Chỉ vài tháng đầu năm 2014, thủ đoạn lừa đảo bắt cóc tống tiền tiếp tục "nóng" trên địa bàn Hà Nội và TP HCM. Trong tháng 3 vừa qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội đã xảy ra trên 5 vụ lừa đảo bắt cóc tống tiền với thủ đoạn giống nhau, với tổng số tiền chiếm đoạt lên đến hàng trăm triệu đồng.
Mới đây nhất là
vào khoảng 8h ngày 17/3, bà Phạm Thị Tuyết Hằng (ở Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội) bị một đối tượng lạ gọi vào máy bàn và di động, cho biết chúng đang bắt cóc con trai bà vì nợ chúng 700 triệu đồng và yêu cầu chuyển 200 triệu vào tài khoản chúng đưa để chuộc con. Tuy nhiên, sau khi tiền mất, thì bà Hằng mới biết... bị lừa.
Cũng bằng thủ đoạn trên, vào khoảng 13h ngày 17/3, khi bà Lê Kim Thúy (ở Cống Vị, Ba Đình, Hà Nội) đang ở nhà thì nhận được điện thoại từ đầu số +36 gọi vào máy bàn của gia đình và cho biết, chúng đang bắt giữ anh Hùng - con trai bà vì anh này nợ tiền. Sau 5 phút, chúng yêu cầu bà Thúy chuyển 150 triệu đồng thì mới thả người. Ngay lập tức, bà Thúy ra ngân hàng chuyển tiền thì mới nhận được thông tin, gia đình bà không có ai bị bắt cóc.
Trước đó, ngày 14/3, ông Nguyễn Văn Thanh, ở quận Cầu Giấy (Hà Nội), nhận được cuộc điện thoại có mã vùng từ CHLB Đức gọi vào máy cá nhân và được một đối tượng cho biết: con trai ông đang nằm trong tay chúng và yêu cầu ông nộp ngay 100 triệu vào số tài khoản thì chúng mới thả người. Do phát hiện kịp thời, số tiền 100 triệu đồng của ông Thanh chưa rơi vào tay kẻ xấu.
Thượng tá Ngô Minh An, Phó phòng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao PC50, Công an Hà Nội cho biết: “Những vụ án tống tiền, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật xảy ra trên địa bàn đều được cơ quan điều tra phát hiện và điều tra. Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát, tất cả các vụ tống tiền với hình thức như trên đều là giả mạo”.
“Công an TP Hà Nội chúng tôi khuyến cáo đến những người dân rằng, các cuộc điện thoại do các đối tượng lạ gọi đến thông báo và yêu cầu phải nộp tiền để chuộc người thân ra thì người dân cần bình tĩnh, trì hoãn thời gian trò chuyện và tìm cách thông báo cho người thân của mình biết để kiểm tra xác minh. Với lại, người được gọi có thể tự kiểm tra nội dung sự việc người thân bị bắt cóc bằng cách xác minh ngược như đặt câu hỏi với các đối tượng bị bắt cóc.
Nếu trường hợp buộc phải chuyển tiền cho nhóm đối tượng này thì cũng tìm cách bí mật thông báo cho nhân viên ngân hàng biết để nhờ người ta giúp kiểm chứng lại nội dung thông tin. Còn đối với các bạn trẻ, nên hạn chế việc chia sẻ những bí mật thông tin cá nhân lên trên các diễn đàn, trang mạng xã hội, vì nơi đó cũng là nơi để lộ rất nhiều thông tin mà đối tượng xấu dựa vào đó để thực hiện hành vi phạm tội” , thượng tá Ngô Minh khuyến cáo.