Tổng thống Biden phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn sau quyết định cắt giảm sản lượng của các ông lớn dầu mỏ thế giới, chỉ vài tuần trước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra, theo New York Times.
Điều này có thể khiến giá xăng ở Mỹ tăng. Và câu hỏi được đặt ra là: Ông nên kiên định với chính sách thuyết phục Saudi Arabia, quốc gia dẫn dắt OPEC+, hay thực hiện các biện pháp trả đũa?
Đối với ông Biden, quyết định của OPEC+ đã đến vào thời điểm không thể tệ hơn. Trong nhiều tháng, Nhà Trắng đã cố gắng cả về đối nội và đối ngoại nhằm giảm giá năng lượng đang tăng cao. Điều đó dường như đã được đền đáp, với việc giá xăng Mỹ giảm trong gần 100 ngày liên tiếp.
Tuy nhiên, khi chỉ còn một tháng nữa là diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, giá xăng Mỹ đã bắt đầu tăng trở lại, gây ra rủi ro chính trị mà Nhà Trắng đang cố gắng né tránh, theo CNN.
Cú sốc bất ngờ
Trước đó, Reuters ngày 5/10 đưa tin nhóm OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng dầu/ngày. Động thái diễn ra bất chấp sức ép từ Mỹ và nhiều nước đề nghị OPEC+ tăng sản lượng để giảm giá năng lượng toàn cầu.
OPEC+ cho rằng việc cắt giảm là cần thiết để đối phó với việc tăng lãi suất ở phương Tây và một nền kinh tế toàn cầu yếu hơn. Tuyên bố này được coi là cú sốc bất ngờ với ông Biden, người từng thăm Saudi Arabia hồi tháng 7.
|
Cái cụng tay của Tổng thống Biden và Thái tử Mohammed bin Salman. Ảnh: AP.
|
Câu hỏi ông Biden hiện đối mặt là ông phải làm gì sau động thái này. Hôm 6/10, chính quyền ông Biden bày tỏ sự thất vọng trước quyết định giảm sản lượng dầu của OPEC+ và cho biết Mỹ đang tìm mọi nguồn cung thay thế.
Tuy nhiên các thành viên đảng Dân chủ, vốn mong muốn thể hiện sự cứng rắn trước khi cử tri đi bỏ phiếu, đã gia tăng áp lực lên ông Biden để trừng phạt Saudi Arabia.
Thượng nghị sĩ Chuck Schumer cho rằng quyết định của Saudi Arabia nhằm tăng giá dầu là sai lầm nghiêm trọng. Tuy nhiên, ông Biden đưa ra rất ít dấu hiệu về việc ông sẽ đi bao xa.
Khi được hỏi về việc cắt giảm sản lượng vào hôm 1/10, ông Biden nói rằng “đang xem xét các lựa chọn thay thế”. “Chúng tôi vẫn chưa quyết định", ông nói.
Thay vì trừng phạt Saudi Arabia, các trợ lý của ông Biden dường như tập trung hơn vào việc chống lại động thái đó bằng cách giải phóng nhiều dầu hơn từ Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược và có thể tìm cách nối lại quan hệ với Venezuela.
Chính quyền Mỹ cũng đang xem xét các động thái nhằm gây áp lực, buộc những công ty năng lượng trong nước giảm giá bán lẻ, có thể bao gồm cả việc hạn chế xuất khẩu các sản phẩm xăng dầu.
Trong khi đó, phía Saudi Arabia cho rằng việc cắt giảm sản lượng không nhằm vào ông Biden, đồng thời đã gửi nhiều bằng chứng cho giới chức Mỹ để chứng minh điều đó.
Với giá dầu giảm xuống dưới 80 USD/thùng trong những ngày gần đây, Saudi Arabia cho biết họ lo ngại giá dầu sẽ trượt sâu hơn nữa, khiến ngân sách của họ không bền vững.
Lựa chọn hạn chế
Các quan chức chính quyền ông Biden lo ngại cuộc khủng hoảng thực sự có thể xảy ra vào tháng 12, khi biện pháp áp giá trần đối với dầu mỏ Nga có hiệu lực. Vào thời điểm này, lệnh cấm của Liên minh châu Âu đối với việc mua dầu thô của Nga cũng sẽ bắt đầu.
Các lựa chọn của ông Biden để chống lại việc cắt giảm sản lượng này rất hạn chế và buộc ông phải đánh đổi. Ông đã yêu cầu giải phóng thêm dầu Kho dự trữ Dầu mỏ Chiến lược. Tuy nhiên, vì dự trữ hiện ở mức thấp nhất trong 4 thập kỷ, điều đó tạo ra nguy cơ thiếu hụt trong trường hợp chiến tranh hoặc thảm họa thiên nhiên.
Ông có thể thúc đẩy hạn chế xuất khẩu nhiên liệu đã qua chế biến như xăng và dầu diesel. Điều này được cho là sẽ tăng nguồn cung và hạ giá trong nước. Tuy nhiên, điều đó sẽ gây hại cho các đối tác thương mại, đặc biệt là các đồng minh châu Âu - vốn đang cố gắng loại bỏ năng lượng Nga - và làm tăng áp lực lạm phát toàn cầu.
Chính quyền Mỹ đã mở rộng thêm khu vực khoan dầu và nới các quy định liên quan để tăng sản lượng trong nước. Tuy nhiên, động thái này có thể gây ra phản ứng dữ dội của các nhà hoạt động vì môi trường.
Việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Iran và Venezuela có thể giải phóng hơn một triệu thùng dầu/ngày. Điều này sẽ giúp hạ giá và có khả năng giúp thay thế dầu Nga.
Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran đã bị đình trệ với rất ít hy vọng đột phá, và triển vọng đạt thỏa thuận với Venezuela cũng mờ mịt.
Bình luận ngắn gọn trước báo giới hôm 6/10, ông Biden không phủ nhận khả năng thay đổi chính sách đối với Venezuela. “Có rất nhiều lựa chọn thay thế”, ông nói.
Khi được hỏi Venezuela sẽ phải làm gì để thuyết phục Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt, ông Biden khẳng định “rất nhiều”.
Bên cạnh đó, tổng thống Mỹ đã bảo vệ quyết định công du tới Saudi Arabia hồi tháng 7, nơi ông gặp Thái tử Mohammed bin Salman - nhà lãnh đạo trên thực tế của đất nước này.
Trước đó, khi còn tranh cử tổng thống, ông Biden hứa sẽ khiến Saudi Arabia trở thành nước bị cả thế giới quay lưng vì vụ nhà báo Khashoggi bị giết trong lãnh sự quán nước này ở Istanbul.
Hôm 6/10, ông Biden nhấn mạnh một lần nữa rằng ông có những mục tiêu khác khi tới Saudi Arabia. “Chuyến công du đó về cơ bản không phải chỉ về dầu. Chuyến đi này còn về Trung Đông và Israel”, vị tổng thống nói.
“Tuy nhiên, đó là một sự thất vọng”, ông nói thêm về việc cắt giảm sản lượng.
Nhiều thành viên đảng Dân chủ cho rằng tổng thống nên đi xa hơn thay vì chỉ bày tỏ sự thất vọng. Hạ nghị sĩ Tom Malinowski đã đệ trình một dự luật với nhiều hạ nghị sĩ khác, yêu cầu rút quân đội Mỹ và các hệ thống phòng thủ khỏi Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.
Ông Malinowski nói rằng ông Biden cũng nên sử dụng luật này để thúc đẩy Saudi Arabia. “Mục đích trong dự luật của chúng tôi là cung cấp cho ông ấy loại đạn cần thiết. Tôi hy vọng ông ấy sử dụng nó”, ông Malinowski nói.
“Ông ấy đã mạo hiểm. Ông ấy tạo thêm vấn đề cho bản thân vì mối quan hệ này, và đây không phải là cách một người bạn nên đáp lại. Vì vậy, có lẽ họ nên tìm một vài người bạn mới”, vị hạ nghị sĩ nói.