Những Anh hùng Liệt sĩ trong chiến tranh biên giới 1979 (3)

Google News

(Kiến Thức) - “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết", Anh hùng Liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa trả lời đanh thép trước lời kêu gọi đầu hàng của quân xâm lược.

9. Anh hùng liệt sĩ Lê Đình Chinh
Lê Đình Chinh sinh năm 1960, quê ở xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Trú quán tại nông trường Sông âm, huyện Ngọc Lạc, tỉnh Thanh Hóa. Khi hy sinh đồng chí là thượng sĩ, tiểu đội trưởng, Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 12, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang, đoàn viên Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Ở gia đình Lê Đình Chinh là người con ngoan, ở trường phổ thông Lê Đình Chinh là học sinh giỏi toàn diện, là đội viên tốt. Lê Đình Chinh luôn luôn gương mẫu, hăng hái phấn đấu, rèn luyện tốt, được mọi người rất quý mến. Được vào lực lượng Công an nhân dân vũ trang, Lê Đình Chinh học tập, rèn luyện hăng say, luôn luôn nêu cao ý thức tổ chức kỷ luật, trưởng thành nhanh chóng và vững chắc.
Nhung Anh hung Liet si trong chien tranh bien gioi 1979 (3)
 Quân dân các tỉnh biên giới phía Bắc đứng lên chống giặc ngoại xâm. Nguồn ảnh: Tư liệu
Lê Đình Chinh đã tham gia chiến đấu nhiều trận chống quân Pôn Pốt - Iêng-xa-ri gây chiến tranh biên giới Tây Nam. Đồng chí đã diệt và làm bị thương nhiều tên địch, góp phần tích cực bảo vệ vũng chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và an minh biên giới của Tổ quốc.
Ngày 26 tháng 8 năm 1978, hàng chục tên côn đồ Trung Quốc đã vượt biên giới sang đất ta hành hung cán bộ, phụ nữ và nhân dân địa phương. Lê Đình Chinh đã mưu trí tấn công địch, bằng tay không đánh gục hàng chục tên côn đồ góp phần tích cực cùng đơn vị và nhân dân biên giới giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới phía Bắc.
Lê Đình Chinh đã anh dũng hy sinh, nêu gương sáng ngời về chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã kịp thời tuyên dương công trạng và truy tặng đồng chí Huy hiệu "Vì thế hệ trẻ" ; phát động trong thế hệ trẻ Việt Nam phong trào "Sống, chiến đấu rực lửa anh hùng như Lê Đình Chinh".
Ngày 31 tháng 10 năm 1978, liệt sĩ Lê Đình Chinh được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
10. Anh hùng liệt sĩ Đỗ Sĩ Hoạ
Đỗ Sĩ Họa sinh năm 1946, dân tộc Kinh, quê ở xã Hồng Vân, huyện Ân Thi, tỉnh Hải Hưng. Khi hy sinh đồng chí là thượng úy, phó đồn trưởng Đồn 209, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Quảng Ninh, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đỗ Sĩ Họa đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị, lập công xuất sắc được tặng thưởng Huân chương Chiến công, bị thương, sức khỏe giảm sút đồng chí vẫn tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc.
Ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công, đồn trưởng đi công tác xa. Đỗ Sĩ Họa đã khẩn trương triển khai đội hình chiến đấu theo phương án, trực tiếp phụ trách hướng chính diện. Đồn và các chốt bị pháo và cối của địch bắn cấp tập. Ở vị trí chỉ huy, Đỗ Sĩ Họa bình tĩnh quan sát địch. Khi địch ngừng bắn pháo để bộ binh xông lên, đồng chí đã dũng cảm, mưu trí chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt và làm bị thương nhiều tên. Phát hiện hỏa lực lợi hại của ta ở Đồi Quế, địch dùng chiến thuật biển người ào lên. Các chiến sĩ chốt trên Đồi Quế ngoan cường chiến đấu, diệt nhiều tên địch. Nhưng vì lực lượng quá chênh lệch, Đồi Quế đã bị địch chiếm giữ. Quyết giành lại, Đỗ Sĩ Họa đã tổ chức lực lượng tấn công địch, chiếm lại được Đồi Quế. Địch vừa ào lên hết đợt này đến đợt khác, vừa kêu gọi ta đầu hàng Đỗ Sĩ Họa trả lời: “Người Việt Nam không biết quỳ gối. Chúng mày tới đây, chúng mày sẽ chết".
Nhung Anh hung Liet si trong chien tranh bien gioi 1979 (3)-Hinh-2
 Xe tăng Type 62 của quân xâm lược bị quân ta tiêu diệt. Nguồn ảnh: Tư liệu
Đi tới từng ụ súng, đồng chí động viên chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn, bảo vệ Tổ quốc. Nhìn người chỉ huy mặt bê bết máu, ánh mắt rực lửa căm thù, các chiến sĩ vô cùng xúc động, tin tưởng. Noi gương người chỉ huy, cả đơn vị ngoan cường chiến đấu, tiêu diệt 227 tên địch, giữ vững trận địa.
Đỗ Sĩ Họa bị thương lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba cho đến lúc anh dũng hy sinh cũng không rời trận địa.
Đồn 209 được đề nghị tuyên dương Đơn vị Anh hùng. Đồng chí được truy tặng cấp hàm thượng úy và 1 Huân chương Quân công hạng Ba.
Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Đỗ Sĩ Họa được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
11. Anh hùng liệt sĩ Lộc Viễn Tài
Lộc Viễn Tài sinh năm 1940, dân tộc Tày, quê ở xã Vĩ Thượng, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Khi hy sinh đồng chí là thượng úy, đồn trưởng Đồn 155, Công an nhân dân vũ trang Hà Tuyên, đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Lộc Viễn Tài là cán bộ đã chỉ huy đơn vị đánh nhiều trận xuất sắc, đạt hiệu suất chiến đấu cao, giữ vững được trận địa bảo vệ được dân.
Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược dồn dập bắn pháo, cối dọn đường, rồi thúc quân ồ ạt tấn công Đồn 155 . Lộc Viễn Tài bình tĩnh quan sát địch, đồng thời đi sát động viên từng chiến sĩ quyết tâm chiến đấu bảo vệ đồn. Chỉ huy mũi chính diện, đồng chí trực tiếp bắn đại liên vào đội hình địch. Phát hiện ba tên chỉ huy của địch, Lộc Viễn Tài đã lệnh cho cối bắn trúng, diệt chúng. Đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, tiêu diệt gần 100 tên, tạo điều kiện cho 2 tổ chốt diệt gần 100 tên nữa.
Nhung Anh hung Liet si trong chien tranh bien gioi 1979 (3)-Hinh-3
 
Bị thiệt hại nặng, địch cho bộ binh lui rạ để củng cố đội hình, đồng thời cho pháo bắn cấp tập vào trận địa ta. Nhưng khi bộ binh địch lại xông lên, chúng đã bị cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 155 đánh bật ra.
Ngày 5 tháng 3 năm 1979, địch tập trung lực lượng quyết chiếm Đồn 155 và cao điểm 1379 của ta. Với thủ đoạn cho pháo bắn suốt một tiếng đồng hồ, sau đó dùng bộ binh chia thành nhiều mũi ồ ạt tấn công, nhưng địch vẫn bị đánh bật ra. Địch phải tăng quân. Lợi dụng sương mù, Lộc Viễn Tài đã tổ chức lúc lượng phục kích, đánh dồn địch vào hầm chông, bãi mìn gài sẵn, diệt nhiều tên, buộc địch phải thu quân, củng cố đội hình, rồi mở đợt tiến công mới. Lộc Viễn Tài chỉ huy một tổ chặn đánh địch từ xa, chia cắt đội hình địch ra, tiêu diệt nhiều tên. Quân địch quá đông, đạn sắp hết, đồng chí lệnh cho hai chiến sĩ rút lui, còn mình dùng những viên đạn cuối cùng ghìm chân địch, bảo vệ đồng đội. Trong tay còn hai quả lựu đạn nứa Lộc Viễn Tài chờ địch đến gần, đồng chí giật nụ xòe, ném vào đội hình địch, diệt thêm gần chục tên và đã anh dũng hy sinh.
Tính chung trong các trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, riêng Lộc Viễn Tài đã diệt 91 tên. Đồng chí được truy tặng Huân chương Quân công hạng Ba.
Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Lộc Viễn Tài được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang.
12. Anh hùng liệt sĩ Nông Văn Giáp
Nông Văn Giáp sinh năm 1945, dân tộc Nùng, quê ở xã Yên Bình, huyện Hữu Lũng, tỉnh lạng Sơn. Khi hy sỉnh đồng chí là trung úy, đồn phó Đồn 191, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lạng Sơn; đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nông Văn Giáp đã qua chiến đấu ở chiến trường miền Nam, thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, đồng chí tình nguyện lên bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, đã lập nhiều thành tích chỉ huy đơn vị xây dựng thế trận mới.
Sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân xâm lược ồ ạt tấn công. Chúng dùng pháo bắn cấp tập vào đồn sau đó cho bộ binh địch xông lên. Với kinh nghiệm dày dạn qua 9 năm chiến đấu chống Mỹ, Nông Văn Giáp bình tĩnh chỉ huy đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của địch, diệt 100 tên. Dùng chiến thuật biển người, vừa tấn công chính diện, địch vừa đánh tạt sườn vào trận địa ta. Phát hiện sớm mưu đồ của địch, đồng chí chỉ huy đơn vị chiến đấu linh hoạt, cơ động, ngay từ đầu đã diệt được cụm thông tin, chỉ huy và hai tên thổi kèn. Đội hình địch rối loạn, chúng không dám xông lên, buộc lui quân, tổ chức đợt tấn công mới. Các chiến sĩ tin tưởng ở Nông Văn Giáp - người chỉ huy gan dạ, mưu trí và quyết tâm chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
Địch lại cho nhiều tốp, nhiều toán, có hỏa lực yểm trợ, liên tục tấn công. Đồng chí nhảy lên khỏi chiến hào, hô to: xung phong Các chiến sĩ theo người chỉ huy bật dậy, kiên quyết phản kích, đẩy địch xuống chân đồi. Đồng chí bị thương nặng. Đồng chí Rô (tiểu đôi trưởng) băng bó cho cấp trên của mình. Đồng chí Giáp bình tĩnh, cầm tay đồng chí Rô căn dặn: “chiến sự còn ác liệt Tôi bị thương. Đồng chí thay tôi chỉ huy phân đội chiến đấu, giữ vững trận địa đến cùng. Nhớ: tiết kiệm đạn, diệt nhiều địch”.
Địch lại hò nhau xông lên. Xạ thủ trung liên bị thương. Đồng chí Giáp cố lê người đến thay thế, dùng sức còn lại bắn mãnh liệt vào đội hình địch, diệt nhiều tên, cùng đơn vị bẻ gãy nhiều đợt tấn công của chúng và anh dũng hy sinh.
Tấm gương chiến đấu của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ toàn đơn vị quyết tâm diệt nhiều địch, trả thù cho đồng đội, bảo vệ Tổ quốc.
Nông Văn Giáp được truy tặng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Ngày 19 tháng 12 năm 1979, liệt sĩ Nông Văn Giáp được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Đại Dương

>> xem thêm

Bình luận(0)