Có vẻ năm nay là năm hạn của Vietnam Airlines khi từ đầu năm đến nay đã xảy ra ít nhất 3 sự cố kỹ thuật buộc phải hạ cánh khẩn cấp hoặc khiến các hành khách được phen thót tim. Mới đây nhất, trong vòng hai ngày liên tiếp, 20 và 21/10, hai chiếc máy bay của hãng Vietnam Airlines đều gặp phải những tình huống vô cùng hi hữu.
|
Một trong 2 chiếc lốp càng trước (bên trái) của máy bay ATR 72 bị rơi lúc nào mà không ai biết. Ảnh: Tiền Phong. |
Vụ "đen nhất" có lẽ là trong chuyến bay VN191 xuất phát từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM) đi Moscow lúc 10h 45 ngày 20/10, máy bay Boeing 777 phải hạ cánh khẩn cấp do có một vị khách người Nga đột ngột nôn ra máu. Tổ tiếp viên đã nhanh chóng hỗ trợ y tế, đồng thời thông báo trên loa phát thanh để tìm kiếm người có chuyên môn cùng hỗ trợ. Ngoài ra, cơ trưởng quyết định xin hạ cánh xuống sân bay gần nhất thuộc thành phố Taskent (Uzbekistan). Ngay sau đó, vị khách trên đã được chuyển đi cấp cứu kịp thời. Vì sự cố này, chuyến bay VN191 đã đến Moscow muộn gần 4 giờ so với dự kiến.
Ngày hôm sau 21/10, Vietnam Airlines lại tiếp tục gặp phải sự cố hi hữu với chiếc máy bay ATR. Chiếc máy bay mang số hiệu VN 1673 từ Hải Phòng đi Đà Nẵng đã rơi mất một bánh ở phía trước (bánh mũi) trong quá trình bay nhưng cả hành khách lẫn phi hành đoàn đều không hay biết cho tới khi đội kỹ thuật mặt đất kiểm tra mới phát hiện ra.
Rất may mắn là chuyến bay cất cánh từ Hải Phòng lúc 12h45 và hạ cánh tại Đà Nẵng lúc 14h15 theo đúng kế hoạch và tất cả hành khách cũng như phi hành đoàn đều rời máy bay an toàn. Tuy nhiên, sự cố nghiêm trọng với chiếc máy bay ATR-72 vẫn chưa được làm rõ.
Theo tường trình của cơ trưởng Vũ Tiến Khánh (sinh năm 1979, có kinh nghiệm 6 năm lái ATR 72), quy định của ngành, trước chuyến bay, thợ máy kiểm tra nghiêm ngặt các bộ phận và báo cáo mọi thứ “bình thường”.
Tiếp đến, cơ phó Trịnh Linh Thơ (sinh năm 1985) kiểm tra bằng mắt thường thêm và cũng báo cáo “bình thường”. Cuối cùng, đích thân cơ trưởng Khánh thực hiện việc kiểm tra trước khi máy bay cất cánh. Mọi thứ đủ điều kiện bay.Ngay cả cơ trưởng, cơ phó trên chuyến bay cũng không nhận thấy điều gì khác biệt.
Không giống như các dòng máy bay Airbus hay Boeing, chỉ cần áp suất lốp căng quá hay giảm đi, hệ thống máy tính thông minh sẽ phát cảnh báo. Trường hợp với dòng máy bay ATR 72, không có hệ thống cảnh báo trên. Do đó, khó xác định được một chiếc lốp mũi (trong 2 chiếc nằm sát nhau phía trước máy bay) bị rơi ở đâu, lúc nào.
Theo ghi nhận, trong lịch sử hàng không thế giới thì việc một chiếc máy bay ATR đang bay mà bị rơi lốp là trường hợp rất hy hữu.
Trước đó, hồi đầu tháng 8, máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines cũng gặp sự cố rơi tự do 122 m ở độ cao gần 11 km làm cả trăm hành khách hoảng loạn, toàn bộ hành lý và vật dụng trong khoang bị xáo trộn, một hành khách đau chân, 2 tiếp viên bị choáng.
Cụ thể, chuyến bay gặp sự cố là chuyến bay Hà Nội - Bangkok mang số hiệu VN615 (bằng máy bay Airbus 321) cất cánh từ Nội Bài lúc 14h ngày 6/8. Khi đang bay bằng ở độ cao 36.000 feet (10.973 m) và tiếp viên đang phục vụ bữa ăn, máy bay bất ngờ đi qua vùng nhiễu động trời trong. Đây là loại nhiễu động hiện nay rada thời tiết của máy bay chưa phát hiện được, khiến máy bay bị tụt độ cao 400 feet (tương đương 122 m).