Ba điều đáng tiếc của Việt Nam trong trận ĐBP trên không

Google News

(Kiến Thức) - Cuối năm 1972, quân dân ta đã làm nên trận Điện Biên Phủ trên không lẫy lừng, nhưng sau hơn 40 năm nhìn lại, nhiều người trong cuộc nói rằng có những điều đáng tiếc.

Đáng tiếc bởi vì chúng ta có thể chiến thắng to lớn hơn, số lượng B-52 có thể bị tiêu diệt nhiều hơn nếu như không khan hiếm đạn, tên lửa SAM-3 kịp chiến đấu và việc chế tạo bộ khí tài để dùng radar K8-60 truyền phần tử cho SAM-2 diễn ra đúng tiến độ.
Tình trạng khan hiếm tên lửa
Có một sự thật là khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm, bộ đội tên lửa của ta gặp phải tình trạng thiếu đạn. Theo như lời trong cuốn sách “Điện Biên Phủ trên không – chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam” thì trong chiến đấu nhiều đơn vị đã bị tình trạng “trắng bệ” giữa chừng.
Cuốn sách nói trên viết: “Vào những đêm tháng 12/1972, có tiểu đoàn hỏa lực đã rơi vào tình trạng giữa chừng "trắng bệ", nghĩa là trên các bệ phóng không còn đạn, trong khi máy bay địch vẫn tiếp tục kéo vào... Các tiểu đoàn hỏa lực thỉnh thoảng lại nhận được chỉ thị qua điện thoại từ trung đoàn: "Khách đến còn nhiều, chú ý tiết kiệm gạo". Giữa đêm 20/12, tình trạng căng thẳng đến nỗi từ Tổng hành dinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng đã gọi điện chỉ thị Bộ Tư lệnh Quân chủng PK-KQ phải tìm mọi cách giải quyết đủ đạn cho các tiểu đoàn tên lửa”.
Ba dieu dang tiec cua Viet Nam trong tran DBP tren khong
Nạp nhiên liệu cho tên lửa SAM-2. Ảnh tư liệu. 
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “trắng bệ giữa chừng” là do tốc độ lắp ráp tên lửa chưa đáp ứng được mức tiêu thụ của một chiến dịch lớn như vậy.
Vẫn theo tài liệu đã nói ở trên, thông thường khi chuyển từ Liên Xô sang, các quả đạn tên lửa đều ở trạng thái tháo rời. Từng bộ phận đều được sắp xếp gọn gàng trong những thùng kín. Chúng sẽ được các đơn vị kỹ thuật, thường gọi là "Tiểu đoàn 5", lắp ráp lại, kiểm tra hệ thống điện và vô tuyến điện đầy đủ, xong nạp chất đốt, trước khi chuyển đến các tiểu đoàn hỏa lực. Trong cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, tốc độ lắp ráp của các tiểu đoàn 5 nói chung đã phục vụ được yêu cầu chiến đấu lúc ấy.
Nhưng, để đối phó với cuộc tiến công ồ ạt nhiều ngày đêm của không quân chiến lược Mỹ như trong chiến dịch 12 ngày đêm, trong điều kiện các công đoạn lắp ráp được tiến hành ở nhiều địa điểm phân tán cách xa nhau (nhằm làm giảm tổn thất nếu bị Mỹ ném bom) thì tốc độ lắp ráp bình thường như trước không đáp ứng được. Bởi vậy, trong nhiều trận đánh, các đơn vị tên lửa đã bị thiếu đạn, không thể bắn theo đúng lý thuyết hiệu quả của SAM-2 là bắn 3 quả đồng thời mà có khi phải bắn “phát một”.
Ba dieu dang tiec cua Viet Nam trong tran DBP tren khong-Hinh-2
 Tên lửa SAM-2. Ảnh chụp tại bảo tàng PK-KQ.
Một ví dụ điển hình cho tình trạng thiếu đạn đó là ở Tiểu đoàn 57 trong trận đánh hồi 5 giờ sáng đêm 20 rạng ngày 21, khi từng tốp B52 đang nối tiếp nhau bay vào thì trên các bệ phóng chỉ còn 2 quả đạn. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Văn Phiệt phải hạ quyết tâm đánh "quả một", nghĩa là mỗi lần dùng một quả.
Nhận xét về tình trạng thiếu đạn, sách “Điện Biên Phủ trên không – chiến thắng của ý chí và trí tuệ Việt Nam” tiếc nuối: “Có điều rất đáng tiếc là giá như hồi ấy, bộ đội tên lửa ta có được thêm nhiều đạn hơn, được bắn theo qui tắc xạ kích, được "đánh bồi", "đánh nhồi", mỗi lần bắn thêm vài ba quả, thì kết quả bắn rơi B-52 chắc sẽ còn lớn hơn nhiều”.
Lính SAM-3 có bệ phóng mà không có đạn
Điều đáng tiếc thứ hai của quân ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ trên không là hai trung đoàn tên lửa SAM-3 đã về đến Việt Nam nhưng không tham chiến được vì đạn chưa về kịp. Tên lửa SAM-3 là phiên bản cao cấp hơn tên lửa SAM-2. Nó ưu việt hơn SAM-2 ở chỗ cơ động dễ dàng hơn, tầm bắn hiệu quả lớn hơn, chống mục tiêu bay di động tốt hơn và quan trọng nhất là nó chống lại hệ thống gây nhiễu của địch tốt hơn.
Ba dieu dang tiec cua Viet Nam trong tran DBP tren khong-Hinh-3
Tổ hợp tên lửa SAM-3 tiểu đoàn 169 đã bố trí trực chiến vào cuối tháng 12/1972 nhưng không kịp đánh B-52. Ảnh chụp tại bảo tàng PK-KQ. 
Việc tên lửa SAM-3 về chậm, trong bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức”, Trung tướng Phan Thu kể: “Ngày 22/6/1972, quân chủng PK-KQ đã quyết định thành lập hai trung đoàn tên lửa SAM-3, là trung đoàn 276 và 277 và đưa sang đào tạo ở Liên Xô. Tôi nghe nói đã học xong rồi mà mãi mới về. Ngày 5/12/1972, trung đoàn 277 về đến Hà Nội và đêm 18/12/1972, trung đoàn 276 mới về đến ga Kép. Trong khi đó, khí tài và đạn của 2 trung đoàn tên lửa SAM-3 còn “lang thang” ở đâu đó mà chưa về đến ga Bằng Tường. Khi khí tài về triển khai máy móc xong thì đạn lại chưa về. Đến khi tiểu đoàn 169, trung đoàn 276 đã có 4 quả đạn đặt trên bệ phóng, sẵn sàng tham gia chiến đấu thì cuộc tập kích chiến lược bằng B-52 vào Hà Nội, Hải Phòng của Mỹ kết thúc”.
Tướng Thu cũng nói rằng việc tên lửa SAM-3 không kịp tham chiến là một điều đáng tiếc bởi vì radar của SAM-3 làm việc ở dải sóng 3 cm mà đèn máy phát của nó cùng tên cùng loại với đèn máy phát của radar K8-60, đó là đèn phát sóng Mangétron Mi-90, không bị nhiễu và không bị Shrike bắn vào.
Thiếu “bảo bối” K8-60
Việc đưa radar K8-60 của pháo phòng không 57mm vào bắt mục tiêu B-52 và truyền phần tử bắn sang cho tên lửa SAM-2 là một trong những sáng tạo của ta khiến Mỹ bất ngờ và cũng là một trong những bí quyết giúp ta bắn hạ được B-52 trong điều kiện địch gây nhiễu rất nặng. 
Tuy nhiên, khi bước vào chiến dịch 12 ngày đêm đó, lực lượng tên lửa của ta mới chỉ có 2 bộ khí tài cải tiến mặc dù trước đó Tư lệnh quân chủng PK-KQ đã ra chỉ thị chế tạo 6 bộ.
Ba dieu dang tiec cua Viet Nam trong tran DBP tren khong-Hinh-4
Radar K8-60 tại bảo tàng PK-KQ. 
Theo bút ký của tướng Phan Thu đã nêu ở trên, tháng 6/1972 Tư lệnh Lê Văn Tri đã chỉ thị nhân lên 6 bộ khí tài cải tiến radar K8-60 cho khu vực Hà Nội để chuẩn bị đánh B-52. Bộ Tư lệnh PK-KQ đề nghị Tổng cục Hậu cần giúp đỡ. Tổng cục Hậu cần đã giao nhiệm vụ cho nhà máy V-119 thực hiện. Tuy nhiên đến tháng 9/1972, nhà máy này mới chỉ làm được một bộ, cộng với bộ cải tiến do Phòng Nghiên cứu kỹ thuật của PK-KQ đã làm trước đó là hai bộ. Các bộ này được trang bị cho tiểu đoàn 57, trung đoàn 261 và tiểu đoàn 79 trung đoàn 257.
Bộ khí tài cải tiến này sau đó đã chứng minh hiệu quả của nó khi phát hiện rõ B-52 và truyền phần tử bắn cho tiểu đoàn 79 bắn 2 quả đạn, mỗi quả diệt một chiếc B-52 vào đêm 20/12/1972.
Bởi thế, trong bút ký “Cuộc đối đầu không cân sức”, tướng Phan Thu đã bày tỏ sự tiếc nuối rằng nếu đề tài cải tiến này được triển khai sớm hơn và nỗ lực hơn thì số tiểu đoàn tên lửa được trang bị thêm radar K8-60 sẽ nhiều hơn, việc đánh B-52 có thể sẽ hiệu quả hơn. Thêm nữa, ông cũng cho rằng lúc đó nếu ta nghĩ ra việc thay radar COH-9A của pháo phòng không 100mm bằng radar K8-60 để đánh B-52 thì cũng sẽ góp phần làm cho thắng lợi lớn hơn vì pháo 100mm đủ sức với tới B-52 mà việc thay radar này rất đơn giản vì không phải lắp thêm bất cứ chi tiết nào.
Nam Khánh

Bình luận(0)