Làm gì có trước kịch bản lấy phiếu tín nhiệm

Google News

(Kiến Thức) - Theo ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, không có kịch bản trước cho việc lấy phiếu tín nhiệm. "Nói như vậy là quá quy chụp và không có cơ sở nào cả".

Đừng vì tình cảm mà bỏ phiếu 

Thưa ông, sắp tới đây, Quốc hội sẽ thực hiện việc lấy phiếu và bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh chủ chốt. Được biết quy định này đã có từ lâu trong luật?

Đúng là có quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội nhưng thực tế thì việc bỏ phiếu tín nhiệm đến nay mới chính thức được thực hiện lần đầu tiên.

Ông lý giải thế nào về sự chậm trễ này?

Ta có luật nhưng chưa có cơ chế thực hiện. Trong quá trình đổi mới, cũng phải nghiên cứu chín muồi để có thời điểm hợp lý. Thực hiện lấy phiếu tín nhiệm trong thời điểm này là cần thiết, phù hợp với tiến trình đổi mới chung của đất nước, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. 

Theo ông thì phải làm thế nào để việc lấy phiếu tín nhiệm không phải là hình thức, đạt được hiệu quả thực chất?

Điều này đã được quy định cụ thể tại Nghị quyết 35 của Quốc hội. Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm thì đã có cả một khoảng thời gian dài để chứng minh năng lực của họ. Nghĩa là trong 1 năm trước khi đưa ra lấy phiếu tín nhiệm, khi họ được Quốc hội bầu, phê chuẩn vào vị trí lãnh đạo, người đó đã thực hiện nhiệm vụ của mình như thế nào. Cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được. Các ưu khuyết điểm, phương hướng khắc phục... Đó là cơ sở rất quan trọng để cho các đại biểu thay mặt nhân dân nhận xét về họ. 

Nghĩa là đại biểu Quốc hội dựa vào bản tự nhận xét đó của mỗi người mà đưa ra quyết định của mình?

Đó là một kênh thôi. Phải nhìn nhận thực tế quá trình làm việc của từng người, rồi dựa vào dư luận, báo chí nữa. Rồi trên cơ sở ý kiến của nhân dân, qua theo dõi hoạt động của từng vị này mà các đại biểu Quốc hội phân loại, chắt lọc đánh giá một cách chính xác và công tâm.

Để có lá phiếu phản ánh đúng khách quan thì bản thân mỗi đại biểu Quốc hội phải làm gì?

Không được phép đưa động cơ cá nhân làm sai lệch kết quả. Chống khuynh hướng vì nể nang, cảm tình riêng tư mà dồn phiếu cho đồng chí nào đó. Hay gì ganh ghét, bực bội với người nào đó mà không bỏ phiếu cho họ. Phải làm sao để người được bỏ phiếu tín nhiệm sẽ thấy mặt mạnh của mình để phát huy, thấy điểm yếu để khắc phục sửa chữa tốt hơn.

 Ông Ngô Văn Minh, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội.

Khó mà tránh được sai sót

Giả sử như kết quả lấy phiếu tín nhiệm lần này, tất cả đều đạt mức tín nhiệm tốt thì ông nghĩ thế nào?

Tất nhiên là đáng mừng chứ. Nhưng theo tôi cũng không nên cầu toàn quá. Không phải người cao phiếu là phấn khởi, người thấp phiếu buồn và suy nghĩ nặng nề. Nó có nhiều yếu tố khác nhau để nhìn nhận năng lực một người lãnh đạo. Người đảm nhận rất nhiều công việc, trong đó có những lĩnh vực va chạm nhiều hơn, làm nhiều hơn thì sai nhiều hơn. Nhưng cũng có những lĩnh vực ít đụng chạm đến người dân mà chỉ liên quan gián tiếp. Rõ ràng ở những lĩnh vực đó thì khi xem xét tín nhiệm cũng phải tính. 

Theo ông thì người được lấy phiếu tín nhiệm đạt bao nhiêu phần trăm số phiếu là có thể "yên tâm"?

Theo quan điểm của tôi thì được trên 50% đại biểu tín nhiệm là được rồi. Bởi vì ở đời, một người bình thường được 9/10 người yêu chưa chắc đã là tốt. Nếu anh cứ làm bình bình, tầm tầm, chả cố gắng gì đột phá, cũng chả vi phạm gì, không ai nói gì được thì lại khó mà phát triển được. Còn số người ghét mình nhiều quá thì cũng nên hết sức tránh.

Nhưng đây không phải là vấn đề yêu ghét?

Đúng! Việc của Quốc hội không phải là việc yêu, việc ghét. Nhưng đối với một người bình thường ở đời, được trên một nửa số người trong tập thể tín nhiệm đã là tốt lắm rồi.

Vậy với những lĩnh vực "nhạy cảm", lãnh đạo ngành đó bị phiếu tín nhiệm thấp thì có thiệt thòi?

Có những lĩnh vực liên quan ít hoặc liên quan nhiều đến người dân. Hơn nữa, sai sót trong điều hành, lãnh đạo quản lý thì cũng không thể nào tránh khỏi được. Vấn đề là họ có nhìn nhận ra việc đó hay không. 

Dân có quyền chất vấn lại Quốc hội

Giả sử ông phải bỏ phiếu tín nhiệm trực tiếp cho sếp của mình. Mặc dù ông không hài lòng cách chỉ đạo điều hành của người đó, nhưng liệu ông có dám bỏ phiếu "tín nhiệm thấp"?

Tôi nói rồi, tôi vốn trung thực thẳng thắn, ai được thì bảo được, không thì bảo không. Nếu tôi góp ý nhiều lần mà đồng chí đó không tiếp thu, không chỉnh sửa thì tôi thấy rằng như thế là không được, tôi sẽ buộc phải bỏ phiếu tín nhiệm thấp. 

Liệu số đại biểu có quan điểm như ông có nhiều không?

Tôi nghĩ đã là đại biểu Quốc hội thì ai cũng nghĩ được vai trò của mình, thực hiện đúng trách nhiệm mà nhân dân giao phó. 

Hiện các vấn đề xã hội còn tồn tại nhiều bất cập, nổi cộm, bức xúc. Với thực tế đó mà các vị lãnh đạo ai cũng có tín nhiệm cao thì người dân cảm thấy không yên tâm, không phục?

Dân có quyền kiến nghị, cần thiết thì nêu rõ đích danh, vì sao vị này thế này mà được phiếu cao thế. Quốc hội là do cử tri giám sát mà. Đại biểu mà không nói trúng ý dân thì dân có quyền truy vấn lại Quốc hội.

Áp lực của ông khi cầm trên tay lá phiếu tín nhiệm sẽ là gì? 

Rất áp lực, rất trăn trở, rất suy nghĩ. Không có chuyện cầm lá phiếu lên, muốn bỏ cho ai thì bỏ, muốn gạch tên ai thì gạch. Phải suy nghĩ rất nhiều trước khi bỏ phiếu!

Giả sử người được bỏ phiếu tín nhiệm mà không phục kết quả bỏ phiếu thì họ sẽ phải làm gì?

Cái đó thì tùy họ thôi. Anh phục hay không là tùy. Đại biểu tín nhiệm là dựa trên thực tế công việc thôi. 500 lá phiếu thì cũng là 500 cách nghĩ, quan điểm đánh giá độc lập. Còn anh bảo lỗi tại cơ chế, lỗi tại tập thể, tại điều kiện khách quan thì cũng chịu. Nếu anh bị tín nhiệm thấp thì anh nên nghĩ cách làm sao để tăng phiếu tín nhiệm lên ở kỳ sau. Hoàn thiện mình hơn để tốt hơn chứ không trách móc ai được.

Không được tín nhiệm thì nên từ chức

Nhiều người kỳ vọng việc lấy phiếu tín nhiệm lần này sẽ mở ra văn hóa từ chức. Liệu chúng ta có thể hy vọng vào điều đó ở lần lấy phiếu tín nhiệm đầu tiên này?

Trong Nghị quyết 35 của Quốc hội cũng đã chỉ rõ rồi. Trong lần lấy phiếu đầu tiên, nếu có 2/3 đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm thấp thì người đó có thể tự xin từ chức. Nếu không từ chức thì sẽ tiến hành thủ tục theo luật định. Nếu 2 năm liền tín nhiệm dưới 50% thì người đó cũng nên chủ động từ chức theo đúng các thủ tục cần thiết. 

Việc lấy phiếu tín nhiệm như vậy rõ ràng để tìm ra người phù hợp với từng vị trí chứ không phải để loại ai cả?

Đúng vậy, mục đích của lấy phiếu tín  nhiệm không phải là để loại ai cả. Chúng ta xây dựng đội ngũ cán bộ thực sự đủ tài năng và phẩm chất đạo đức, trách nhiệm hơn, làm việc cho dân cho nước tốt hơn.

Cũng có người nghi ngờ rằng việc lấy phiếu tín nhiệm dựa trên kịch bản đã được chỉ đạo trước đó rồi, rồi cũng sẽ "hòa cả làng" thôi?

Làm gì có kịch bản lấy phiếu tín nhiệm. Nói như vậy là quá quy chụp và không có cơ sở nào cả.

Xin cảm ơn ông!

Bỏ phiếu tín nhiệm đối với những lĩnh vực mà còn tồn tại nhiều vấn đề gây bức xúc trong dư luận thì cũng phải tính toán, nhìn nhận thấu đáo. Qua đó để biết trách nhiệm thuộc về ai, có phải là trách nhiệm cá nhân hay không. Và cũng thông qua đó động viên, hoan nghênh cổ vũ những người làm tốt được chức năng, nhiệm vụ của mình.

BÀI LIÊN QUAN
ĐANG ĐỌC NHIỀU

Tô Hội (Thực hiện)

Bình luận(0)