Một máy bay Su-34 của Nga đã rơi ở Vùng Bryansk gân biên giới với Ukraine, chỉ ít phút sau khi có thông tin một trực thăng quân sự cũng rơi trong khu vực. Ảnh: RT
Hai máy bay chiến đấu và hai máy bay trực thăng vận tải quân sự của Nga đã bị rơi ở miền nam nước Nga trong ngày 13/5, trong khi các lực lượng Ukraine tiến sâu vào vùng lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Đây là những động thái cho thấy khả năng quân sự của Kiev đang gia tăng.
Hãng thông tấn nhà nước Nga TASS cho biết một máy bay chiến đấu Su-34 và một máy bay trực thăng Mi-8 đã bị rơi ngày 13/5 ở vùng Bryansk của Nga. Một chiếc Mi-8 khác và một chiếc Su-35 cũng bị rơi cùng ngày, theo các phóng viên quân sự Nga và quan chức của một nước cộng hòa tự xưng ở miền đông Ukraine.
Hãng TASS dẫn các nguồn tin cho hay, chiếc Su-34 rơi ở Vùng Bryansk, Nga gần biên giới Ukraine, chỉ vài phút sau khi có báo cáo rằng một chiếc trực thăng không xác định cũng bị rơi trong khu vực.
Hãng tin chính thức của Nga không cung cấp thông tin chi tiết về thương vong, chỉ cho biết các nhà chức trách đang làm việc để làm rõ tình hình. Kênh Telegram Baza đã phát một đoạn video về địa điểm được cho là nơi xảy ra vụ tai nạn, cho thấy những gì dường như là đuôi và động cơ của máy bay chìm trong biển lửa. Còn kênh Mash Telegram đưa tin chiếc Su-34 đã rơi gần làng Istrovka phía bắc biên giới Ukraine, tuyên bố rằng phi hành đoàn gồm một phi công và hoa tiêu đã thiệt mạng.
Theo tờ Wall Street Journal, loạt vụ tai nạn nói trên là tổn thất nặng nề nhất đối với hàng không quân sự của Nga kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột với Ukraine vào tháng 2/2022. Moskva từng đánh giá rằng hệ thống phòng không của Ukraine đã bị phá hủy, nhưng họ đã mất hơn 70 máy bay kể từ đó.
Khói đen bốc lên từ nơi được cho là hiện trường rơi máy bay tai Nga. Ảnh: RT
Truyền thông nhà nước Nga đưa tin, ít nhất hai thành viên đoàn bay đã thiệt mạng trong vụ tai nạn máy bay ngày 13/5. Video được công bố cho thấy mảnh vỡ bốc cháy trong một khu vực nhiều cây cối. Thống đốc vùng Bryansk Alexander Bogomaz viết trên Telegram rằng một phụ nữ bị thương và năm ngôi nhà bị hư hại trong vụ tai nạn xảy ra ở Klintsy, một thị trấn cách biên giới Ukraine gần 50km.
Trong khi đó, Nga tuyên bố rằng Ukraine đã sử dụng tên lửa hành trình do Anh cung cấp trong các cuộc tấn công vào Luhansk, một khu vực do lực lượng Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine.
Đây là vụ mới nhất trong một loạt các cuộc tấn công đang tiến sâu hơn vào Nga hoặc lãnh thổ Ukraine do Nga kiểm soát, cho thấy Kiev đang tìm cách làm suy yếu lực lượng của Moskva trước một cuộc phản công dự kiến.
Nguyên nhân của vụ rơi máy bay không rõ ràng. TASS trích dẫn các cơ quan khẩn cấp đổ lỗi cho cháy động cơ, nhưng một số phóng viên quân sự Nga cho rằng máy bay có thể đã bị lực lượng đặc biệt Ukraine phục kích bằng tên lửa vác vai.
Mỹ đã cung cấp cho Ukraine tên lửa phòng không Stinger, chủ yếu hữu ích để chống lại máy bay bay tầm thấp. Ba Lan, Anh và các nước khác cũng đã cung cấp các hệ thống tương tự.
Chính phủ Ukraine không có bình luận ngay lập tức về các vụ rơi máy bay ngày 13/5. Các vụ tai nạn xảy ra sau một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái sâu bên trong lãnh thổ Nga hoặc các khu vực do Nga kiểm soát ở Ukraine, bao gồm vụ hai máy bay không người lái nhỏ tấn công Điện Kremlin.
Ukraine đã sử dụng vũ khí do phương Tây cung cấp để nhắm vào các trung tâm hậu cần của Nga trong suốt cuộc xung đột, làm suy yếu đáng kể khả năng hỗ trợ quân đội của Moskva ở tiền tuyến.
Trong hai ngày qua, nhiều vụ nổ đã tấn công một kho chứa nhiên liệu và một khu công nghiệp ở thành phố Luhansk do Nga kiểm soát và một vùng ngoại ô gần đó. Luhansk, thành phố nằm cách các vị trí gần nhất của Ukraine khoảng 110km, đã không trở thành mục tiêu tấn công kể từ khi xung đột bắt đầu vì nơi này nằm ngoài tầm bắn của pháo binh Ukraine và các hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp.
Nga và chính quyền địa phương do Điện Kremlin bổ nhiệm cho biết các cuộc tấn công được thực hiện bằng tên lửa hành trình không đối đất Storm Shadow do Anh cung cấp. Các nhà phân tích quân sự suy đoán rằng Kiev đã sử dụng tên lửa mới, nhưng phía Ukraine từ chối bình luận.
Các binh sĩ Ukraine gần thành phố Bakhmut, trọng tâm chính của cuộc giao tranh tại Ukraine trong nhiều tháng. ẢNH: AP
Kiev đang tìm cách đánh bật các lực lượng Nga khỏi lãnh thổ mà họ kiểm soát ở miền nam và miền đông đất nước. Họ có kế hoạch triển khai quân đội do phương Tây huấn luyện và trang bị với hy vọng vũ khí và chiến thuật hiện đại tiên tiến sẽ giúp vượt qua lợi thế về quân số của người Nga.
Tuy nhiên, Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết quân đội Ukraine cần thêm thời gian trước khi tiến hành cuộc phản công để tránh thương vong lớn. Dù vậy, Kiev dường như đã sẵn sàng phá hoại và tấn công các địa điểm lưu trữ nhiên liệu của Nga và các điểm hậu cần quân sự khác.
Trong một diễn biến khác, ngày 13/5, Đức đã công bố gói thiết bị quân sự lớn nhất cho Ukraine cho đến nay, trị giá tổng cộng 2,7 tỷ euro, tương đương khoảng 2,93 tỷ USD. Gói này bao gồm các hệ thống pháo di động và đạn pháo, bốn hệ thống phòng không IRIS-T SLM mới thuộc loại đã được triển khai xung quanh Ukraine và tên lửa bổ sung cho các hệ thống đó.
Gói viện trợ trên cũng bao gồm 30 xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 1 và 20 xe chiến đấu bộ binh Marder bọc thép nhẹ - theo danh sách do Bộ Quốc phòng Đức công bố.
Đức đã trở thành nhà cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ ba cho Ukraine sau Mỹ và Anh, theo bảng xếp hạng của Viện Kinh tế Thế giới Kiel.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky đã tới Rome vào cùng ngày 13/5, có cuộc gặp Giáo hoàng Francis - người đã đề nghị làm trung gian hòa giải với Nga - và Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, một trong những nhà lãnh đạo ủng hộ Ukraine trung thành nhất ở châu Âu.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Italy, Giorgia Meloni trong chuyến thăm tới Rome ngày 13/5. Ảnh: AFP/ Getty Images
Trên chiến trường, quân đội Ukraine đã bắt đầu tấn công lực lượng Nga ở một số khu vực phía đông thành phố Bakhmut.
Bakhmut - tâm điểm chính của cuộc giao tranh ở Ukraine trong nhiều tháng qua - có ý nghĩa to lớn đối với Nga, quốc gia đang tìm kiếm chiến thắng sau một loạt thất bại kể từ mùa hè năm ngoái. Ngược lại, Kiev coi cuộc trấn giữ thành phố này là cơ hội để làm hao mòn quân đội Nga và "câu giờ" cho cuộc phản công đã dự kiến.
Quân đội Nga đã tiến gần đến việc kiểm soát Bakhmut. Tuy nhiên, trong 4 ngày qua, các lực lượng Ukraine lại tiến được khoảng 1,6 km vào các khu vực có ý nghĩa chiến thuật ở mặt trận phía nam của thành phố, trong khi các đơn vị thuộc Lữ đoàn súng trường cơ giới riêng biệt số 72 của Nga đã vội vã rút quân - Bộ Quốc phòng Anh cho biết ngày 13/5.
Bộ Quốc phòng Anh cho rằng: “Việc triển khai tân binh tới một khu vực hoạt động quan trọng và đòi hỏi khắt khe như vậy cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng tại các đơn vị chiến đấu đáng tin cậy của Nga”.
Về phần mình, quân đội Ukraine đã phải đối mặt tình trạng thiếu vũ khí hiện đại và không có khả năng sửa chữa nhanh chóng những vũ khí được phương Tây cung cấp.
Để giúp giải quyết sự thiếu hụt đó, công ty quốc phòng Rheinmetall của Đức và nhà sản xuất vũ khí lớn nhất của Ukraine, Ukroboronprom, cho biết ngày 13/5 rằng họ đã đồng ý cùng sửa chữa và phát triển vũ khí ở Ukraine. Hai công ty cho biết họ sẽ sản xuất một số sản phẩm của Rheinmetall tại Ukraine.
Rheinmetall là nhà sản xuất một phần số xe tăng Leopard đã được cung cấp cho Kiev, một số loại phương tiện chiến đấu bộ binh và hệ thống phòng không, hiện cũng đang ở Ukraine. Nhưng họ từ chối cho biết những sản phẩm nào sẽ được sản xuất ở Ukraine. Trước đó, Giám đốc điều hành Armin Papperger từng tiết lộ sẽ sản xuất xe tăng Panther ở Ukraine.
Hoạt động sản xuất vũ khí của Ukraine đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công của Nga, khiến các nhà sản xuất vũ khí của Ukraine, bao gồm cả Ukroboronprom, phải chuyển sản xuất ra khỏi đất nước. Sản xuất địa phương cũng phải đối mặt với những thách thức hậu cần quan trọng trong việc đưa nguồn cung cấp nguyên liệu, linh kiện vào Ukraine.