“Tôi vẫn nhớ hôm đó vào khoảng giữa tháng 6/1994, vừa bưng bát cơm ăn được một nửa thì tôi thấy đầu óc mình quay cuồng rồi dần dần ngất đi. Sau đó, tôi thấy mình bị kéo qua một cây chuối, qua lan can đường sắt, nhưng tay chân rã rời không thể phản ứng được gì. Tôi cố dùng chút sức lực cuối cùng bám vào cây cối bên đường nhưng không được”, chị Hoa kể lại giây phút kinh hoàng của cuộc đời mình.
Vì những khúc mắc trong cuộc sống, chị Trần Thị Hoa (SN 1974) trú tại xóm Đông Du 1, xã Đông Hiếu, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An bị chính người chồng đầu ấp tay gối của mình đánh thuốc mê trong một bữa cơm, rồi bán sang Trung Quốc. Sau 20 năm mòn mỏi đợi chờ, cuối cùng chị đã trở về quê hương như một phép nhiệm màu.
Nửa bát cơm, một cuộc đời
Trong dòng nước mắt, bà Bùi Thị Hạnh - mẹ chị Hoa nói: “Gia đình tôi có năm đứa con, nó là đứa thứ 4. Vì cuộc sống quê nhà khó khăn, nên năm 18 tuổi nó theo các anh chị vào miền Nam làm ăn sinh sống. Là đứa chăm chỉ lại sống hòa đồng nên nó được nhiều người quý mến.
|
Giây phút đoàn tụ sau 20 năm lưu lạc thấm đẫm nước mắt. |
Rồi nó quen biết với một người đàn ông tên Bình, quê ở xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An) làm nghề đánh cá thuê ở Bến Tre. Thấy Bình siêng năng cần cù lại hiền lành và tốt tính, nên Hoa thương mến và quyết định xây dựng gia đình với Bình. Hoa là đứa có nghị lực và rất cá tính, nó tin rằng chỉ cần hai người yêu nhau và chăm chỉ làm việc thì cuộc sống sẽ đỡ khổ hơn. Vậy mà...”.
Đám cưới của đôi bạn trẻ được tổ chức đơn sơ nhưng ấm áp, sau đó chị Hoa cùng chồng về ra mắt gia đình hai bên nội ngoại. Bà Hạnh còn nhớ như in cái ngày con gái mình đưa “chàng rể quý” về ra mắt họ hàng: “Khi đó vào khoảng tháng 1.1994 thấy hai đứa nó về, gia đình tôi cũng làm mấy mâm cơm mời họ hàng đến chia vui. Nhìn chồng nó hiền lành, tôi những tưởng nó sẽ hạnh phúc, nào ngờ tôi đã giao trứng cho ác mà không hay”.
Sau một thời gian chung sống, giữa chị Hoa và chồng xảy ra nhiều mâu thuẫn không thể giải quyết. Bị Bình thường xuyên chửi mắng, đánh đập nên sống với nhau được hơn 2 tháng, chị Hoa có ý định ly hôn để giải thoát cho bản thân mình. Chị nhớ lại: “Khi đó, đang ở nhà chồng ở huyện Diễn Châu, Nghệ An, tôi và chồng có xảy ra cãi vã.
Tôi xin ly hôn thì anh ấy bắt tôi trả lại một chiếc vòng vàng đã bán đi để có tiền làm lễ cưới. Tôi không biết cái vòng vàng nào cả, nên không phân bua mà chỉ đòi ly hôn thôi”. Cuộc cãi vã chỉ kết thúc khi mọi người vào khuyên can. Sau đó, đến bữa cơm tối Bình gọi chị vào ăn cơm cùng các cháu của mình.
Dù giận chồng, nhưng chị vẫn vào ăn cơm, nào ngờ người chồng đã bỏ thuốc mê vào bát cơm và đó cũng là bữa cơm cuối cùng của chị trước những ngày dông bão của cuộc đời.
“Tôi vẫn nhớ hôm đó vào khoảng giữa tháng 6/1994, vừa bưng bát cơm ăn được khoảng một nửa thì tôi thấy đầu óc mình quay cuồng rồi dần dần ngất đi. Sau đó tôi thấy mình bị kéo đi qua một cây chuối, qua lan can đường sắt nhưng tay chân rã rời không thể phản ứng được gì.
Tôi cố dùng chút sức lực cuối cùng bám vào cây cối bên đường nhưng không được”, chị Hoa nhớ lại giây phút mình bị chính người chồng đánh thuốc mê, những chi tiết vẫn còn nguyên vẹn như sự việc vừa mới xảy ra với mình ngày hôm qua. Chị nào ngờ chính nửa bát cơm cuối cùng tại gia đình nhà chồng đã đẩy chị đến những ngày tháng đắng cay tủi hờn và phá nát tuổi thanh xuân căng tràn nhựa sống của một cô gái trẻ mới tuổi mười tám đôi mươi.
Rồi ở bên xứ người, chị bị đem ra rao bán như một món hàng ở chợ, làm vợ người bằng tuổi bố mình.
Bị rao bán như một món hàng ở chợ
Sau đó, chị Hoa được các đối tượng đưa lên một chiếc xe khách, chạy suốt ngày đêm đến khu rừng thì dừng lại và đi qua một hàng rào thép gai. Biết mình bị bán sang xứ người, chị khóc ngất đi vì sợ hãi. “Sang đến bên kia hàng rào thép gai của biên giới Việt – Trung và đi bộ một gần một buổi đường rừng, tôi cùng 4 người phụ nữ khác bị đẩy xuống một cái hố rồi họ cho chúng tôi ăn cơm, nhưng mỗi người chỉ được ngồi một góc, không ai được nói chuyện với ai.
Ăn xong có một chiếc xe đến chở chúng tôi đi suốt một ngày đêm”, chị Hoa kể lại những giây phút đầu tiên nơi đất khách quê người. Sau khi chiếc xe dừng lại, 5 người phụ nữ này được đưa đến một khu chợ đông đúc. Tại đây, họ trở thành những “món hàng” hấp dẫn, tất cả những người đàn ông đều vây quanh mặc cả, trả giá trên thân xác họ.
Bốn người phụ nữ kia đều được bán cho những thương nhân buôn muối, còn chị Hoa được một người đàn ông bị gù lưng, chân tay lèo khèo hỏi mua với giá cao và được kẻ bán đồng ý ngay lập tức. Tuy nhiên, chị Hoa kiên quyết không theo người đàn ông này dù bị những kẻ buôn người đánh đập tàn nhẫn. Sau đó, chị bị bán cho một người đàn ông đã ngoài 50 tuổi để làm vợ.
“Sau hơn 2 tháng làm vợ, cuộc sống của tôi rất khổ cực, công việc làm không xuể, gia đình chồng lại quá nghèo. Họ quản lý tôi rất chặt chẽ, hễ tôi làm gì sai là bị chửi, thậm chí bị chồng đánh đập tàn nhẫn. Gia đình ấy giám sát tôi từ đi lại, ăn uống thậm chí đi vệ sinh người ta cũng theo dõi.
Trong một tháng đầu tiên, tôi như một tù nhân bị giam lỏng, mãi sau hơn 1 tháng sau họ mới tin tưởng cho tôi đi chợ, làm việc một mình và nới lỏng việc giám sát”, chị Hoa nhớ lại khoảng thời gian “làm vợ” người chồng đầu tiên.
Cuộc đào tẩu có một không hai
Chớp lấy cơ hội được tin tưởng giao cho đi chợ mua đồ ăn, chị Hoa tự mình học hỏi ngôn ngữ nước bạn, rồi chị bớt xén trong số tiền đi chợ của nhà chồng. Mỗi ngày dăm hào, tích góp dần sau gần 3 tháng chị đã giấu được một khoản tiền đủ để chạy trốn. Một hôm, được giao cho đi chợ từ sáng sớm, nhân lúc người nhà chồng không để ý, chị chạy một mạch băng qua nhiều ngọn đồi.
Chạy được gần một ngày trời, chị bị một người quen của “chồng” nhìn thấy và bắt lại. “Lúc đó tôi đã khóc rất nhiều và quỳ gối xin anh ta tha cho, ban đầu anh ta không đồng ý và nhất quyết đưa tôi về chịu phạt với gia đình nhà chồng cho bằng được. Tôi ôm chân anh ta khóc, mọi người xúm lại xem, chắc sợ bị mọi người phát hiện, nên anh ta không nói gì và bỏ đi.
Rồi tôi lại ráng sức chạy thục mạng theo con đường nằm sâu trong rừng và lúc mỏi chân chỉ dám dừng lại uống chút nước, ăn tạm tấm bánh lại lên đường vì sợ người nhà chồng đuổi theo bắt về”, chị Hoa rùng mình kể lại cuộc chạy trốn.
Lúc kiệt sức, chị may mắn gặp được người phụ nữ tốt bụng có tên là O Hì thương tình hỏi han chăm sóc. “Cô ấy đã cưu mang, cho ăn ở rồi xin việc cho tôi làm ở một tiệm hớt tóc. Lúc đó, tôi mới thấy mình được trở lại cuộc sống làm người. Thời gian sau, trong một lần đi chợ, tôi gặp được một người đàn ông Trung Quốc góa vợ tên là Chung Đồi Lâm (SN 1970) ở vùng miền núi tỉnh Quảng Châu (Trung Quốc).
Trước tình cảm chân thành của anh ấy, tôi đã đồng ý nên vợ nên chồng, dù lòng còn nhiều đắn đo sau bao nhiêu lần vấp ngã trong cuộc sống gia đình”, chị Hoa kể lại chuyện quá khứ, gương mặt buồn nhưng vẫn ánh lên niềm hy vọng.
Ngày về cứ ngỡ là giấc mơ
Từ ngày lấy người chồng mới, cuộc sống của chị Hoa đỡ khổ hơn trước, chị lần lượt sinh hạ 4 người con. Gia đình chồng cũng làm nông nghiệp, dù có vất vả nhưng anh em nhà chồng rất mực yêu thương người con dâu xứ lạ. Chị Hoa cũng hết mình chăm lo cho cuộc sống gia đình, làm tròn bổn phận của một người mẹ, người vợ, một người con dâu hiền lành đảm đang.
Đến nay, vợ chồng chị đã có với nhau, 2 bé trai sinh đôi giờ đã học đến lớp 8, cô con gái kế đang học lớp 6 và cô út học lớp 4. Dù được sống trong hạnh phúc êm đềm, giản dị ở nhà chồng, nhưng chị Hoa vẫn da diết nhớ về bố mẹ ở quê nhà.
Về phần gia đình bà Hạnh, những tưởng con gái mình theo chồng đi làm ăn xa, nên dù có một thời gian dài không tin tức nhưng người trong nhà vẫn không để ý. Mãi sau nhiều lần liên lạc với “con rể quý” không được, cả nhà mới tá hỏa đi tìm thì không nhận được bất kỳ thông tin nào về con gái mình.
“Sau khi con gái mất tích, tui đã bán hết trâu bò, gà, vịt và chạy vạy khắp nơi gom góp được một số tiền đi vào miền Nam, nhưng tìm mãi mà chẳng có chút thông tin về nó. Nhiều người nói với tui là con Hoa bị bán qua Trung Quốc làm vợ rồi, mà tui không tin”, bà Hạnh chia sẻ.
Trong thời gian sống ở nhà chồng, chị Hoa có quen biết với một người phụ nữ cùng cảnh ngộ tên là Điệp (quê ở Hải Dương) lấy chồng người Trung Quốc và vẫn thường về Việt Nam thăm gia đình 2 lần/năm. Thương chị Hoa, người phụ nữ này hứa khi về Việt Nam sẽ tìm cách liên lạc với gia đình sớm nhất có thể.
Từ những thông tin mù mờ chị Hoa cung cấp, người em trai chị Điệp là Hùng đã tìm được gia đình chị Hoa ở xã Đông Hiếu. Để xác minh chính xác thông tin, anh Hùng còn bắt xe từ Hải Dương về tận nhà và cho gia đình liên lạc với chị Hoa qua điện thoại. Được anh Hùng thông báo về tình hình của con gái, bà Hạnh khóc ngất. Bà nào ngờ con gái mình lại bị bán sang xứ người gần 20 năm nay, nghe giọng con bà mới biết rằng con mình còn sống.
Sau khi nghe con dâu trình bày nguyện vọng, gia đình nhà chồng chị ở Trung Quốc đồng ý cho chị về quê, nhưng chồng chị trực tiếp đưa chị về và các con phải ở lại Trung Quốc.
Ngày về, chị như chết lặng khi biết tin bố mình quá thương nhớ con mà đã qua đời vì bạo bệnh cách đây 2 tháng. Thương bố mẹ già bao nhiêu, chị càng căm phận người chồng cũ đã đánh thuốc mê bán mình sang xứ người gấp vạn lần. Chị quyết tâm vạch mặt tố cáo hành động đê hèn, vô nhân tính của hắn ra trước pháp luật.
Tuy nhiên, sau khi biết hoàn cảnh khó khăn của người chồng đểu giả đó - hiện đang phải chạy ăn từng bữa một nách nuôi ba con thơ nheo nhóc, chị lại mủi lòng không làm đơn tố cáo nữa. “Ông trời cũng đã bắt tội anh ấy rồi. Bây giờ mình mà làm đơn tố cáo nữa rồi anh ấy phải tù thì tội thì 3 đứa con còn bé nhỏ. Ông trời có mắt, gieo nhân nào ắt gặp quả ấy thôi”, chị Hoa bùi ngùi khi nói về người chồng cũ.
Sau 20 năm biệt tích, hai lần làm “vợ” hai người đàn ông nghèo vùng miền núi Trung Quốc, một ngày cuối năm 2013 vừa qua, chị Hoa đã về đến quê nhà đoàn tụ với gia đình. Cuộc hội ngộ của người mẹ, người chị sau 20 năm lưu lạc thấm đẫm nước mắt. Bà Hạnh giờ tóc đã bạc quá nửa đầu, mắt đã mờ và tai nghe không còn rõ nữa, nhưng từng cử chỉ, nét mặt của con gái thì bà không thể nào quên được.
“Giờ thì nó đã về bằng da bằng thịt chứ không phải là trong giấc mơ nữa. Cuộc đời này đúng là luôn có những điều diệu kỳ và tui thật may mắn khi nhận được điều diệu kỳ đó”, bà Hạnh rưng rưng nước mắt.
Ông Cao Đức Hướng -Trưởng Công an xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu cho biết: “Chúng tôi đã biết thông tin chị Hoa vừa tìm về được quê nhà sau gần 20 năm bị bán sang Trung Quốc. Hiện chúng tôi đang chờ đơn tố giác cụ thể của chị Hoa và gia đình để làm rõ hành vi của đối tượng Bình trên địa bàn xã. Tuy nhiên, sự việc xảy ra đã quá lâu, những người có thể làm chứng đã không còn cư trú ở địa phương và những chi tiết chị Hoa kể lại còn khá mơ hồ, nên chúng tôi chưa thể giải quyết. Đối tượng Bình hiện đang cư trú tại địa phương, chưa có biểu hiện nào vi phạm pháp luật và gia đình cũng nằm trong diện hộ nghèo. Thế nhưng, nếu xác minh đúng Bình đã lừa bán vợ sang Trung Quốc, chúng tôi sẽ lập tức triệu tập để điều tra làm rõ và nếu quá thẩm quyền thì sẽ chuyển cơ quan cấp trên”.