Tác chiến mặt nước là loại hình tác chiến lấy tàu mặt nước làm mục tiêu tấn công. Trước đây, vào thời kỳ khi tàu chiến mới đưa vào sử dụng phương thức tác chiến chủ yếu là tấn công bằng hình thức va chạm, đổ bộ lên tàu chiến đấu giáp lá cà.
Tuy nhiên, sau khi pháo hạm xuất hiện, phương thức tiến công thay đổi thành pháo kích lẫn nhau. Vào thời kỳ ngư lôi được phát minh, tàu ngầm xuất hiện, chiến trường tiến công của tàu kéo dài từ mặt nước xuống dưới nước. Hiện nay, tác chiến mặt nước ngày càng trở nên rộng hơn, tác chiến ngoài cự ly quan sát trở thành hình thức phổ biển với các loại tên lửa tấn công dẫn đường, trong đó có tên lửa chống hạm.
|
Việc tên lửa chống hạm dần trở nên phổ biến đang tạo nên một thách thức không nhỏ đối với cả lực lượng hải quân số 1 thế giới như Mỹ. Ảnh: US Navy |
Theo nghiên cứu của giới phân tích quân sự, tác chiến mặt nước hiện nay thông thường trải qua các giai đoạn gồm: Dò tìm phát hiện; nhận biết đeo bám; xác định tiến công; thực hành tiến công; đánh giá tiến công và bổ sung nhiệm vụ.
- Dò tìm phát hiện mục tiêu: Hiện nay, để tìm kiếm và phát hiện mục tiêu, các tàu chiến mặt nước ngoài việc sử dụng hệ thống radar trinh sát được trang bị sẵn trên tàu thì còn nhận được sự hỗ trợ trinh sát, phát hiện mục tiêu từ các máy bay trinh sát, hệ thống trinh sát vệ tinh... qua đó mở rộng phạm vi trinh sát, phát hiện ra ngoài khu vực tầm hỏa lực được biên chế.
Các loại radar trinh sát trên tàu chiến hiện đại nhất hiện nay có thể kể đến như: Radar Mineral-ME có cự ly trinh sát lên tới 450km; Flat Road có tầm trinh sát khoảng 300km; Glass với tầm trinh sát 270 - 350km.
|
Tàu khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Đô đốc Gorshkov của Hải quân Nga. Ảnh: Lenta |
- Nhận biết, đeo bám mục tiêu: Đây là quá trình phân loại tự động với từng mục tiêu được dò tìm. Nếu tiêu thay đổi lộ trình hoặc tắt hệ thống thông tin nhận biết tự động thì vẫn phải liên tục tiến hành nhận biết thông qua các hệ thống trinh sát khác của vệ tinh, máy bay cảnh báo sớm, hệ thống trinh sát trên bộ.... qua đó phối kiểm và xác định chính xác nguy cơ.
Quá trình này được diễn ra hoàn toàn tự động bởi hệ thống máy tính tốc độ cao trên tàu và được phối kiểm bởi kho dữ liệu thông tin về tính năng nhận biết đối với từng loại mục tiêu được nạp sẵn trong nguồn dữ liệu máy tính trên tàu.
- Xác định tiến công: Sau khi nhận biết chính xác mục tiêu, người chỉ huy cần phải cân nhắc và tính toán tới nhiều yếu tố ảnh hưởng khác như: vị trí, hướng di chuyển, tốc độ di chuyển…hiện tại của mục tiêu để tính toán cự ly tiến công, phương vị tiến công, thời gian đạn nổ… Đồng thời còn phải căn cứ xem tàu mục tiêu có năng lực phòng không hay không để xác định phương thức phóng tên lửa.
Ngoài ra còn phải căn cứ vào phương thức phóng và năng lực điều khiển để thiết lập đường bay và thời gian bay của tên lửa. Tất cả sau khi đã được tính toán kỹ và thiết lập xong, người chỉ huy sẽ ra lệnh tấn công. Khi đó, tất cả các tàu xung quanh khu vực mục tiêu sẽ đồng loạt căn cứ vào hỏa lực được trang bị lập tức khai hỏa nhằm về hướng mục tiêu.
|
Tàu Frigat của Hải quân Mỹ. Ảnh: US Navy |
- Thực hành tiến công: Trong trường hợp tất cả lực lượng cùng tấn công một mục tiêu thì phải căn cứ vào mệnh lệnh của người chỉ huy để làm tốt mọi công tác chuẩn bị, đồng thời các lực lượng phải phối hợp mật thiết với nhau, triển khai hành động tiến công chuẩn xác.
Khi đó, nhân viên vận hành hệ thống vũ khí sẽ khởi động hệ thống vũ khí tự động, nhập dữ liệu tiến công, sau khi tên lửa bước vào trạng thái chờ phóng, từng bước gỡ bỏ các phương thức bảo hiểm, đợi người chỉ huy hạ lệnh thì lập tức điểm hỏa phóng.
- Đánh giá kết quả và bổ sung nhiệm vụ: Phương thức hiệu quả nhất để đánh giá hiệu quả tấn công đó là xác nhận hiệu quả tấn công bằng mắt thường. Trường hợp nếu có vệ tinh, máy bay không người lái, có thể sử dụng xenxơ quang học mà những thiết bị này được trang bị để tiến hành xác nhận hiệu quả tiến công. Nếu chưa đạt được mục đích tấn công, thông thường phải tiến hành bổ nhiệm vụ.
Tuy nhiên, việc bổ sung nhiệm vụ tấn công phải được cân nhắc và tính toán kỹ lưỡng đến nguồn lực tấn công của quân nhà (ví dụ số lượng đạn dôi dư, mức độ thiệt hại), thứ tự ưu tiên của nhiệm vụ tác chiến khác.... sau đó mới quyết định có mở lại các đợt tấn công hay không.
Mời độc giả xem video: Hải quân Mỹ bắn ngư lôi và tên lửa chống hạm vào mục tiêu giả định trong cuộc tập trận hải quân RIMPAC 2016. (nguồn Hải quân Mỹ)