Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Theo Đài RT của Nga ngày 26/1, tại một cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby được hỏi rằng liệu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu - có đủ lực lượng để đẩy lùi một cuộc tấn công có thể xảy ra của Nga vào sườn phía Đông của khối này trong trường hợp xung đột ở Ukraine leo thang nghiêm trọng hay không.
Ông Kirby đã trả lời rằng: “Tất cả những gì tôi có thể nói với các bạn là chúng tôi hoàn toàn không thấy dấu hiệu nào cho thấy (Tổng thống Nga Vladimir) Putin có ý định tấn công lãnh thổ NATO”.
Ông Kirby đồng thời nhấn mạnh Tổng thống Mỹ Joe Biden đang “nghiêm túc tuân thủ các cam kết trong Điều 5 của Hiệp ước Washington (về việc thành lập NATO)”, quy định các nước thành viên “đồng ý rằng một cuộc tiến công quân sự chống một hoặc nhiều nước của NATO ở châu Âu hoặc Bắc Mỹ sẽ được coi là một cuộc tiến công chống tất cả các nước thành viên”.
Ông Kirby lưu ý rằng Washington đã triển khai thêm 20.000 quân Mỹ ở châu Âu, nâng tổng số lên 100.000 quân, đồng thời bày tỏ tin tưởng NATO có đủ khả năng, năng lượng, tài năng, nhân lực và nguồn lực để thực hiện Điều 5 của Hiệp ước Washington.
Theo RT, Nga đã liên tục mô tả sự hiện diện quân sự của Mỹ ở sườn phía Đông của NATO là một mối đe dọa. Vào cuối tháng 10/2022, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cảnh báo rằng “quân đội Mỹ càng ở gần biên giới của chúng ta, chúng ta càng gặp nguy hiểm”.
Ông Kirby cũng cho biết Mỹ đang chú ý đến các lằn ranh đỏ do Moskva vạch ra ở Ukraine, đồng thời nói thêm: “Chúng tôi không coi thường bất cứ điều gì khi họ nói điều đó. Và chúng tôi không bác bỏ”.
Vào mùa thu năm 2022, Bộ Ngoại giao Nga đã cảnh báo Washington rằng việc chuyển giao vũ khí tầm xa cho Kiev sẽ vượt qua “lằn ranh đỏ” và khiến Mỹ trở thành “một bên trực tiếp của cuộc xung đột”.
Ngày 24/1, ông Dmitry Polyansky, Phó đại diện thường trực thứ nhất của Moskva tại Liên hợp Quốc, gợi ý rằng trong khi phương Tây đã phớt lờ một số cảnh báo của Moskva thì “có thể những (lằn ranh) đỏ nhất vẫn chưa bị vượt qua”.
Tuy nhiên, hôm sau, Bộ Ngoại giao Nga nói rằng tất cả “những cuộc nói chuyện về lằn ranh đỏ đã trở thành dĩ vãng”, chỉ rõ xung đột ở Ukraine là “cuộc chiến hỗn hợp” do phương Tây tiến hành chống lại Nga.
Các quan chức hàng đầu của Nga đã nhiều lần mô tả những gì đang diễn ra ở Ukraine như một cuộc chiến ủy nhiệm giữa Nga và NATO hơn là một cuộc xung đột đơn thuần giữa Nga với Ukraine.
Trao đổi với phóng viên vào ngày 10/1, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng “cả NATO và Mỹ chắc chắn đang tham gia vào cuộc xung đột này, mặc dù là gián tiếp, thông qua người được ủy nhiệm (Ukraine)".
Theo ông Peskov, mặc dù cả Washington và Brussels đều khẳng định rằng họ không có ý định tham gia vào cuộc xung đột giữa Moskva và Kiev, nhưng "trên thực tế, họ đã trở thành một bên gián tiếp" trong cuộc xung đột đó.
Nguyên nhân là do Mỹ và các đồng minh, bao gồm cả các quốc gia thành viên NATO, đã "bơm cho Ukraine đầy đủ vũ khí, (chia sẻ) công nghệ và dữ liệu tình báo...”, cho nên, “sự tham gia của họ vào cuộc xung đột này là rõ ràng".
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga, ông Nikolay Patrushev, cũng cho rằng “các sự kiện ở Ukraine không phải là cuộc đối đầu giữa Moskva và Kiev”, mà là sự đối đầu giữa khối NATO – “trước hết là Mỹ và Anh” – với Nga.