|
Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa chỉ trong hai tuần. Ảnh: KCNA.
|
Tính đến ngày 9/10, Triều Tiên đã bắn 10 tên lửa chỉ trong hai tuần qua, theo AP. Năm 2022 cũng là năm Bình Nhưỡng tiến hành số vụ thử tên lửa cao nhất, kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011.
Việc Triều Tiên tăng tốc thử vũ khí là dấu hiệu đáng báo động trong khu vực, khiến Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đáp trả bằng hành động tương tự và các cuộc tập trận chung.
Trong tuần này, Mỹ cũng đã tái triển khai một tàu sân bay vào vùng biển gần bán đảo - động thái được các nhà chức trách Hàn Quốc gọi là “rất bất thường”.
Các nhà lãnh đạo quốc tế đang dõi theo những dấu hiệu leo thang căng thẳng trong khu vực, và dự đoán một thử hạt nhân có thể xảy ra. Đây sẽ là vụ thử hạt nhân đầu tiên của Bình Nhưỡng sau gần 5 năm - động thái có thể khiến Tổng thống Mỹ Joe Biden phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng chính sách đối ngoại mới.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Triều Tiên ráo riết thực thiện các vụ thử tên lửa trong thời gian qua và liệu phương Tây có thể làm gì để ngăn chặn những bước đi tiếp theo của chính quyền ông Kim Jong Un.
Triều Tiên đang cố gắng đạt được điều gì?
Ông Kim Jong Un đã dẫn đầu một chương trình phát triển vũ khí vượt xa nỗ lực của những nhà lãnh đạo đi trước.
Vào tháng 9, Triều Tiên đã thông qua luật mới chính thức tuyên bố là một quốc gia hạt nhân, trong đó nhà lãnh đạo Kim Jong Un cam kết "không bao giờ từ bỏ" loại vũ khí này.
Theo ông Carl Schuster, cựu Giám đốc Trung tâm tình báo của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương ở Hawaii, cuộc thử nghiệm vũ khí của ông Kim phục vụ mục đích kép: Ngoài việc đưa ra tuyên bố với cộng đồng quốc tế, nó còn nâng cao hình ảnh và củng cố quyền lực trong nước của nhà lãnh đạo Triều Tiên.
“Ông Kim đang lo lắng về những người dưới quyền và những thay đổi từ bên ngoài. Với các cuộc thử nghiệm, nhà lãnh đạo Triều Tiên muốn khẳng định ‘chúng tôi có thể đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ phương Tây, Mỹ và Hàn Quốc’", ông Schuster nói.
Tuy nhiên, trên thực tế, hãng truyền thông nhà nước KCNA đã không đề cập đến các vụ phóng tên lửa trong nhiều tháng, kể từ lần gần nhất vào tháng 3.
Trong khi đó, ông Jeffrey Lewis, chuyên gia vũ khí và giáo sư tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho rằng Triều Tiên có thể sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí như ICBM và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm, cho tới khi “đạt đến điểm mà họ hài lòng, sau đó, họ có thể sẽ nối lại hy vọng đàm phán”.
Vì sao Triều Tiên chọn thời điểm này?
Các chuyên gia cho rằng có nhiều lý do khiến Triều Tiên bất ngờ tăng tốc thử nghiệm.
Đầu tiên, đây có thể là thời điểm thích hợp sau các sự kiện trong vài năm qua: Ông Kim Jong Un đã tuyên bố chiến thắng dịch Covid-19 vào tháng 8, và chính quyền Mỹ đang tập trung thể hiện sự đoàn kết với Hàn Quốc.
“Họ không thể thử (vũ khí) trong một vài năm do nhiều yếu tố chính trị, vì vậy, tôi tin rằng các kỹ sư và quan chức Triều Tiên rất nóng lòng kiểm tra để đảm bảo (vũ khí của họ) hoạt động tốt”, giáo sư Andrei Lankov, từ Đại học Kookmin, Hàn Quốc, cho biết.
Bên cạnh đó, giáo sư Lewis cũng nhận định việc Triều Tiên tạm dừng thử nghiệm trong mùa hè bão tố và tiếp tục sau khi thời tiết cải thiện vào mùa thu cũng là điều bình thường.
Song một số chuyên gia phỏng đoán ông Kim cũng có thể đang gửi một thông điệp đến thế giới, trong thời kỳ xung đột toàn cầu gia tăng.
“Họ muốn nhắc nhở thế giới rằng không nên bỏ qua họ, rằng các kỹ sư (Triều Tiên) đang làm việc suốt ngày đêm để phát triển cả vũ khí hạt nhân và hệ thống phân phối”, ông Lankov nói.
Ông Schuster đã lặp lại quan điểm này, nhấn mạnh nhà lãnh đạo Triều Tiên “phóng tên lửa để thu hút sự chú ý, nhưng cũng nhằm tạo áp lực buộc Nhật Bản và Mỹ phải đối đầu”.
Ông nói thêm rằng Triều Tiên cũng có thể cảm thấy cần hành động ngay lúc này, khi phương Tây đang bị phân tâm với cuộc xung đột ở Ukraine.
“(Các vụ thử tên lửa) bắt đầu từ tháng 1, đó là khoảng thời gian chúng ta bắt đầu ghi nhận những (chuyển biến ở biên giới Ukraine)”, ông Schuster nói. “Ông Kim Jong Un tin rằng (Triều Tiên) sẽ không bị trừng phạt. Ông ấy không dự liệu bất kỳ phản ứng mạnh mẽ nào từ Mỹ”.
Một vụ thử hạt nhân sắp xảy ra?
Mối quan tâm trong ngắn hạn là liệu Triều Tiên có tiến hành một vụ thử hạt nhân hay không, điều mà ông Lewis nói có thể xảy ra “bất cứ lúc nào”.
Tuy nhiên, ông Schuster và ông Lankov đều nhận định với mối quan hệ hữu nghị giữa Triều Tiên và Trung Quốc, ông Kim có thể sẽ chờ đến khi đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc kết thúc vào cuối tháng 10.
Triều Tiên “phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ của Trung Quốc”, điều đó có nghĩa họ sẽ không muốn “làm điều gì gây xao nhãng sự kiện này”, ông Schuster nói.
Trong khi đó, từ tháng 5, các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đã cảnh báo Triều Tiên có thể đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân, với những hình ảnh vệ tinh cho thấy hoạt động tại bãi thử hạt nhân của nước này.
Mỹ và đồng minh có thể làm gì?
Bất chấp phản ứng quân sự nhanh chóng của Mỹ và đồng minh trong tuần qua, các chuyên gia cho biết họ có rất ít lựa chọn để ngăn chặn hoặc chuẩn bị cho các vụ thử vũ khí của Triều Tiên.
“Mỹ đã cử tàu sân bay USS Ronald Reagan. Hàn Quốc đã phóng tên lửa. Nhưng việc tàu sân bay Mỹ áp sát Triều Tiên không có quá nhiều tác động”, ông Lankov nói.
Những màn phô diễn quân sự này có thể ngăn chặn Triều Tiên leo thang căng thẳng, nhưng và “nó không ngăn cản được việc Bình Nhưỡng phát triển thêm vũ khí hoặc tiến hành các vụ thử tên lửa”, vị chuyên gia giải thích.
Nikkei Asia cũng chỉ ra rằng những lần Triều Tiên phóng tên lửa trong thời gian gần đây tương ứng với lịch trình hoạt động trong khu vực của tàu sân bay Mỹ.
Triều Tiên đã bắn 6 quả tên lửa về phía biển Nhật Bản trong khoảng thời gian tàu sân bay Mỹ tập trận với các đồng minh ở vùng biển quốc tế của nước này (Hàn Quốc gọi là biển Đông Hải).
Thời điểm Bình Nhưỡng bắn hai tên lửa hôm 6/10 cũng trùng với việc tàu Reagan tái triển khai tới vùng biển tiếp giáp bán đảo Triều Tiên. Điều đó cho thấy màn phô diễn quân sự của Mỹ và đồng minh khó có thể ngăn chặn Bình Nhưỡng.
Bên cạnh đó, nguồn thông tin tình báo hạn hẹp cũng khiến Mỹ gặp khó khăn trong việc dự đoán kế hoạch của ông Kim.
Triều Tiên hầu như đóng cửa với phần còn lại của thế giới từ lâu. Công nghệ cũng không được sử dụng rộng rãi ở nước này, từ đó gây khó khăn cho cơ quan tình báo của Mỹ và đồng minh trong việc thu thập thông tin, theo CNN.
“Phần lớn những gì Triều Tiên làm đều do nhà lãnh đạo trực tiếp chỉ huy, do đó, (họ) thực sự phải tìm hiểu kỹ suy nghĩ của ông ấy. Và đó là một bài toán khó với hoạt động tình báo”, ông Chris Johnstone, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, cho biết.