Ukraine đang bên miệng hố chiến tranh tổng lực với Nga?

Google News

Ngày 28/11, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bất ngờ tuyên bố nước này đang bên bờ một cuộc chiến tranh tổng lực với Nga sau khi xảy ra vụ đụng độ trên Eo biển Kerch.
 

Phát biểu trong chương trình phỏng vấn của truyền hình Ukraine sáng cùng ngày, Tổng thống Poroshenko nhấn mạnh: “Tôi không muốn ai đó nghĩ rằng đây là chuyện vặt. Đất nước đang đứng trước nguy cơ một cuộc chiến tranh tổng lực với Liên bang Nga”.
Nhà lãnh đạo Ukraine đã cho các phóng viên xem những bức ảnh được cho là một căn cứ quân sự Nga nằm cách biên giới Ukraine chỉ 18km. Các bức ảnh được chụp từ ngày 17-24/10/2018. Ông Poroshenko nêu rõ: “Các bạn thấy đó, số lượng xe tăng được Nga triển khai tại các căn cứ nằm dọc biên giới Ukraine đã tăng gấp 3 lần. Vì sao số phương tiện này được tái bố trí tới đây, trên toàn tuyến biên giới với Ukraine. Lý do tập trận không thể biện minh cho sự tăng cường này”.
Ukraine dang ben mieng ho chien tranh tong luc voi Nga?
Lực lượng tank T-84 chủ lực của quân đội Ukraine. Ảnh: Defence Blog 
Tổng thống Poroshenko cho biết thêm sau khi xảy ra vụ đụng độ giữa tàu hải quân hai nước tại Eo biển Kerch, “chúng tôi có nhiệm vụ cung cấp cho Lực lượng Vũ trang Ukraine năng lực kháng cự trong trường hợp xảy ra một hành động xâm lược qui mô lớn trên bộ”. Tuy nhiên, ông Poroshenko thừa nhận các xe tăng của Nga đã án binh bất động và không ra khỏi căn cứ khi xảy ra vụ việc tại Eo biển Kerch.
Trước đó, truyền thông Nga đưa tin hai tàu pháo Berdyansk, Nikopol và tàu kéo Yany Kapu của Hải quân Ukraine ngày 25/11 đã xâm phạm lãnh hải Nga, vi phạm Công ước Liên hợp quốc về luật biển khi đi từ Biển Đen qua Eo biển Kerch để đến Biển Azov.
Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cho biết phía Nga đã liên tục đề nghị tàu Ukraine rời lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Nga. Tuy nhiên, các tàu Hải quân Urkaine đã phớt lờ cảnh cáo này và tàu chiến Nga đã nổ súng cảnh báo, rồi sau đó nổ súng vào các tàu Ukraine để ngăn chặn. Hải quân Nga đã bắt giữ các tàu và thủy thủ đoàn Ukraine.
FSB khẳng định các tàu hải quân Ukraine đã được đưa vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu, pháo được trưng ra, nòng pháo được hướng lên góc 45 độ và chĩa thẳng vào các tàu của Liên bang Nga, vi phạm điều 19 Công ước Liên hợp quốc về Luật biển. FSB khẳng định phía Nga đã thông báo với các tàu hải quân Ukraine rằng việc đe dọa sử dụng vũ khí trong vùng biển của Nga sẽ bị coi là hành động vi phạm luật quốc tế và luật pháp Liên bang Nga.
Ukraine dang ben mieng ho chien tranh tong luc voi Nga?-Hinh-2
 Tổng thống Ukraine Petro Poroshenk. Ảnh: Tass
Trong bối cảnh căng thẳng song phương leo thang, hãng thông tấn Interfax dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga ngày 28/11 cho biết các hệ thống phòng không tối tân S-400 sẽ đi vào hoạt động từ cuối năm nay tại Crimea.
Về phần mình, Tổng thống Poroshenko khẳng định các tàu nước này đã thông báo trước cho nhà chức trách Nga và không làm gì sai phạm. Ông cáo buộc Nga đã nâng cuộc xung đột với Kiev lên một cấp độ mới. Phát biểu trên sóng truyền hình, Tổng thống Poroshenko nêu rõ: "Sau khi tấn công các tàu quân đội Ukraine, (Nga) đã tiến vào một giai đoạn gây hấn mới".
Ngày 26/11, Quốc hội Ukraine đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Tổng thống Poroshenko thiết quân luật trong thời gian 30 ngày, bắt đầu từ ngày 28/11, tại các khu vực biên giới của nước này dễ bị tấn công nhất sau vụ đụng độ trên.
Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraine đã gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế. Ngày 26/11, Liên hợp quốc đã kêu gọi Nga và Ukraine kiềm chế hành động hay ngôn từ gây căng thẳng, đồng thời cần phải kiểm soát để tránh vụ việc tại Eo Kerch leo thang nguy hiểm. Phát biểu sau cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an LHQ, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề chính trị Rosemary DiCarlo cho hay LHQ không thể xác định độc lập điều gì đã xảy ra tại Eo biển Kerch sau khi Nga bắt giữ 3 tàu Hải quân Ukraine. Tuy nhiên, bà khẳng định LHQ hoàn toàn ủng hộ nỗ lực của các bên nhằm tìm kiếm giải pháp hoà bình và cho rằng “chỉ những hành động mang tính xây dựng mới giúp các bên liên quan vượt qua được những bế tắc trong thương thảo ngoại giao”.
Ukraine dang ben mieng ho chien tranh tong luc voi Nga?-Hinh-3
Tàu chiến Hải quân Ukraine bị phía Nga bắt giữ sau vụ đụng độ trên Eo biển Kerch. 
Phản ứng trước sự việc trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bày tỏ không hài lòng với những diễn biến căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ông đang làm việc với các nhà lãnh đạo châu Âu nhằm tìm kiếm giải pháp cho tình hình hiện nay giữa Nga và Ukraine.
Trong khi đó, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã kêu gọi Nga thả các tàu hải quân và thủy thủ Ukraine bị bắt giữ. Phát biểu họp báo sau cuộc họp khẩn của NATO theo đề nghị của Ukraine, một nước không phải thành viên NATO, Tổng Thư ký Stoltenberg nêu rõ mọi đồng minh đều hoàn toàn ủng hộ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine. Theo ông Stoltenberg, Nga cần cho phép toàn bộ tàu thương mại được toàn quyền tiếp cận các cảng của Ukraine.
Từ London, Thủ tướng Anh Theresa May đã nhấn mạnh lập trường rõ ràng của Anh là các tàu phải được tự do đi qua Eo biển Kerch tới các hải cảng của Ukraine ở biển Azov. Bà kêu gọi tất cả các bên hành động kiềm chế và Nga cần tránh sử dụng vũ lực lớn hơn với Ukraine. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã cam kết với Tổng thống Poroshenko qua điện thoại rằng bà sẽ nỗ lực bằng mọi giá để giải quyết những mâu thuẫn giữa Moskva và Kiev.
Bộ Ngoại giao CH Séc cũng đã ra tuyên bố lên án việc Nga sử dụng vũ lực đối với các tàu hải quân Ukraine. Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Séc Tomas Petricek mong muốn Liên minh châu Âu (EU) ra tuyên bố chung về vấn đề này và Cộng hòa Séc sẵn sàng ủng hộ và tham gia các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với vụ việc.
Theo Thanh Tuấn/Báo Tin tức

>> xem thêm

Bình luận(0)