Cây Hồng hoa (tên khoa học là hibiscus) là loại cây quý, có giá trị cao, được đưa vào trồng rải rác ở nhiều địa phương trên cả nước. Trong đó, huyện Cát Hải (Hải Phòng) được xem là nơi trồng cây hồng hoa cho giá trị tốt nhất cả nước vì giống cây này phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Vì thế, có cả doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân trồng cây hồng hoa trên diện tích rộng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều thương lái đã thu mua hồng hoa non, chưa đủ tiêu chuẩn chất lượng của bà con nông dân ở Cát Hải để chuyển sang Trung Quốc. Sự việc gây rối thị trường trong nước khiến các doanh nghiệp thu mua quả hồng hoa chế biến sản phẩm rơi vào tình trạng lao đao khi bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Doanh nghiệp bao tiêu không tiêu thụ sản phẩm do chất lượng hồng hoa thấp do người dân bán quả non cho thương lái bên ngoài. Người dân lại bức xúc vì doanh nghiệp không thu mua, dẫn đến xô xát.
|
Giữa trưa nắng người dân ồ ạt đi hái hồng hoa để bán cho thương lái. |
Theo người dân huyện Cát Hải, những năm trước, khi hồng hoa mới được trồng ở huyện Cát Hải, huyện đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho Công ty CP thương mại Nhà Việt (công ty Nhà Việt), trụ sở tại Hải Phòng. Trong bản cam kết giữa công ty này và UBND huyện thì công ty Nhà Việt sẽ phải thu mua sản phẩm quả hồng hoa tươi của bà con nông dân với giá ký kết từ đầu và không được bỏ rơi sản phẩm của bà con nông dân. Tuy nhiên, theo phản ánh của bà con nông dân các xã Gia Luận, Hiền Hào, có tình trạng công ty Nhà Việt không thu mua sản phẩm của bà con nông dân khiến họ rất bức xúc. Chị H.T.L., nông dân trồng hồng hoa ở xã Gia Luận cho biết: “Công ty thu mua có mua hàng của chúng tôi đâu? Không có họ bao tiêu sản phẩm nên hàng của chúng tôi phải bán cho thương lái bên ngoài”.
Anh Phạm Hồng Lựu, Chủ tịch Hội nông dân xã Hiền Hào cũng xác nhận từng xảy ra xô xát giữa bà con nông dân và công ty thu mua hồng hoa trong lúc thu mua. “Có tình trạng sản phẩm của nông dân bị công ty từ chối mua nhưng đây là những sản phẩm kém chất lượng nhất. Nguyên nhân là những sản phẩm đảm bảo chất lượng đã bị bán cho thương lái trước đó với giá cao hơn giá công ty thu mua”, anh Lựu cho biết.
Những cán bộ địa phương của xã Hiền Hào, Gia Luận, Trân Châu (thuộc huyện đảo Cát Hải) cũng thừa nhận có việc xô xát giữa cán bộ thu mua quả hồng hoa và người dân.
|
Người dân bán cho thương lái quả non để lấy giá cao khiến doanh nghiệp bao tiêu lao đao. |
Khảo sát tại cánh đồng hồng hoa ở xã Gia Luận, huyện Cát Hải, PV Kiến Thức ghi nhận: Giữa trưa nắng, khoảng từ 12h cho đến 14h, bà con thường đi cắt hồng hoa. Một chị lái buôn ven đường (PV hỏi tên nhưng chị này không nói) chờ mua hồng hoa của bà con cho biết, chị mua hồng hoa của bà con nông dân với giá 20.000 đồng/kg vào thời điểm đầu tháng 10 dương lịch (tháng 9 âm lịch). Giá chị thu mua cao gấp 2 lần giá hồng hoa của huyện Cát Hải thu mua. Tuy nhiên, chị này chỉ thu mua hồng hoa non, với số lượng ít, vài bao một lần mua và chỉ lấy những quả gốc to nhất, đẹp nhất. Những quả hồng hoa như vậy sẽ được chuyển qua Móng Cái và đưa sang Trung Quốc. Chị lái buôn cho biết: “Không biết họ mang sang đó để làm gì, có thể là làm thuốc”.
Anh Nguyễn Tiến Ban, cán bộ trung tâm Khuyến ngư – Nông nghiệp huyện Cát Hải dẫn PV Kiến Thức đi thăm quan những khu đất được phủ kín hồng hoa của huyện Cát Hải và giải thích: “Thời điểm thu hoạch hồng hoa sớm như thế này mất giá trị của cây rất nhiều. Những quả non này cần khoảng 2 tháng nữa để hoàn thiện các dưỡng chất. Bà con hái như vậy sẽ làm chột cây, ảnh hưởng chất lượng quả khác”.
|
Mỗi kg hồng hoa thương lái trả 20.000 đồng sau đó chuyển hàng sang Trung Quốc. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, ông Hoàng Văn Tuyên, GĐ Công ty Nhà Việt cho biết: “Không phải chúng tôi không thu mua sản phẩm của bà con nông dân mà bà con nông dân chuyên bán quả dưới gốc, to, giá trị cao cho các thương lái bên ngoài từ khi còn non, sau đó để lại những quả ngọn quá bé, quá mỏng, chất lượng kém nên chúng tôi không thể thu mua được. Công ty Nhà Việt hỗ trợ giống, cùng với Phòng NN&PTNT huyện Cát Hải tập huấn kỹ thuật cho bà con trồng hồng hoa. Sau đó, công ty lại bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân. Vậy mà bà con nông dân nhiều người không đợi quả đến vụ thu hoạch chính mới thu hoạch bán cho công ty mà chuyên nghe con buôn bên ngoài xúi giục, cắt quả từ lúc non bán gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng lứa quả sau”.
Ông Tuyên cũng cho biết, vụ thu hoạch hồng hoa hàng năm là tháng 11 âm lịch. Lúc đó, quả sẽ đủ dưỡng chất, có màu đẹp nhất. “Một số thương lái mua hồng hoa non để bán sang Trung Quốc là một việc gây rối thị trường trong nước. Chúng tôi cũng chưa biết giải quyết sự việc như thế nào. Nếu chúng tôi không mua của bà con nữa, sẽ bị ứ thừa sản phẩm rất nhiều và bà con sẽ bỏ không trồng hồng hoa”, ông Hoàng Văn Tuyên cho biết thêm.