Gần 3 năm sau cuộc can thiệp quân sự vào nội chiến ở Yemen do Saudi Arabia dẫn đầu, phiến quân Houthi vẫn nắm giữ thành phố lớn nhất Yemen là thủ đô Sanaa. Ngoài ra, phiến quân Houthi đã chứng minh khả năng thực hiện các cuộc tấn công quy mô lớn vào liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu. Lực lượng bán vũ trang này của Yemen đã thực hiện nhiều cuộc đột kích sang biên giới Saudi Arabia, đánh chìm tàu chiến của UAE và Saudi Arabia, phóng tên lửa đạn đạo vào trung tâm thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.
Liên tiếp bắn rơi chiến đấu cơ hiện đại
Ngày 8/1, một đoạn clip đăng trên Youtube ghi lại cảnh tiêm kích F-15 bị bắn hạ bởi tên lửa đất đối không trên bầu trời thành phố Sanaa, khu vực mà phiến quân Houthi đang nắm giữ. Phiến quân Houthi nói rằng tiêm kích bị bắn hạ trong clip là chiến đấu cơ F-15 của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia.
Đoạn video được ghi lại thông qua hệ thống tìm kiếm và theo dõi mục tiêu hồng ngoại FLIR. Chiến đấu cơ trong clip có hình dạng khí động học khá giống F-15. Tuy nhiên, cảnh quay bằng camera hồng ngoại nên không đủ chi tiết để phân biệt phiên bản nào của F-15.
|
Một tiêm kích F-15 của Saudi Arabia có thể đã bị bắn hạ. Ảnh: Ncusar. |
Phi công điều khiển F-15 đã bắn 2 đạn mồi bẫy hồng ngoại nhưng không đánh lừa được tên lửa. Nó lao đến và phát nổ dưới bụng máy bay. Chiếc F-15 vẫn tiếp tục bay nhưng có quỹ đạo đi xuống. Đoạn clip không cho thấy chiếc F-15 có rơi xuống đất hay không. Tuy nhiên, rất hiếm khi máy bay có thể hạ cánh an toàn sau khi trúng tên lửa.
Ngoài ra, cảnh quay cho thấy phi công có thể đã phạm sai lầm khi không cơ động đổi hướng sau khi phóng đạn mồi bẫy để tránh đường bay của tên lửa. Phóng đạn mồi bẫy và đổi hướng đột ngột là động tác mà các phi công phải tập luyện thường xuyên trong các bài huấn luyện không chiến.
Nếu tuyên bố bắn rơi F-15 của phiến quân Houthi được xác nhận. Đây có thể là một trong những lần hiếm hoi F-15 bị bắn hạ trong thực chiến. Lần gần đây nhất dòng chiến đấu cơ này bị bắn rơi là 2 chiếc F-15 của Không quân Mỹ tại Chiến tranh Vùng Vịnh lần thứ nhất.
Mời độc giả xem video: Khoảnh khắc chiến đấu cơ F-15 Saudi Arabia bị tên lửa phòng không phiến quân Houthi bắn hạ. (Nguồn Conflict Inspector)
Trước đó, ngày 7/1, Al-Massirah, kênh tin tức về Yemen cho biết phiến quân Houthi đã bắn rơi chiến đấu cơ Tornado trên thành phố Sanaa của Yemen. Nguồn tin quân sự Yemen cho biết cường kích Panavia Tornado đang tiến hành ném bom vào một khu dân cư ở Sanaa thì bị tên lửa đất đối không bắn hạ.
Trong khi đó, kênh truyền hình Al-Aribayah của Saudi Arabia nói rằng chiến đấu cơ Tornado bị rơi do lỗi kỹ thuật và cả 2 phi công đều nhảy dù ra ngoài an toàn. Quân đội Saudi Arabia không đưa ra bình luận về vụ việc.
Vũ khí đất đối không mà phiến quân Houthi sử dụng để bắn rơi 2 chiến đấu cơ của Không quân Hoàng gia Saudi Arabia chưa được xác nhân. Tuy nhiên, một số nguồn tin nói rằng phiến quân có thể đã sử dụng tên lửa không đối không R-27, phiên bản AA-10 Alamo B để phóng từ mặt đất. Tên lửa này có tầm bắn khoảng 63 km và có thể đạt độ cao 10 km khi phóng từ mặt đất.
Việc phiến quân Houthi có thể cải tiến tên lửa không đối không để sử dụng cho mục đích phòng không cho thấy năng lực quân sự của lực lượng này không hề nhỏ. Năm 2015, phiến quân Houthi cũng đã tuyên bố sản xuất thành công tên lửa đạn đạo tầm ngắn Qaher-1. Tên lửa này được cải tiến từ tên lửa đất đối không S-75 do Liên Xô cũ sản xuất.
Dùng hàng Mỹ để đối phó máy bay Mỹ
Clip bắn hạ F-15 được ghi lại bằng hệ thống FLIR có thể là ULTRA 8500. Đây là hệ thống tìm kiếm và theo dõi mục tiêu hồng ngoại thường được gắn trên trực thăng. Hệ thống FLIR này là một phần trong gói thỏa thuận trị giá 27 triệu USD với Mỹ để cung cấp 4 trực thăng đa năng UH-1, cùng hệ thống liên quan.
|
Hệ thống FLIR được sử dụng để ghi lại cảnh bắn hạ F-15. Ảnh: Chụp màn hình Youtube. |
Bốn trực thăng này được sử dụng để tăng cường năng lực chống khủng bố cho quân đội chính phủ Yemen. Bên trái màn hình trong clip có dòng chữ “Yemen Air Force” (Không quân Yemen) màu xanh. Điều đó cho thấy rằng hệ thống FLIR này là của Không quân Yemen nhưng không hiểu vì sao lại rơi vào tay phiến quân.
Một hệ thống theo dõi mục tiêu hồng ngoại của Mỹ được sử dụng để ghi lại cảnh bắn hạ chiến đấu cơ do Mỹ sản xuất. Phiến quân Houthi đang muốn chứng minh rằng, họ có thể có trong tay mọi thứ để chống lại vũ khí Mỹ thậm chí dùng vũ khí Mỹ để chống lại vũ khí Mỹ.
Trước đó, phiến quân Houthi đã bắt giữ một tàu lặn không người lái (UUV) của Hải quân Mỹ ngoài khơi bờ biển Yemen. Thiết bị được xác nhận là Remus 600. Thân của nó có logo của nhà sản xuất Hydroid, công ty con của Tập đoàn Kongsberg, Na Uy.
Hạm đội 5, Hải quân Mỹ phụ trách khu vực Trung Đông không xác nhận UUV bị phiến quân chiếm giữ thuộc Hải quân Mỹ, hay cung cấp thông tin về hoạt động của UUV trong khu vực. Nó có giá khoảng 1 triệu USD với cấu hình nghiên cứu đại dương dân sự. Nếu nó được sử dụng cho nhiệm vụ trinh sát, thu thập thông tin tình báo, chi phí có thể cao hơn.
Việc phiến quân Houthi liên tiếp bắn rơi chiến đấu cơ hiện đại của Saudi Arabia, bắt tàu lặn không người lái của Mỹ cho thấy lực lượng này có tiềm lực rất mạnh. Lực lượng này có thể đã nhận được tài trợ về tài chính lẫn vũ khí hiện đại từ nước ngoài để chống lại quân đội chính phủ Yemen và liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.