Một lô hàng viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine hồi tháng 2. (Nguồn: Reuters)
Tăng cường vị thế của Ukraine
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 1/6 tuyên bố nước này sẽ gửi các hệ thống tên lửa tối tân hơn để giúp Ukraine. Trước đó, Mỹ đã từ chối lời yêu cầu mà Ukraine đưa ra từ lâu do lo ngại vũ khí có thể được dùng nhằm vào các mục tiêu ở Nga.
Tuy nhiên, nhấn mạnh viện trợ vũ khí gây sát thương sẽ tăng cường vị thế của Ukraine trên bàn đàm phán với Nga, Tổng thống Biden lập luận rằng quyết định này có thể giúp một giải pháp ngoại giao trở nên khả thi.
Một quan chức Nhà Trắng cho biết các vũ khí mới sẽ bao gồm Hệ thống pháo phản lực cơ động cao M142 (HIMARS), mẫu pháo tầm trung sử dụng đầu đạn dẫn đường chính xác, song chưa rõ số lượng cụ thể.
Các hệ thống này có thể phóng tên lửa dẫn đường có độ chính xác cao nhằm vào các mục tiêu cách xa 70 km, xa hơn loại pháo mà Ukraine hiện có. Hệ thống này cũng được cho có độ chính xác cao hơn các thiết bị tương đương của phía Nga.
Theo giới chức Nhà Trắng, các tên lửa mới sẽ là phần quan trọng nhất trong gói viện trợ quân sự trị giá 700 triệu USD của Mỹ dành cho Ukraine, được công bố chính thức cũng trong ngày 1/6.
Gói viện trợ quân sự thứ 11 của Mỹ gửi đến Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2 vừa qua còn bao gồm máy bay trực thăng, thiết bị chống tăng, xe quân sự chiến thuật và các phụ tùng thay thế.
"Nhân tố thay đổi cuộc chơi"
Tháng 5 vừa qua, Ukraine nói rằng việc có được HIMARS sẽ “rất quan trọng” trong việc đáp trả các cuộc tấn công tên lửa của Nga.
Thời điểm đó Mỹ lo ngại Ukraine sẽ sử dụng vũ khí này ở vùng Donbass, nơi giao tranh vẫn diễn ra ác liệt nhất, và các vũ khí có thể được dùng để chống lại pháo kích từ Nga nhằm vào các thị trấn của Ukraine.
Giới chức Nhà Trắng đồng ý cung cấp tên lửa chỉ khi có được các đảm bảo từ Tổng thống Zelensky rằng các loại vũ khí sẽ không được dùng để nhằm vào những mục tiêu bên trong nước Nga.
Tổng thống Biden nhấn mạnh ngày 1/6: “Chúng tôi sẽ không gửi đến Ukraine các hệ thống tên lửa có thể tấn công vào bên trong nước Nga”.
Một số nhà phân tích cho rằng HIMARS có thể là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi", nhiều người khác thì tỏ ra thận trọng và cho rằng không nên mong đợi khả năng đột ngột lật ngược thế cờ, ít nhất là vì quân đội Ukraine cần thời gian để học cách sử dụng chúng một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến cho rằng quyết định này của Mỹ là một sự củng cố và cải thiện tinh thần chiến đấu sau gần 100 ngày chiến sự.
Trong bài báo trên New York Times ngày 1/6, Tổng thống Biden khẳng định mục tiêu của Mỹ là đơn giản có một Ukraine “dân chủ, độc lập và có chủ quyền”, chứ không phải là muốn gia tăng xung đột với Moscow.
Ông chỉ trích các hoạt động của Nga đã làm chững lại các nỗ lực hòa bình, và nói thêm rằng Mỹ sẽ không bao giờ yêu cầu Ukraine nhượng bất kỳ lãnh thổ nào để đổi lấy việc chấm dứt xung đột.
Về nguy cơ sử dụng vũ khí hạt nhân tại Ukraine, Tổng thống Biden cho rằng “chưa thấy dấu hiệu nào từ Nga ở thời điểm hiện tại”, song cảnh báo đây là điều không thể chấp nhận được và sẽ đối mặt với “hậu quả tàn khốc”.
Theo ba nguồn thạo tin khác, chính quyền Tổng thống Biden có kế hoạch bán cho Ukraine 4 máy bay không người lái MQ-1C Grey Eagle có thể trang bị tên lửa Hellfire.
Grey Eagle có thể là một bước nhảy vọt trong công nghệ bởi khả năng bay tới 30 giờ hoặc hơn tùy thuộc vào nhiệm vụ, đồng thời có thể thu thập lượng dữ liệu khổng lồ cho mục đích tình báo. Gray Eagle, phiên bản quân sự của máy bay không người lái Predator được biết đến rộng rãi hơn, cũng có thể mang tới tám tên lửa Hellfire.
Thương vụ này rất quan trọng vì sẽ lần đầu tiên đưa một hệ thống tấn công tân tiến của Mỹ vốn được trang bị các năng lực tác chiến mạnh mẽ vào Ukraine để chống lại Nga.
Lời hồi đáp ngắn gọn
Theo hãng thông tấn Interfax, ngay sau khi bài viết của Tổng thống Biden được đăng tải, quân đội Nga đã công bố lực lượng hạt nhân đang diễn tập tại tỉnh Ivanovo, gần Moscow.
Dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng, Interfax cho biết khoảng 1.000 quân nhân đang thực hiện các cuộc diễn tập cường độ cao sử dụng hơn 100 phương tiện, bao gồm cả bệ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Yars.
Theo lời một sỹ quan quân đội cấp cao, Nga cũng đã hoàn thành thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh Zircon và sẽ triển khai tên lửa này vào cuối năm nay trên một tàu khu trục nhỏ mới của Hạm đội phương Bắc.
Quân đội Nga ngày 1/6 cũng đã tấn công một thành phố công nghiệp Sievierodonetsk trong nỗ lực chiếm miền Đông Ukraine.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine cho biết các lực lượng Nga, trong chiến dịch quân sự đã kéo dài 98 ngày, tiếp tục tấn công các quận phía Bắc, phía Nam và phía Đông Sievierodonetsk, vùng Luhansk.
Nếu chiếm được Sievierodonetsk và thành phố nhỏ hơn Lysychansk ở khu vực bờ tây của sông Siverskyi Donetsk, thì Nga sẽ chiếm giữ toàn bộ Luhansk, một mục tiêu chiến tranh quan trọng của Tổng thống Vladimir Putin.
Thống đốc khu vực Serhiy Gaidai cho biết quân đội Nga hiện kiểm soát khoảng 70% thành phố. Trước đó, ông cho biết thành phố phần lớn đã biến thành đống đổ nát và các cuộc pháo kích của Nga đã khiến việc vận chuyển hàng cứu trợ hoặc sơ tán người dân không thể thực hiện được.
Ông Gaidai thừa nhận Lysychansk dễ bảo vệ hơn vì nằm trên một ngọn đồi nhưng các lực lượng Nga sẽ nhắm mục tiêu bằng pháo và súng cối khi đã kiểm soát hoàn toàn Sievierodonetsk.
Về gói viện trợ mới của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov bình luận ngắn gọn với hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti rằng Moscow xem là đây là quyết định “vô cùng tiêu cực”.