Trong vụ tấn công do Không quân Israel thực hiện đêm 25/12 tại khu vực ngoại vi Damascus, các thông tin ban đầu đều cho rằng đó là tác phẩm của tiêm kích F-16I Sufa và tên lửa hành trình không đối đất Delilah.
Tuy nhiên điều bất ngờ ở đây đó là trong đống đổ nát của kho vũ khí, mảnh bom đường kính nhỏ GBU-39 SDB II đã được tìm thấy, điều này khẳng định sự góp mặt của tiêm kích F-35I Adir bởi đây là loại bom được tối ưu hóa cho khoang vũ khí của nó.
Và cuối cùng vào ngày hôm qua, sự tham chiến của F-35I Adir đã được trang Debka của Israel xác nhận, họ nói rằng tốp F-35I đã được sử dụng cho đợt tấn công thứ hai sau khi tốp F-16I phóng tên lửa hành trình.
Bộ Quốc phòng Nga sau đó cũng xác nhận rằng máy bay chiến đấu Israel đã thả tới 16 quả bom GBU-39 SDB II từ cự ly gần hơn nhiều so với tầm phóng của tên lửa Delilah, cho thấy có ít nhất 8 chiếc F-35 đã được huy động.
|
Tiêm kích tàng hình F-35I Adir được xác nhận đã tham gia không kích Syria đêm 25/12 |
Vấn đề gây đau đầu giới chức quân sự Syria hiện nay chính là hệ thống phòng không của họ đã bỏ lọt tiêm kích tàng hình F-35I ngay cả khi tổ hợp S-300PM đã do họ toàn quyền điều khiển và còn được bổ sung hệ thống quản lý bầu trời Polyana-D4M.
Thực tế cũng cho thấy tên lửa phòng không tầm xa S-200 của Syria đều bắn vào tốp F-16I từ trên không phận Lebanon, họ hoàn toàn bị bịt mắt và không nhận thấy số lượng lớn tiêm kích tàng hình F-35I Adir đã lặng lẽ xâm nhập.
Đây rõ ràng là nguy cơ cực lớn, bởi vì nếu Israel tấn công thẳng vào trận địa bố trí các tổ hợp S-300PM thì lực lượng phòng không Syria cũng chẳng thể nào nhận biết để mà đánh trả.
|
Tổ hợp trinh sát điện tử thụ động Vera-NG do Cộng hòa Czech chế tạo |
Trước tình hình trên, có lẽ phòng không Syria cần đến một khí tài đặc biệt đó là các trạm trinh sát điện tử thụ động kiểu như Kolchuga hay Vera-NG để nhận biết tiêm kích tàng hình, nhất là khi các đài radar cảnh giới thông thường đã tỏ ra bất lực.
Đài radar thụ động không làm việc theo cách phát sóng mà nó chỉ thu tín hiệu từ radar đo cao, thiết bị thông tin liên lạc của máy bay... để từ đó xác định vị trí tương đối của chúng.
Mặc dù không thể hướng dẫn tên lửa phòng không đánh chặn nhưng chí ít nếu kết nối 3 đài radar thụ động lại với nhau thì có khả năng thu hẹp đáng kể cự ly trinh sát để radar chủ động tăng cường sục sạo trong khu vực này nhằm tăng xác suất phát hiện F-35I Adir.
Chỉ có một khó khăn lớn đối với Syria đó là chắc chắn Ukriane sẽ không cung cấp radar Kolchuga cho một đồng minh của Nga, đồng thời Cộng hòa Czech cũng khó chấp nhận bán Vera-NG dưới sức ép của Mỹ.
Do vậy phòng không Syria vẫn chưa có trong tay phương tiện đủ sức chống trả F-35I Adir trong các đợt không kích tiếp theo.