Công khai phiếu tín nhiệm thể hiện sự dân chủ

Google News

(Kiến Thức) - "Theo tôi thì đây là một điều đáng mừng, thể hiện tư tưởng đổi mới lấn át cái bảo thủ", ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ với phóng viên.

Tư tưởng đổi mới lấn át bảo thủ

Ông đánh giá thế nào về kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên các chức danh lãnh đạo do Quốc hội bầu?

Việc lấy phiếu tín nhiệm lần này thể hiện sự khiêm tốn cầu thị của lãnh đạo, trong tình hình này mà được như thế là rất tốt. Càng khiêm tốn học hỏi, lắng nghe quần chúng thì càng phát triển tốt. Thứ nữa là nó phản ánh tương đối khách quan dư luận xã hội hiện nay. Tôi nói tương đối thôi. Nhưng nó cũng là cái tốt để chúng ta nhìn nhận tổng quát bức tranh cán bộ lãnh đạo chủ chốt hiện nay.

Người dân trông chờ rất nhiều về lần lấy phiếu tín nhiệm này, nó như thước đo lòng tin của dân vào Quốc hội. Và rõ ràng, việc công bố kết quả đã phần nào thỏa mãn điều đó, ông có thấy thế?

Việc công khai kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này là rất tốt. Chắc chắn là phải trải qua một quá trình trao đổi có đấu tranh, có thuyết phục. Cũng có lúc có người nói không nên công khai, vì đánh giá đồng chí này, đánh giá đồng chí kia... thì rất khó làm việc. Mà thực tế vừa qua tôi biết có nơi cũng lấy phiếu tín nhiệm nhưng không công khai, không cho dân biết. Thế nên theo tôi thì đây là một điều đáng mừng, thể hiện tư tưởng đổi mới lấn át cái bảo thủ. Đó là bước tiến mới trong việc xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Trước khi lấy phiếu, nhiều người lo lắng về việc kết quả liệu có thực chất, ông có chung suy nghĩ đó không?

Trước đây chúng ta rất lo lắng, sợ là các đại biểu Quốc hội bị chi phối bởi nhóm lợi ích này nhóm lợi ích kia. Nhưng kết quả này đã cho thấy ít ra là các đại biểu đã khá khách quan, là đại biểu của dân, làm tròn trách nhiệm của mình.

Liệu kết quả này có khiến những người đã hoặc có ý định mua quan bán chức phải dè chừng? Bởi nếu không cẩn thận thì tiền mất tật mang?

Cái đó thì khó nói đấy. Việc lấy phiếu này nó cũng chỉ phản ánh ở khía cạnh nào đó, có nghĩa là phản ánh tương đối khách quan thôi. Bởi dữ liệu để đại biểu đánh giá người được lấy phiếu là chưa đầy đủ.

Ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nói về kết quả lấy phiếu tín nhiệm. 

Cần kê khai tài sản người được lấy phiếu

Để lấy phiếu tín nhiệm, người được lấy phiếu sẽ phải gửi bản kết quả tự đánh giá hoạt động trong năm qua tới các đại biểu Quốc hội. Cũng có nghĩa, đây là một trong những căn cứ để các đại biểu bỏ phiếu. Chỉ một bản tự đánh giá như vậy, liệu kết quả lấy phiếu tín nhiệm có khách quan?

Theo tôi thì đây là điều còn hạn chế trong việc lấy phiếu tín nhiệm lần này. Nghị quyết của Quốc hội đưa ra chỉ yêu cầu có 1 văn bản của người được lấy phiếu gửi tới đại biểu Quốc hội. Như thế là không đủ.

Vậy theo ông như thế nào là đủ?

Thứ nhất là phải có nhận xét của cơ quan mà người đó là thủ trưởng. Tập thể lãnh đạo đơn vị đó cần có bản nhận xét về thủ trưởng của mình, xem người đó có hoàn thành nhiệm vụ theo chức trách được giao, đạo đức tư cách có tốt không, có gần gũi anh chị em không... Thứ hai là phải có nhận xét của thủ trưởng cấp trên, nếu là Bộ trưởng thì nhận xét của Thủ tướng. Thứ ba là nhận xét của cử tri nếu là đại biểu Quốc hội. Thứ tư là bản kê khai tài sản có xác nhận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đó sẽ là những căn cứ quan trọng để đại biểu Quốc hội tham khảo.

Vì không có các dữ liệu đó nên việc đánh giá của các đại biểu Quốc hội có thể chưa thực sự chính xác?

Tôi nghĩ phần nào sự đánh giá còn mang tính cảm tính. Vì chỉ có một bản tự nhận xét như thế thì làm sao đánh giá chính xác được. Hơn nữa, cũng chưa dành thời gian cho sự đối thoại giữa đại biểu Quốc hội và người được lấy phiếu tín nhiệm. Nghĩa là người được lấy phiếu không có cơ hội để làm rõ những thắc mắc của đại biểu.

Ông vừa nói bản kê khai tài sản, chắc hẳn điều này sẽ rất khó làm?

Nhưng cái này quan trọng lắm. Lãnh đạo đó có tham nhũng hay không thì ai biết được. Việc kê khai tài sản cần có chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền. Phải kê khai ra có những tài sản gì, chứ bây giờ nếu không kê khai ra thì ai đánh giá được anh như thế nào. 

"Tín nhiệm" hay "không tín nhiệm"

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, không vị nào bị quá 50% phiếu "tín nhiệm thấp", cũng có nghĩa là không ai bị bỏ phiếu tín nhiệm thấp đối với vị trí của mình. Ông nghĩ gì về kết quả này?

Tôi nghĩ trong tình hình đất nước có nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế còn nhiều trì trệ, đời sống nhân dân quá khó khăn, nạn tham nhũng tràn lan... thế mà vẫn đảm bảo mức tín nhiệm tối thiểu cần thiết. Điều đó nhiều người băn khoăn. Phải chăng điều đó chưa phản ánh đúng thực chất. Đây là vấn đề cần xem xét kỹ lưỡng hơn. 

Có ý kiến cho rằng việc đưa ra 3 mức độ đánh giá "Tín nhiệm cao","Tín nhiệm" và "Tín nhiệm thấp" khiến cho đại biểu và cử tri thấy ranh giới giữa việc tín nhiệm và không tín nhiệm khó để phân biệt?

Theo tôi thì chỉ nên đưa ra hai mức là "Tín nhiệm" và "Không tín nhiệm". Đưa ra 3 mức này khiến cho khó nhận xét, khó đánh giá, mà việc đánh giá nó lại thêm phức tạp. Nếu chỉ có 2 mức tín nhiệm thì việc bỏ phiếu sẽ dễ dàng hơn nhiều, đơn giản hơn nhiều.

Buồn là đương nhiên

Trở lại với kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Ngay sau khi công bố kết quả, bên hành lang Quốc hội tôi thấy, người có số phiếu thấp thường tránh mặt báo chí, trong khi người có số phiếu cao thì sẵn sàng trả lời. Rõ ràng, phiếu tín nhiệm ít nhiều có tác động tích cực nào đó?

Tôi nghĩ người có số phiếu tín nhiệm thấp cảm thấy buồn là điều đương nhiên. Tâm lý chung của con người thôi. Phiếu tín nhiệm đã thể hiện được một số khía cạnh bề nổi. Còn đằng sau là chuyện mua quan bán chức thế nào thì không ai biết được. 

Còn điều gì phải rút kinh nghiệm nữa cho lần lấy phiếu tín nhiệm sau thưa ông?

Tôi nghĩ ở khía cạnh pháp lý thì có những cái chưa chặt chẽ. Trong Hiến pháp chỉ quy định bỏ phiếu tín nhiệm chứ chưa có quy định lấy phiếu tín nhiệm. Đáng lẽ phải sửa quy định này trước rồi mới thực hiện. Chứ theo quy định, Quốc hội bầu và phê chuẩn các chức danh có nhiệm kỳ 5 năm, nếu có vấn đề gì thì bỏ phiếu tín nhiệm hoặc như cách chức, bãi nhiệm... Còn nếu không có vấn đề gì đáng kể thì vị ấy vẫn được làm bình thường chứ. Cái này cần nghiên cứu sửa đổi và bổ sung kịp thời và hợp lý.

Xin cảm ơn ông!

Không phải người có số phiếu tín nhiệm thấp là có năng lực yếu kém. Đây là sự nhìn nhận tổng hòa ở nhiều khía cạnh như năng lực, đạo đức, cách sống... Hơn nữa, tôi cảm nhận thấy trong kết quả này có sự cảm tính nhiều hơn. Kết quả bỏ phiếu là ai cũng đảm bảo mức tín nhiệm tối thiểu cần thiết, không ai bị xem xét lại chức vụ cũng dễ hiểu. Một phần vì người Việt mình vốn duy tình, thương người. Tâm lý "chín bỏ làm mười" là phổ biến.

TIN LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)