Xe tăng T-72 của Nga sau khi "cải lão hoàn đồng" mạnh thế nào?

Google News

Phiên bản T-72B3 của dòng xe tăng T-72 với tuổi đời lên đến 45 năm vẫn có sức mạnh gần tương đương với dòng xe tăng hiện đại T-90, trong khi đó giá thành cho chúng lại chỉ rẻ bằng một nữa.

Hệ thống điều khiển hỏa lực kỹ thuật số, giáp phản ứng nổ Relikt và động cơ diesel tăng áp được trang bị cho hơn hàng chục xe tăng T-72B3, phiên bản T-72 được Tập đoàn Nghiên cứu và Sản xuất Uralvagonzavod hiện đại hóa. Những chiếc xe tăng T-72B3 này được quân đội Nga đưa vào biên chế bên cạnh những mẫu xe tăng hiện đại.

 Xe tăng T-72B3 tại thao trường Kadamovsky, vùng Rostov, Nga. (Ảnh: RIA Novosti)
Việc hiện đại hóa này không đơn giản là sửa chữa và thay thế một số thành phần trên xe tăng T-72, mà là trang bị lại hoàn toàn các thành phần bên trong xe tăng này với các hệ thống thế hệ mới. Nhờ giải pháp “cải lão hoàn đồng” này, những chiếc xe tăng T-72 vốn được tin dùng từ 45 năm trở lại đây trở thành khí tài hoàn toàn mới với khả năng di chuyển nhanh hơn và bắn chính xác hơn.
Ban đầu, phiên bản B3 của dòng xe tăng T-72 được Bộ Quốc phòng Nga đề xuất với tư cách là giải pháp tân trang nhanh chóng và rẻ tiền cho hàng ngàn xe tăng T-72 có trong biên chế quân đội Nga. Tuy nhiên sau khi được Uralvagonzavod hiện đại hóa, những chiếc T-72B3 có khả năng gần tương đương với xe tăng T-90S – mặc dù chính đại diện của Uralvagonzavod nói rằng không thể so sánh vì T-72 và T-90 là 2 thế hệ xe tăng hoàn toàn khác biệt.
Ưu điểm chính của T-72 là độ tin cậy đặc biệt, thậm chí ngay cả trong những điều kiện hoạt động cực kỳ khắc nghiệt, trong môi trường nhiệt độ cao, băng giá, bụi bặm hay độ ẩm cao. Do đó, các chuyên gia của Uralvagonzavod quyết định không thực hiện quá nhiều thay đổi trong quá trình hiện đại hóa T-72 về phương diện thiết kế cơ bản.
Phiên bản T-72B3 được trang bị hệ thống bảo vệ hoàn toàn mới giúp tăng khả năng sống sót và hiệu quả hoạt động của xe tăng này trong điều kiện thực chiến khi phải đương đầu với hàng loạt loại vũ khí chống tăng khác nhau. Lớp giáp phản ứng nổ Relikt biến T-72B3 thành pháo đài di động có khả năng chống lại các loại tên lửa chống tăng – đặc biệt là tên lửa chống tăng xuyên phá.
“Nhờ giáp phản ứng nổ Relikt, khả năng bảo vệ của T-72B3 đối với các loại đầu đạn xuyên giáp và đầu đạn thanh xuyên tăng lên đáng kể. Thế hệ giáp phản ứng nổ cũ được thế kế chủ yếu để đối phó với đầu đạn nổ lõm nhưng không đủ hiệu quả đối phó với đạn xuyên động năng. Đối với đội hình xe tăng của NATO, trọng tâm chính trong tác chiến chống thiết giáp hạng nặng được xây dựng trên cơ sở các loại đạn xuyên động năng”, đại tá Viktor Murakhovsky giải thích.
 Xe tăng T-72B3 tham gia tập trận Zapad 2017 tại thao trường ở vùng Minsk. (Ảnh: RIA Novosti
Chuyên gia này nhấn mạnh rằng T-72B3 có thể được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động giống phiên bản xuất khẩu Arena-E, tuy nhiên hệ thống này sẽ làm tăng giá thành sản xuất T-72B3 và do đó Bộ Quốc phòng Nga quyết định không đặt hàng xe tăng T-72B3 được trang bị hệ thống này.
Hỏa lực của T-72B3 được nâng lên đáng kể nhờ việc trang bị pháo nòng trơn 125 mm mới với khả năng bắn các loại đạn xuyên giáp Svinets và Svinets-1. Một trong những thành phần quan trọng được trang bị cho T-72B3 nhằm nâng cao hỏa lực của xe tăng này là hệ thống điều khiển hỏa lực.
“Hệ thống quan sát mọi thời tiết Sosna-U được trang bị cho phép điều hướng ngày và đêm ở khoảng cách nhất định”, chuyên gia Murakhovsky giải thích. Ngoài ra, T-72B3 còn được trang bị hệ thống tính toán đạn đạo điện tử, các cảm biến phục vụ theo dõi điều kiện khai hỏa và hệ thống theo dõi mục tiêu tự động.
Hệ thống tính toán tự động là máy vi tính cỡ nhỏ làm nhiệm vụ tính toán quỹ đạo của đạn pháo hoặc tên lửa, kết hợp thông tin về tốc độ di chuyển của mục tiêu và của xe tăng cũng như yếu tố nhiệt độ và nhiều yếu tố khác. Với sự trợ giúp của trợ lý điện tử, pháo thủ mất ít thời gian lấy phần từ bắn hơn nhiều so với trước.
Các chuyên gia của Uralvagonzavod thay thế động cơ cũ B-46 780 mã lực bằng động cơ V-92S2F 1130 mã lực, đây là loại động cơ được trang bị trên xe tăng T-90. Động cơ diesel tăng áp này được thiết kế để giảm thiểu việc ống xả động cơ đốt nóng thân xe tăng. Nhờ thay đổi đáng kể này,xe tăng T-72B3 có tốc độ và độ cơ động cao hơn nhiều so với T-72 đời đầu.
“Xe tăng thường không đối đầu với xe tăng, các đơn vị chống tăng đảm nhận nhiệm vụ này, nhiệm vụ của xe tăng là phá vỡ phòng tuyến của địch với sự hỗ trợ của bộ binh, pháo binh và sự bảo vệ của các hệ thống phòng không”, nhờ vào điều này xe tăng có thể tấn công vào bên sườn và tập hậu, phá hủy sở chỉ huy, sân bay, trung tâm liên lạc của đối phương, chuyên gia Murakhovsky giải thích.
 Xe tăng T-72B3 tại thao trường Alabino. (Ảnh: RIA Novosti)
Để đảm bảo cho động cơ diesel của T-72B3 không bị quá nhiệt và không bị tích bụi, các chuyên gia thiết kế hệ thống làm mát và làm sạch luồng khí đi vào động cơ đặc biệt. Nhờ đó, T-72B3 có thể hoạt động ở những vùng sa mạc có nhiệt độ hơn 50°C và giữa những cơn báo cát.
Khác biệt quan trọng giữa T-72B3 và T-71 đời đầu là hộp số của xe tăng – T-72B3 được trang bị hộp số tương tự như T-90MS. Ngoài ra trên xe có hệ thống điều khiển tự động cho lái xe với màn hình kỹ thuật số và camera phía sau, màn hình này hiển thị thông báo về bất cứ hư hại nào trên thân xe tăng.
Tư lệnh Lục quân Nga, Thượng tướng Oleg Salyukov tuyên bố toàn bộ các đơn vị quân đội Nga sẽ được trang bị các loại xe tăng hiện đại như T-72B3, T-80U và T-90A. Tới năm 2020, những loại xe tăng này sẽ chiếm tỷ lệ 71% trong số các loại xe tăng hiện đại của Nga. Theo số liệu năm 2016, quân đội Nga có hơn 2.700 xe tăng trong biên chế và hơn 10.000 xe tăng được niêm cất.
Theo Nguyễn Tiến/VTC News

>> xem thêm

Bình luận(0)