Liên Hiệp Quốc trước đây có tiền thân là Hội Quốc Liên, ra đời dưới sáng kiến của Tổng thống thứ 28 của nước Mỹ - Woodrow Wilson từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất. Vào thời gian đầu khi Hội Quốc Liên ra đời, luật lệ của hội còn cực kỳ lỏng lẻo, các cường quốc tham gia vào hội chỉ để giành quyền ảnh hưởng cho riêng mình.
|
Phòng họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: UN. |
Tới khi Chiến tranh Thế giới thứ hai bùng nổ, Hội Quốc Liên giải tán và sau khi cuộc chiến đẫm máu nhất hành tinh này kết thúc, Liên Hiệp Quốc được các nước thuộc phe Đồng minh lập nên với mục đích tối quan trọng là gìn giữ hoà bình quốc tế, tránh một cuộc chiến tranh quy mô thế giới tiếp theo.
Theo cơ cấu tổ chức về mặt lý thuyết, Liên Hiệp Quốc bao gồm sáu cơ quan, các cơ quan đó gồm: Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an, Ban thư ký, Toà án Công lý Quốc tế, hội đồng Kinh tế và Xã hội cùng với nhóm các cơ quan chuyên môn.
Đại hội đồng
Đại hội đồng là cơ quan chủ chốt nhất của Liên Hiệp Quốc, bao gồm toàn bộ các quốc gia thành viên. Đại hội đồng họp thường niên mỗi năm một lần nhưng trong trường hợp khẩn cấp có thể được triệu tập bất cứ lúc nào. Đứng đầu cơ quan này là một chủ tịch, được bầu lên bởi các quốc gia thành viên dựa trên cơ sở luân phiên giữa các khu vực trên thế giới.
Cơ quan này biểu quyết bằng cách bỏ phiếu về các vấn đề quan trọng như đề xuất hoà bình và an ninh, tuyển chọn thành viên cho các cơ quan khấc, thu nhận, đình chỉ hoặc trục xuất thành viên. Mỗi dự quyết chỉ được thông qua nếu 2/3 số đại biểu có mặt bỏ phiếu thuận, tuy nhiên nhiều trường hợp đặc biệt không mang tính ảnh hưởng lớn tới hoạt động của cơ quan hoặc thế giới chỉ cần lấy quá bán.
Đại hội đồng có quyền đề xuất các sự việc trong khuôn khổ của Liên Hiệp Quốc, tuy nhiên các vấn đề liên quan tới hoà bình, an ninh trên thế giới lại thuộc thẩm quyền của Hội đồng Bảo an.
Hội đồng Bảo an
Có tên tiếng Anh là United Nations Security Council hay UNSC, Hội đồng Bảo an được coi là cơ quan quan trọng nhất trong Liên Hiệp Quốc, chịu trách nhiệm về việc duy trì hoà bình, trật tự của thế giới. Cơ quan này có quyền phủ quyết Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc.
|
Lịch sử hình thành của các quốc gia đang nắm ghế thường trực tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: Reddit. |
Trong Hội đồng Bảo an hiện tại có năm thành viên thường trực và các nước thành viên không thường trực luân phiên đảm nhiệm chia theo từng khu vực trên thế giới.
Ban đầu, Hội đồng Bảo an chỉ có 6 thành viên luân phiên nhưng sau đó mở rộng lên 10 thành viên chia cho các khu vực trên thế giới với châu Phi, châu Á, châu Mỹ và Tây Âu mỗi khu vực 2 ghế, Đông Âu 1 ghế và ghế còn lại luân phiên giữa châu Á và châu Phi.
Các nước thành viên luân phiên chia thành 2 nhóm với hai nhiệm kỳ xen kẽ nhau, nghĩa là mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 thành viên mới.
Các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an không thay đổi mà cố định với năm cường quốc tới từ năm khu vực trên thế giới bao gồm Anh, Pháp đại diện cho Tây Âu, Mỹ đại diện cho châu Mỹ, Trung Quốc đại diện cho châu Á và Nga đại diện cho Đông Âu.
Năm quốc gia này nắm quyền lực cao nhất trong Liên Hiệp Quốc, mọi nghị quyết của Hội đồng Bảo an sẽ chỉ được thông qua trong trường hợp cả năm nước thành viên này bỏ phiếu thuận. Cả năm quốc gia trong Hội đồng Bảo an đều có quyền phủ quyết, có nghĩa là bất cứ nghị quyết nào được đưa ra để bỏ phiếu đều có thể bị phủ quyết nếu một quốc gia trong bộ năm quyền lực này bỏ phiếu chống.
|
Nhiều quốc gia đang muốn gây áp lực để Liên Hiệp Quốc mở rộng số lượng ghế thành viên thường trực. Ảnh: UN. |
Trong số năm ghế thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hiệp Quốc, non trẻ nhất là Trung Quốc, mới chỉ được ngồi ghế “nóng” từ năm 1971 tới nay. Trước đó, ghế này thuộc về Trung Hoa Dân Quốc hay Đài Loan hiện nay.
Kể từ khi thành lập tới nay, Trung Quốc (bao gồm cả Trung Hoa Dân Quốc) đã 5 lần sử dụng quyền phủ quyết của mình; Pháp 18 lần; Liên Xô/Nga 122 lần; Anh 32 lần và Mỹ 80 lần. Phần lớn các phiếu phủ quyết của Liên Xô được nước này đưa ra trong 10 năm đầu tiên hoạt động của tổ chức này – thời điểm chuẩn bị cho cuộc chiến tranh lạnh.
Kể từ năm 1984 tới nay, Trung Quốc đã 2 lần phủ quyết, Pháp 3 lần, Nga 4 lần, Anh 10 lần và Mỹ là 42 lần.
Hội đồng Bảo an và “quyền lực thượng thừa”
Theo Hiến chương của Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an “có thể điều tra bất cứ vụ tranh chấp nào hoặc bất cứ tình huống nào có thể dẫn đến sự xung đột quốc tế hoặc khơi mào một cuộc tranh chấp. Hội đồng cũng có quyền đề xuất những thủ thục hoặc phương pháp “điều chỉnh” nếu xét thấy tình huống có thể gây hại cho hoà bình và an ninh quốc tế.
|
Cơ cấu số ghế của các thành viên Không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ảnh: UN. |
Chương bảy Hiến chương Liên Hiệp Quốc nêu rõ, Hội đồng Bảo an có quyền lựa chọn biện pháp cần thiết trong những tình huống “đe doạ hoà bình, xâm phạm hoà bình hoặc tiến hành xâm lấn”. Trong những tình huống nêu trên, Hội đồng không bị giới hạn trong việc đưa ra đề xuất để hành động, bao gồm cả việc sử dụng lực lượng vũ trang để “duy trì hoặc phục hồi hoà bình và an ninh quốc tế”.
Trong quá khứ, Hội đồng Bảo an đã quyết định can thiệp quân sự vào Triều Tiên năm 1950, sử dụng lực lượng liên minh tại Iraq và Kuwait năm 1991.
Việt Nam đã từng là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trong nhiệm kỳ từ năm 2008 tới 2009. 10 năm kể từ lần thử sức đầu tiên, Việt Nam lại một lần nữa đứng trước cơ hội trở thành thành viên của cơ quan quyền lực nhất Liên Hiệp Quốc này trong nhiệm kỳ 2020 – 2021. Dự kiến vào tối nay ngày 7/6 (theo giờ Việt Nam, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc sẽ tổ chức bầu 5 uỷ viên không thường trực mới của Hội đồng Bảo an tại trụ sở ở thành phố New York, Mỹ. Việt Nam là ứng cử viên duy nhất cho khu vực Châu Á – Thái Bình Dương tham gia tranh cử lần này.
Mời độc giả xem Video: Quốc gia thành viên Bolivia "bóc phốt" không thương tiếc lời nói dối lịch sử của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc trong quá khứ.