Tiêm kích Su-35 là tiêm kích đa năng thế hệ 4++ với “ruột” có sử dụng những công nghệ dành cho tiêm kích thế hệ 5 Т-50 nằm trong “vỏ” của Su-27, tiêm kích thế hệ 4 xuất sắc nhất thế giới. Tờ Stern (Đức) đã gọi Su-35 là tiêm kích nguy hiểm nhất thế giới.
Su-35 là sự dung hòa giữa quá khứ và tương lai của công nghiệp hàng không Nga. Cách tiếp cận này đã cho phép đạt được mục tiêu chính - có tất cả các phẩm chất của tiêm kích thế hệ 5 ngoại trừ khả năng tàng hình trước radar, Su-35 giữ được giá ở mức tiêm kích thế hệ 4. Tất cả những điều đó hứa hẹn thành công thương mại lớn cho dự án mà bằng chứng cho điều đó là hợp động bán 24 chiếc trị giá gần 2 tỷ USD cho Trung Quốc.
Nhưng vấn đề không chỉ ở hiệu ứng kinh tế và tiềm năng xuất khẩu của máy bay mới. Tờ Stern (Đức) đã gọi Su-35 là tiêm kích nguy hiểm nhất thế giới. Nếu đó là sự phóng đại thì không phải là quá nhiều. Xét về khả năng chiến đấu, Su-35 có ít đối thủ trên thế giới, mà đúng hơn là chỉ có tiêm kích giành ưu thế trên không F-22 Raptor của Mỹ vốn đắt hơn nhiều. Tuy nhiên, việc so sánh Su-35 với F-22 cũng không quá là khập khiễng. Ta hãy tìm hiểu những mặt mạnh của Su-35.
1. Phân biệt Su-35
Chỉ có thể phân biệt Su-35 với mẫu cơ sở của nó là Su-27 khi ở trên mặt đất. Su-35 không có tấm phanh mở lên sau buồng lái và có diện tích các cánh đứng đuôi nhỏ hơn một chút, nhưng bằng mắt thường thì không thể phát hiện được. Nhưng điều dễ thấy là càng trước Su-35 lắp 2 bánh, còn ở Su-27 chỉ có 1 bánh. Sự khác biệt nhỏ này nói lên rằng, Su-35 có trọng lượng cất cánh tối đa lớn hơn - 38.800 kg so với 33.000 kg ở Su-27. Cấu trúc được gia cường cho phép tăng tuổi thọ của khung thân lên đến 6.000 giờ và điều quan trọng nhất là mang được tải trọng lớn hơn.
|
Chiến đấu cơ Su-35. |
2. Nhiều ưu điểm
Các thùng nhiên liệu của Su-35 có thể chứa nhiều hơn 20% so với Su-27: 11.500 kg so với 9.400 kg. Tuy nhiên, Su-35 vẫn có thể mang 8.000 kg vũ khí như thế.
Trọng lượng vũ khí này còn lớn hơn tải trọng bom của một máy bay ném bom hạng nặng thời Thế chiến II. Ví dụ, tải trọng chiến đấu tối đa của pháo đài bay B-17 là 7.900 kg, nhưng trong thực tế, nó hiếm khi mang quá 2.300 kg bom.
Hơn nữa Su-35 có thể mang không chỉ các tên lửa không đối không, mà cả rất nhiều loại vũ khí tấn công mục tiêu mặt đất, mặt biển, từ bom thông minh cho đến tên lửa hành trình chống hạm siêu âm Yakhont.
3. Động cơ mạnh mẽ
Nhờ có 2 động cơ cải tiến AL-41F1S mà Su-35 tuy nặng hơn nhưng không mất đi sức cơ động và tốc độ. Các công nghệ được phát triển cho động cơ tiêm kích thế hệ 5 đã cho phép tăng lực đẩy tối đa của động cơ lên 16% - đến 14.500 kgf so với 12.500 kgf ở AL-31F của Su-27, còn tuổi thọ thì tăng lên 4 lần - đến 4.000 giờ so với 1.000 giờ.
Nhờ các động cơ này, mức trang bị sức kéo (tỷ lệ lực đẩy/trọng lượng cất cánh thông thường của máy bay) của Su-35 đã tăng đến 1,1. Trong khi đó, chỉ số này ở tiêm kích thế hệ 5 tối tân F-35 của Mỹ là không quá 0,81, còn ở F-22 là bằng 1,09.
Xét về tốc độ tối đa (2.500 km/h), Su-35 vượt trội so với bất kỳ máy bay chiến đấu nào của phương Tây. Về chỉ số này, Su-35 chỉ thua kém tiêm kích “đồng hương” MiG-31. Ngoài ra, động cơ mới còn cho phép Su-35 bay hành trình ở tốc độ siêu âm mà không phải bật chế độ tăng lực, đây chính là một trong những phẩm chất trọng yếu nhất của tiêm kích thế hệ 5.
Một điểm cộng lớn nữa là các động cơ của Su-35 được trang bị hệ thống điều khiển vector lực đẩy. Cho đến nay, các động cơ kiểu này chỉ được lắp cho 4 loại máy bay trên thế giới là MiG-35, Su-30, F-22 và F-35.
4. Điều quan trọng nhất
Nhưng tất cả những chi tiết này, với tất cả những hiệu quả của chúng, vẫn chỉ có ý nghĩa thứ yếu. Khác biệt chủ yếu là ở chỗ Su-27 chỉ là một tiêm kích, còn Su-35 là một máy bay chiến đấu đa năng, có khả năng chiến đấu không chỉ với kẻ địch trên không mà còn tiêu diệt các mục tiêu dưới mặt đất.
Dĩ nhiên là trong họ Su-27 cũng đã có biến thể đa năng như thế là Su-30. Nhưng tổ lái của Su-30 gồm 2 người vì cho đến gần đây, một phi công không thể đồng thời lái máy bay và điều khiển vũ khí chính xác cao. Hệ thống điều khiển của Su-35 cho phép làm việc này. Mà một buồng lái một chỗ ngồi thay cho buồng lái hai chỗ ngồi chính là sự tiết kiệm 1,5 tấn.
5. Tự động hóa cao độ
Sở dĩ giảm được tố lái Su-35 xuống còn 1 người so với Su-30 là nhờ trình độ tự động hóa cực cao của Su-35. Phi công Su-35 trên thực tế không điều khiển máy bay mà là bằng các cơ cấu điều khiển trong buồng lái để thông tin các ý định của mình cho hệ thống điều khiển để nó tự quyết định cách thực hiện tối ưu mệnh lệnh của phi công bằng cách dịch chuyển các tấm lái khí động và các loa phụt xoay của các động cơ. Về nguyên tắc, hệ thống điều khiển số tổ hợp của Su-35 cho phép điều khiển máy bay hoàn toàn không có sự tham gia của phi công. Phi công chỉ việc chọn chế độ và đưa ra quyết định sử dụng vũ khí. Tất cả những gì còn lại hệ thống điều khiển sẽ tự làm: lái máy bay theo đường bay đã định, quyết định sử dụng thao tác cơ động nào trong chiến đấu...
6. Không rời mắt, rời tay
Nguyên lý HOTAS (Hands On Throttle-And-Stick - hai tay phi công luôn đặt trên cần điều khiển ga và cần lái) cũng giúp giảm nhẹ công việc của phi công: Đó là khả năng điều khiển tất cả các hệ thống mà không phải rời tay khỏi các cơ cấu điều hiển. Cần lái và cần điều khiển động cơ của Su-35 đang lắp rất nhiều nút bấm, lẫy, công tắc đa vị trí.
Việc thu nhận thông tin được đơn giản hóa nhờ nguyên lý “buồng lái kính” khi mà mọi tham số cần thiết đều được hiển thị lên 2 màn hình lớn 15 inch có độ phân giải 1400×1050 pixel. Trên Su-35 hoàn toàn không có các cơ cấu hiển thị bằng kim. Ngay cả các thiết bị dự phòng cũng là kỹ thuật số và được bố trí trên một màn hình riêng với nguồn điện độc lập. Còn những thông tin quan trọng nhất thì được hiển thị lên màn hình trong suốt trên kính buồng lái.
7. Mắt thần
Nếu tiếp tục nói về thiết bị điện tử thì một trong những yếu tố mới hiệu quả nhất của Su-35 là radar anten mạng pha Irbis-E. Đây là radar mạnh nhất thế giới dành cho tiêm kích. Công suất đỉnh của nó đạt 20.000 W (ở F-22 là gần 16.500 W). Radar này có thể phát hiện kẻ địch thế hệ 4 ở cự ly chưa từng có là 400 km. Còn tiêm kích tành hình thế hệ 5 với bề mặt tán xạ hiệu dụng 0,01 m2 nó nhìn thấy ở cự ly 90 km. Radar cho phép bám đồng thời 30 mục tiêu bay và bắn 8 mục tiêu trong số đó.
8. Ai thắng ai?
Việc so sánh hậu quả đụng độ giữa các máy bay luôn mang tính ước đoán, nhưng không ai cản được người ta bàn luận về chuyện này. So với các tiêm kích thế hệ 4+ như Rafale của Pháp hay các biến thể mới nhất của các tiêm kích F-15, F-16 và F/A-18 của Mỹ thì ưu thế của Su-35 về đa số các thông tin lý lịch là không thể tranh cãi. Bởi vậy, các chuyên gia phương Tây trước hết so sánh khả năng của Su-35 với F-35, tiêm kích thế hệ 5 tối tân do Mỹ phát triển làm phương án rẻ tiền thay cho F-22.
Các chuyên gia nhận xét rằng, về tầm bay, Su-35 vượt trội F-35 hơn 1.000 km (3.600 so với 2.520 km). Su-35 có thể mang 12 tên lửa không chiến so với 10 ở F-35. Tốc độ tối đa của Su-35 cũng cao hơn 1,5 lần (2.500 so với 1700 km/h), mà điều đó có nghĩa là F-35 trong những bối cảnh không thuận lợi có thể không tránh khỏi giao chiến với Su-35, còn Su-35 thì có thể thoát khỏi giao tranh bất cứ lúc nào. Cuối cùng là hiện không loại máy bay nào có thể sánh với Su-35 về khả năng cơ động. Dĩ nhiên là F-35 có một con át chủ bài là công nghệ tàng hình, nhưng radar mạnh mẽ của Su-35 hoàn toàn có thể vô hiệu hóa ưu thế này.
Ngoài ra, chân lý còn nằm ở chỗ kết cục của một trận không chiến hiện đại phụ thuộc vào kỹ năng tổ chức trận không chiến hơn là các tính năng kỹ-chiến thuật của máy bay mà ưu thế áp đảo về kỹ năng đó của quân đội các nước phương Tây là không thể tranh cải.
Nhưng một số chuyên gia vẫn kết luận rằng, trong các điều kiện ngang bằng khác, sự xuất hiện của Su-35 có thể biến F-35 tối tân thành thứ vũ khí chỉ dùng được để đối phó với không quân các nước thế giới thứ ba. Dĩ nhiên là nếu như các nước đó không mua Su-35. Giá cả cũng là một yếu tố không kém phần quan trọng: đơn giá Su-35 ước chỉ 45 triệu USD, còn giá của F-35 là gần 122 triệu USD.
9. Lại nói về khả năng siêu cơ động
Siêu cơ động là lợi khí lừng danh của các tiêm kích họ Su-27. Tại lần ra mắt Su-27 ở phương Tây, tại triển lãm Le Bourget năm 1989, phi công thử nghiệm Viktor Pugachev đã làm công chúng và các chuyên gia sững sờ bằng thao tác bay “Rắn hổ mang Pugachev”. Su-35 tại Le Bourget 2013 lại mang đến sự chấn động mới. Thao tác bay cao cấp này được giới phóng viên gọi là “bánh kếp” (Pancake): máy bay xoay vòng 360 độ trong mặt phẳng ngang mà không hề mất độ cao và tốc độ. Một chuyên gia nước ngoài còn tuyên bố rằng, chỉ có vật thể bay lạ (UFO) mới có thể bay như thế.
Dù sao thì trong giới chuyên gia vẫn chưa ngừng tranh cãi về việc có cần đến tính năng siêu cơ động không nếu như những ưu thế của nó chỉ thể hiện trong không chiến tầm gần. Phi công thử nghiệm Sergei Bogdan, người đã lần đầu tiên đưa Su-35 lên bầu trời vào ngày 19/2/2008, đã so sánh khả năng siêu cơ động với vũ khí lạnh của lính đặc nhiệm: người lính mang theo mình khẩu súng trường tiến công, súng ngắn, lựu đạn, nhưng quên cầm theo một con dao bởi vì trong quá trình thực hiện nhiệm vụ luôn luôn có thể phát sinh tình huống khi con dao cứu mạng người lính. Cả về tầm hoạt động của radar, lẫn tầm bắn của các tên lửa tầm xa và tầm trung của mình, Su-35 đều không thua kém bất kỳ loại tiêm kích nào trên thế giới. Còn nếu lâm vào tình huống cận chiến “giáp lá cà” thì địch thủ của Su-35 sẽ có ít cơ hội toàn mạng.