


 Hai xe chung một biển kiểm soát của Công an tỉnh Thanh Hóa.
Nhằm làm rõ tính pháp lý về việc dùng biển số giả để hóa trang, che mắt tội phạm như Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết trong vụ việc hai ô tô Lexus 350 và Toyota Corolla đều đep biển 36B - 6789, chuyên mục CAFE ĐẦU TUẦN của Kiến Thức có cuộc đối thoại với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Chủ tịch Hội đồng khen thưởng kỷ luật- Đoàn luật sư Hà Nội và Luật sư Hoàng Văn Thạch, Văn phòng luật sư Trí Minh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Đơn vị thực thi luật... phạm luật
- Dư luận bức xúc với việc ở một đơn vị như Công an tỉnh Thanh Hóa lại song hành tồn tại hai xe công xài chung biển kiểm soát 36B – 6789, ông đánh giá như thế nào về vụ việc trên?
LS Nguyễn Hoàng Tiến: Đúng đây là chuyện rất lạ đời. Công an tỉnh Thanh Hoá sử dụng biển số của xe Toyota Corolla lắp cho xe ô tô Lexus 350 để lưu thông trên đường là vi phạm luật an toàn giao thông đường bộ. Hơn nữa, Công an tỉnh Thanh Hóa là đơn vị làm và thực thi luật mà lại vi phạm pháp luật là điều khó chấp nhận, đáng chê trách.
- Đơn vị làm, thực thi luật mà lại phạm luật sẽ bị xử lý ra sao, thưa ông?
LS Hoàng Văn Thạch: Theo quy định, việc sử dụng biển số không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp (biển giả) là hành vi vi phạm quy định của pháp luật và sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Trong nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ 171/2013/NĐ-CP cũng có loại trừ một số trường hợp mà công an khi làm nhiệm vụ thì được ưu tiên hơn (ví dụ: khi áp giải tội phạm thì được chở ba, không bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm …); hoặc như trong thông tư 65/2012/TT-BCA cũng quy định trường hợp công an được hóa trang (mặc thường phục) khi làm nhiệm vụ. Tuy nhiên, đây là các hoạt động mang tính chất hành chính, nên có những quy định rõ ràng, cụ thể.
 Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến.
Đeo biển giả hóa trang: có thật hay không?
- Lý giải dùng biển số giả cho xe Lexus 350, đại tá Trần Văn Thực, Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng, "có thể trong lúc đi làm nhiệm vụ, anh em lấy biển đó để hóa trang vì tội phạm hay để ý, theo dõi biển xe của lực lượng chức năng", ông nghĩ sao về phát ngôn này?
LS Nguyễn Hoàng Tiến: Lấy biển xe của công an để hoá trang phục vụ công tác là một cách lý giải vụng về và tiếp tục vi phạm trong việc phát ngôn trước công luận bằng những thông tin không đúng sự thật để bao che việc làm sai của mình là không nên, kỳ lắm.
LS Hoàng Văn Thạch: Đúng vậy, cách giải thích của họ nghe khá hài ước! Nói chung nghiệp vụ của họ là “vùng cấm” nên họ nói vậy thì biết vậy. Tuy nhiên, ta vẫn buồn cười bởi cách giải thích của họ nghe không hợp lý lắm.
- Nếu Công an Thanh Hóa hóa trang biển số xe để làm nhiệm vụ thực sự thì sao?
LS Hoàng Văn Thạch: Đối với hoạt động như điều tra hình sự, Luật Công an nhân dân, Bộ luật tố tụng hình sự, Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự và các văn bản liên quan không quy định rõ về vấn đề này. Mà cũng không thể quy định rõ được! Hiểu một cách chung chung, đó là biện pháp nghiệp vụ. Nếu công an Thanh Hóa hóa trang biển số xe để làm nhiệm vụ thì tôi cho rằng, đó là việc cần thiết và vi phạm nếu có, cũng được miễn trách nhiệm. Nếu coi đó là vi phạm và xử phạt thì vô tình cản trở hoạt động điều tra.
Thế nên, quan trọng là việc hóa trang như đại diện Công an Thanh Hóa nêu ra - để làm nhiệm vụ - có thật hay không?
Sự sáng tạo cần thiết?
- Từ trước tới nay, Công an tỉnh Thanh Hóa được biết đến với nhiều kiểu sáng tạo như dùng súng bùi nhùi để chặn xe sai tốc độ, xe đua, giờ lại xảy ra việc dùng xe biển giả hóa trang - có phải là một sự sáng tạo cần thiết?
LS Hoàng Văn Thạch: Bất cứ cái gì mới mà mang tính sáng tạo khi áp dụng mang lại hiệu quả thì đều đáng hoan nghênh. Vấn đề là cách làm của Công an Thanh Hóa đã mang lại hiệu quả hay chưa? Chắc chỉ họ mới biết. Vì đó là - tôi nhắc lại - “vùng cấm” của họ. Song, điều này gây phản cảm với dư luận thì cũng đã thấy rõ.
- Công an tỉnh Thanh Hóa nên hành động thiết thực gì trong vụ hai xe công đeo chung biển khủng?
Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến: Công an Thanh Hóa cần chấm dứt và xin lỗi công khai về việc làm sai của mình, chứ không nên bao che bằng phát ngôn hóa trang nên lắp biển xe đó; đồng thời phê bình, rút kinh nghiệm với anh em đã lắp biển giả sai luật.
Xin chân thành cảm ơn các luật sư trong cuộc đối thoại này!
Vừa qua, dư luận cả nước xôn xao bởi tại tỉnh Thanh Hóa, người dân phát hiện hai xe ô tô chung một biển kiểm soát số 36B - 6789. Một là chiếc Lexus 350 màu đen và chiếc khác là Toyota Corolla màu trắng. Lý giải điều này, công an tỉnh Thanh Hóa thừa nhận, việc chiếc xe thuộc sở hữu cơ quan này dùng biển số giả là phản cảm và không đúng quy định. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí, đại tá Trần Văn Thực, Chánh văn phòng Công an tỉnh Thanh Hóa cho rằng: "Có thể trong lúc đi làm nhiệm vụ, anh em lấy biển đó để hóa trang vì tội phạm hay để ý, theo dõi biển xe của lực lượng chức năng". Câu trả lời của người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa khiến dư luận có nhiều ý kiến trái chiều khi cho rằng, đó chỉ là lời biện minh, bởi nếu để hóa trang phải dùng xe biển số khó nhớ, chứ không ai dùng biển số xe khác của công an tỉnh này đã có từ trước đó và thậm chí, biển cũng đẹp!
Hải Ninh (thực hiện)

Bình luận(0)