Làm sao mà biết tài sản của cán bộ
Theo lộ trình trong dự thảo Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn do Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, sau năm 2020 sẽ thực hiện việc kiểm soát thu nhập với toàn bộ người có chức vụ, quyền hạn. Là người làm công tác nội chính nhiều năm, ông đánh giá thế nào về lộ trình này?
Đây là vấn đề bức xúc từ rất lâu của dư luận trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng. Chúng ta đang không kiểm soát được tài sản thực của cán bộ. Việc kê khai tài sản vừa không công khai, vừa hình thức, mà lại dựa trên tự giác của mỗi người. Mà tự giác của mỗi người thì vô cùng. Đâu phải lúc nào người ta cũng có thể thành thật. Trong khi đó, không có một cơ chế buộc họ phải công khai minh bạch tài sản. Thế nên, việc kê khai chỉ để đó, lại xếp vào ngăn, chứ cũng không xác minh xem việc kê khai đó có đúng hay không.
Theo ông mục tiêu đến sau năm 2020 sẽ kiểm soát được toàn bộ tài sản của cán bộ công chức có phải là mục tiêu gần? Có người đặt câu hỏi sao không làm điều đó ngay bây giờ, ngay lúc nào?
Nếu đặt ra mục tiêu ngay bây giờ kiểm soát được hết thì chắc chắn là không làm được. Nó sẽ vướng, nói mà không làm được. Thà đặt ra một mục tiêu để phấn đấu. Kiểm soát được tài sản của cán bộ công chức là vấn đề khó, nên đó là lộ trình cần thiết.
Nhưng đây đâu phải là vấn đề mới, kiểm soát thu nhập, tài sản của cán bộ công chức là việc đã nói từ rất lâu, dư luận bức xúc nhiều cũng bởi sự chênh lệch giữa số tài sản thực tế và tài sản trên giấy?
Không ai có thể biết đâu là thu nhập chính đáng, đâu là thu nhập bất chính của cán bộ. Lâu nay dư luận bức xúc nhưng cũng không giải quyết được vấn đề gì. Nhiều năm làm công tác nội chính thì tôi thấy, so với các nước thì Việt Nam tồn tại nhiều vấn đề. Để công khai tài sản minh bạch rõ ràng, phòng chống được tham nhũng thì quan trọng nhất là công khai. Không có vùng đặc quyền đặc lợi. Không có những nơi có thể nói được, những vùng không thể nói được. Quần chúng có vai trò giám sát. Ta có nêu lên vấn đề này nhưng không làm được. Công khai và giám sát là mấu chốt.
|
Ông Phạm Quốc Anh, nguyên Trưởng Ban Nội chính Trung ương. |
Dân phát giác thì khó mà sai
Ông vừa nhắc đến quần chúng trong việc tố giác tham nhũng, thế nhưng thực tế thì quần chúng, dư luận, cũng có rất nhiều luồng?
Quần chúng ở cơ sở, nơi cư trú, liên quan đến công việc, cuộc sống của cán bộ công nhân viên thì người ta sẽ biết, mà biết rõ. Quần chúng họ biết cả đấy, họ cũng phát giác cả đấy, thế nhưng mình lại coi nhẹ, cho rằng phát biểu đó không chính xác. Nhưng một số nước khác họ rất coi trọng phát giác của người dân. Phát giác đó sẽ được kiểm tra, có dấu hiệu vi phạm là họ sẽ xử lý ngay. Xử lý không phân biệt cấp, chức vụ thì sẽ đảm bảo công bằng, minh bạch.
Tại sao chúng ta lại coi nhẹ kênh tiếp cận này?
Nhiều cán bộ mà quần chúng tố cáo mặt này mặt kia, nhưng vì nể nang chiếu cố này nọ nên người ta cũng bỏ qua, không làm đến nơi đến chốn. Mà người này làm được thì người kia cũng làm được, theo nhau mà làm thôi. Người này né tránh người kia, nó cứ lan người này sang người khác thành ra việc kiểm soát tham nhũng là rất khó.
Ông có kinh nghiệm gì trong việc kiểm soát thu nhập của cán bộ?
Phải công khai minh bạch mọi chế độ, mọi khoản thu nhập, không che giấu bất cứ yếu tố nào. Qua đó để biết toàn bộ thu nhập của một cán bộ. Ta cứ nói công khai minh bạch, nhưng thực ra nói chỉ để mà nói thôi chứ có cái gì minh bạch đâu. Nhiều khi làm lại không đến nơi đến chốn, tạo ra nhiều kẽ hở. Làm thế nào để công khai tất cả các quyền lợi, thu nhập là việc khó. Đừng làm kiểu hình thức, làm cho có, tốn kém mà không để làm gì. Đừng kê khai xong thì cất vào ngăn kéo, chẳng ai kiểm tra, chẳng ai xử lý. Thế thì không ổn đâu.
Trong quy trình kiểm soát đó thì quần chúng chính là một mắt xích?
Để chống tham nhũng phải dựa vào quần chúng. Ai cũng phải sinh sống trong một khu vực nào đó, mọi người sống xung quanh sẽ biết rõ cán bộ đó sống như thế nào, tài sản ra sao. Hãy lắng nghe ý kiến của dân thì mới phát hiện được. Thực tế nhiều người, ở vị trí nào cũng có những tài sản lớn kèm theo. Người ta công khai đấy, nhưng không có chế tài nào để xử lý cả. Nên có khi một cán bộ có hàng chục cái nhà mà không ai nói được gì.
Lương nào mua được siêu xe, nhà đẹp!
Mỗi năm chỉ có 1 - 2 cán bộ công chức khai báo và nộp lại các khoản quà được biếu, tặng. Tôi được biết chính người được nhận quà đó nói rằng, lương thấp thế, không nhận quà biếu thì sống bằng gì. Cả năm chỉ trông chờ vào ngày Tết. Nói thế hóa ra vì lương thấp mà tiêu cực nhiều?
Đúng là chế độ lương bổng, bồi dưỡng của ta chưa thỏa đáng để cán bộ công tâm làm việc, xấu hổ khi tham nhũng. Ở các nước phát triển, lương của cán bộ công chức rất cao khiến tham nhũng ít hơn và khi xảy ra tham nhũng thì người ta sẵn sàng xử lý nghiêm hơn. Lương của ta thấp nên người ta lợi dụng chức vụ quyền hạn để có thêm các khoản "lậu". Nhiều người làm thế, nó trở thành lẽ tự nhiên nên chẳng ai lên án, chẳng ai tố cao ai. Ai cũng đua nhau "xà xẻo". Mà phải làm thế thì mới khá lên được. Chứ nếu cứ liêm chính sống bằng đồng lương thì lại đói nghèo, khốn khó.
Đó là nguyên nhân của việc "tài sản ngầm" lớn hơn rất nhiều tài sản công khai?
Đúng là tài sản ngầm của cán bộ quá nhiều trong khi tài sản sở hữu trên giấy tờ không có gì. Họ làm được thế là bởi pháp luật không xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ta lại không tôn trọng sự giám sát của quần chúng. Rõ ràng có những cán bộ nhà cao cửa rộng, xe cộ đi lại toàn là xe sang, đắt tiền. Lương nào mua được những thứ đó? Thế thì giám sát thế nào? Bài toán này vẫn cần phải tìm lời giải.
Thế nhưng, kiểm soát thế nào khoản "lậu" trá hình dưới dạng quà tặng?
Nếu cán bộ nào nhận được quà tặng kiểu "hối lộ" cũng đi trả lại ngay thì hẳn là không ai dám đi biếu quà đến hàng triệu, trăm triệu hay hàng tỉ đồng nữa. Nhưng phân biệt như thế nào là quà tặng, thế nào là hối lộ, thì lại có những nhập nhèm. Mỗi năm chỉ có một đôi người đem trả lại quà tặng. Thậm chí có người trả lại quà tặng rồi, trả lại hàng tỉ đồng mà người ta vẫn còn nghi ngờ là liệu đã trả lại hết chưa
Phải chăng quy định của pháp luật còn lỏng lẻo nên số người trả lại quà tặng mới ít thế?
Là do không có chế tài xử lý mạnh khiến người cho và người nhận đều thấy sợ. Còn chuyện hiếm người trả lại quà thì quá dễ hiểu rồi. Người ta dại gì "lạy ông tôi ở bụi này" chứ. Rồi việc trả lại ấy nó lại kéo theo biết bao rắc rối hệ lụy. Cứ ỉm đi thì không ai biết ta được tặng quà. Còn nếu trả lại thì người ta lại nghi ngờ ông này chắc từ xưa đến nay được nhận nhiều lắm rồi. Giờ đủ rồi mới "nhả" ra đấy mà. Rồi thì không biết thực tế số quà mà họ nhận được là bao nhiêu. Nói chung là nhiều rắc rối, làm người khác nghi ngờ nên người ta ngại.
Xin cảm ơn ông!
Làm gì có cách nào bắt người ta trả lại quà tặng ngoài việc trông chờ vào tự giác của chính họ. Vì người tặng họ là tự nguyện, họ nhận hay không là quyền của họ. Hơn nữa, muốn xử lý được thì phải bắt quả tang, xử lý nghiêm thì mới khiến những người khác sợ. Ngoài ra thì phải để họ tự giác. Còn kiểm tra ngặt nghèo đến mấy mà họ không muốn thì cũng hòa cả làng thôi.