Rồng lửa S-400 là hệ thống phòng thủ khiến Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ “thèm muốn” đến mức có thể bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ. Điều này có thể hiểu được bởi S-400 là tổ hợp tên lửa phòng không đất đối không tối tân hàng đầu trên thế giới hiện nay và do Nga sản xuất.
Lực hấp dẫn của S-400
Được mệnh danh là Rồng lửa, S-400 là phiên bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ tên lửa S-300, vừa được Nga đưa tới Syria.
Nga đã khéo léo phô diễn sức mạnh của S-400 trong cuộc tập trận Vostok-2018 diễn ra tháng trước tại Siberia. Đây là cuộc tập trận quy mô lớn nhất của Nga kể từ thời Liên Xô, với sự tham gia của 300.000 binh sĩ Nga, Trung Quốc và Mông Cổ.
Là cuộc tập trận đáng chú ý nhất của Nga trong 30 năm qua, Moscow đã không bỏ lỡ dịp này để “chào hàng” vũ khí, vốn là nguồn thu lớn thứ hai của Nga sau dầu mỏ. Cả thế giới theo dõi Vostok-2018 và mãn nhãn với S-400 - “ngôi sao” trong các màn trình diễn khí tài quân sự của Nga.
Là một trong những hệ thống vũ khí tối tân nhất được Nga tung ra thị trường trong những năm gần đây, S-400 với những khả năng ưu việt đã khiến Trung Quốc, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ hay Qatar “phải lòng” và tuyên bố sẵn sàng mua tổ hợp Rồng lửa này. Mới nhất, ngày 5/10 vừa qua, Ấn Độ đã ký thỏa thuận mua S-400 của Nga trị giá hơn 5 tỷ USD, bất chấp cảnh báo trừng phạt từ Mỹ. Hầu hết các nước tỏ ý muốn sở hữu Rồng lửa S-400 đều nhận được đe dọa trừng phạt từ Mỹ, NATO hay phương Tây.
Vậy tại sao các nước vẫn bất chấp trừng phạt và mạo hiểm cả quan hệ ngoại giao của mình để sở hữu S-400? Giới chuyên gia đã trả lời câu hỏi này và đưa ra lý do đơn giản đầu tiên là vì S-400 sở hữu công nghệ quá “đỉnh” và không thể phủ nhận đây là hệ thống phòng không tối tân nhất thế giới hiện nay.
Tổ hợp S-400 là hệ thống tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến nhất do Cục Thiết kế Trung ương Almaz của Nga phát triển và được đưa vào hoạt động từ năm 2007. S-400 có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 400km và nhắm bắn đồng thời 80 mục tiêu. Hệ thống này được thiết kế để tiêu diệt các máy bay, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo, kể cả tên lửa tầm trung. Khi cần thiết, S-400 cũng có thể nhắm tới các mục tiêu mặt đất. Nhà nghiên cứu trưởng tại Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) Siemon Wezeman đánh giá: “Các radar hay các bộ phận cảm biến và các tên lửa của S-400 có thể bao phủ một phạm vi rộng lớn. Trong đó, Radar có tầm quét ít nhất 600km và các tên lửa có tầm bắn lên tới 400km”.
|
Ảnh: CGT |
Những đặc điểm ưu việt khác của Rồng lửa S-400 còn là tính cơ động và khả năng lắp ráp triển khai đáng kinh ngạc khi có thể lắp đặt, khai hỏa và di chuyển chỉ trong vòng vài phút.
“Đây dường như là hệ thống ‘một cỡ cho mọi loại tên lửa’. S-400 có thể tích hợp với các hệ thống vũ khí tầm xa, tầm trung và thậm chí tầm ngắn, phụ thuộc vào ý đồ sử dụng”, nhà phân tích quân sự Kevin Brand cung cấp đánh giá cho Al Jazeera.
Đó là những yếu tố để New Dehli phớt lờ đe dọa trừng phạt từ Washington và quyết mua Rồng lửa S-400 của Nga.
“Ấn Độ đặt ưu tiên hàng đầu là quan hệ với Nga. Trong thế giới đang chuyển biến nhanh chóng ngày nay, mối quan hệ với Nga được nâng tầm quan trọng”, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nói với Tổng thống Nga Putin sau khi ký thỏa thuận mua S-400.
|
Ảnh:AP |
Cơn ác mộng của Mỹ và NATO
Với Mỹ và phương Tây, Rồng lửa của Nga lại là một mối đe dọa tiềm tàng phá hoại các mối quan hệ đồng minh lâu đời. Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lại là một trong những khách hàng mua S-400 tiềm năng nhất của Nga. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan trong một phát biểu hồi tháng 8/2018 đã khẳng định Ankara sẽ cố gắng mua hệ thống tên lửa phòng không này sớm nhất có thể, mà theo phía Nga có thể là vào năm 2019.
Song rõ ràng, việc Thổ Nhĩ Kỳ quan tâm tới một hệ thống phòng thủ tên lửa của Nga đã “chọc giận” các đồng minh NATO về cả lý do kỹ thuật lẫn lý do chính trị.
“Về mặt kỹ thuật, S-400 sẽ là một bước tiến lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hệ thống này lại không phải là thiết yếu cho lợi ích của NATO, vốn là sự tích hợp của một hệ thống hạ tầng vũ khí rộng lớn”, nhà phân tích Kevin Brand nói.
Giấc mơ S-400 của Thổ Nhĩ Kỳ lại là ác mộng của NATO. “Sẽ có rất nhiều rắc rối”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis nói trước Quốc hội về việc Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch mua S-400 của Nga.
Mối quan ngại của NATO là đương nhiên. Phân tích nội khối NATO cụ thể, ta sẽ thấy NATO coi S-400 là “Con mắt của Moscow” trong lãnh thổ khối quân sự này. Nếu vận hành các hệ thống S-400, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải phụ thuộc vào hỗ trợ kỹ thuật và vận hành của Nga trong vài năm - thời gian đủ để những dữ liệu và thông tin quân sự của NATO lọt vào tay Moscow.
Các phân tích nội khối NATO chỉ ra rằng, với tổ hợp phần mềm của S-400, Nga có thể thu thập mọi dữ liệu của chiến đấu cơ F-35 do Mỹ sản xuất. Theo các chuyên gia không quân, hệ thống radar nhạy bén C-400 sẽ phát huy hết tác dụng để tìm ra những yếu điểm của F-35 khi chiến đấu cơ này bay qua Thổ Nhĩ Kỳ. Washington chắc chắn không thể chấp nhận sự thật rằng những siêu chiến đấu cơ đã phải chi hàng tỷ USD để phát triển sẽ bị phơi bày dưới “Con mắt của Moscow”.
|
Ảnh: Geopolitics |
Rõ ràng việc Thổ Nhĩ Kỳ mua S-400 của Nga sẽ dẫn đến một tình huống nguy hiểm tiềm ẩn cho Mỹ và toàn bộ NATO.
Với Ấn Độ, Saudi Arabia và Qatar, những nước không nằm trong một liên minh quân sự nào như là NATO, việc sở hữu S-400 không gặp nhiều vấn đề về kỹ thuật. Tuy nhiên, đặt bút ký hợp đồng với Nga các nước này sẽ mạo hiểm mối quan hệ ngoại giao và kinh tế với Mỹ.
Năm 2017, Tổng thống Donald Trump ký Đạo luật Chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA), nhằm vào Nga vì cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, sáp nhập Crimea và hành động quân sự tại Syria... Theo đạo luật mới của Mỹ, các nước ký thỏa thuận với Nga về quốc phòng hoặc tình báo có thể đối mặt với các lệnh trừng phạt thứ cấp. Tháng trước, Trung Quốc đã nếm mùi trừng phạt từ CAATSA vì mua máy bay chiến đấu và tên lửa của Nga.
Cái giá đắt của S-400
S-400 món hàng tối tân đáng giá bậc nhất, nhưng cũng là bị coi là mối “nguy hiểm nhất”. Đặc biệt, các nước láng giềng “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” sẽ không hề thoải mái khi sát sườn mình xuất hiện Rồng lửa của Nga. Saudi Arabia và Qatar là một ví dụ. Việc gnới chức cấp cao của Nga khẳng định Moscow vẫn có kế hoạch cung cấp S-400 cho Qatar đã vấp phản đối kịch liệt từ Saudi Arabia. Quốc vương Saudi Arabia Salman đã đe dọa sẽ có hành động quân sự nếu Qatar sở hữu hệ thống phòng thủ tên lửa tối tân của Nga, cho rằng điều này đe dọa đến lợi ích an ninh của Riyadh.
Đáp lại cảnh báo này, Phó Chủ tịch Ủy ban An ninh và Quốc phòng Thượng viện Nga Aleksei Kondratyev khẳng định, Nga sẽ theo đuổi kế hoạch và các mục tiêu của mình khi quyết định bán S-400 cho Qatar. Dù vậy, chính ông Aleksei Kondratyev cũng thấu hiểu mối quan ngại từ phía Saudi Arabia.
|
Ảnh:SUWALLS |
“Saudi Arabia không thể can thiệp vấn đề này. Kế hoạch của Nga sẽ không thay đổi. Rõ ràng là Saudi Arabia đóng vai trò nổi trội trong khu vực. Nhưng Qatar sẽ chiếm ưu thế hơn khi tăng cường các lực lượng vũ trang của mình bằng các hệ thống S-400. Do vậy việc Saudi Arabia gây căng thẳng là có thể hiểu được”, Sputnik dẫn lời ông Aleksei Kondratyev.
Giới quan sát cho rằng Mỹ không có nhiều cơ hội để trừng phạt đặc biệt với Ấn Độ hay Saudi Arabia, bởi vì CAATSA không phải là một cơ chế trừng phạt tự động và có thể được miễn trừ vì lợi ích quốc gia của Washington. Theo đó, trừng phạt sẽ không khả thi với các đối tác quân sự và chính trị quan trọng của Mỹ. Nếu có trừng phạt thì hành động của Mỹ cũng rất hạn chế để các nước này không “tức giận” dẫn đến tổn hại các lợi ích của Washington. Mỹ cũng có thể lựa chọn “trừng phạt ngoại giao” nếu các biện pháp đánh vào kinh tế không khả thi.
Với Mỹ, các thương vụ mua bán S-400 này còn hơn cả một mối đe dọa quân sự. Nó còn là vấn đề kiềm chế Nga tham gia và có ảnh hưởng tới các cuộc xung đột trên toàn cầu. Mỹ vẫn luôn muốn duy trì các mối quan hệ truyền thống hay chiến lược để từ đó ngăn cản Nga kiếm nguồn thu khổng lồ từ các hợp đồng bán trang thiết bị vũ khí.