Trong cuộc diễu hành vào tháng 9 tại Bắc Kinh, quân đội Trung Quốc đã bất ngờ khoe loại tên lửa đạn đạo DF-26, còn có biệt danh là “Guam killer” (kẻ giết đảo Guam). Theo báo Huanqiu, DF-26 là một trong những loại tên lửa đạn đạo hiện đại nhất Trung Quốc.
DF-26 thuộc loại tên lửa đạn đạo nhiên liệu rắn có khả năng mang đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân. Một trong những tính năng nổi bật của tên lửa này là có khả năng đánh trúng các mục tiêu di động. Tên lửa có khả năng phóng từ silo cố định hoặc bệ phóng di động.
|
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26. |
Tên lửa DF-26 có tầm bắn khoảng 3.500 km có khả năng tấn công đảo Guam, căn cứ chính của Hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương.
Theo đánh giá của các nhà phân tích thuộc Viện hàn lâm Khoa học Quân sự Trung Quốc, DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. Khả năng đặc biệt của vũ khí mới là tốc độ cao trong triển khai và vận hành.
DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước, theo các nhà phân tích quân sự. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo và chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung.
Từ những hình ảnh về tên lửa DF-26 trong cuộc diễu hành vừa qua, có vẽ như tên lửa này đã sẵn sàng đi vào hoạt động. Nhiều khả năng, DF-26 sẽ được triển khai ở phía nam Trung Quốc, khi đó, đảo Guam sẽ nằm trong tầm bắn của tên lửa này.
Một số nhà phân tích nhận định, Bắc Kinh sẽ sử dụng DF-26 như một vũ khí mang tính răn đe đối với mọi kế hoạch can thiệp của Mỹ vào khu vực Biển Đông.
Trong khi đó, Jane’s Defence Weekly, Anh cho rằng, DF-26 là một phiên bản mới của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D. Theo thông tin giới thiệu trong lễ diễu binh, DF-26 có thể nhắm mục tiêu tàu chiến cỡ trung bình. Điều đó có nghĩa là tên lửa này có thể đủ chính xác để tấn công các tàu khu trục.
Thông tin chi tiết về tên lửa này vẫn chưa được công bố, nhưng DF-26 có thể tạo ra thách thức lớn đối với hoạt động của Hải quân Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương.