Liên Xô: Nổ tàu ngầm hạt nhân vẫn may mắn sống sót

Google News

(Kiến Thức) - Trong quá khứ Liên Xô khá "đen đủi" với các loại vũ khí liên quan đến hạt nhân khi nước này đã phải hứng chịu đủ mọi loại tai họa đến từ thứ vũ khí hủy diệt này.

Vào năm 1985, một tàu ngầm hạt nhân Liên Xô gặp phải sự cố trong khi đang tái nạp lõi phản ứng hạt nhân, vụ việc đã khiến 10 thủy thủ trên tàu thiệt mạng tại chỗ và nhiều người bị phơi nhiễm phóng xạ nặng.
Nhiên liệu được sử dụng cho lò phản ứng hạt nhân trên tàu tất nhiên không phải là dầu diesel mà là các lõi nguyên liệu uranium. Vụ tai nạn đã làm rò rỉ một lượng lớn phóng xạ ra toàn bộ con tàu cũng như vùng biển xung quanh.
Vụ việc trên thực tế không phải là một tai nạn quá lớn so với những tai nạn trước đó liên quan tới vấn đề hạt nhân của Liên Xô. Tuy nhiên, nó lại gây được sự chú ý ở chỗ có người sống sót và di chứng về phóng xạ mà họ mang theo trên người cho tới khi qua đời.
 Một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô thuộc lớp Echo II (Project 675). Nguồn ảnh: Wiki.
Lật lại lịch sử, các loại tên lửa hay máy bay ném bom chiến lược của Liên Xô có khả năng mang vũ khí hạt nhân đều khá khó với tới được lãnh thổ Mỹ nằm tách biệt hoàn toàn với phần còn lại của thế giới. Trong khi đó, phía Mỹ với hàng loạt các đồng minh của mình ở phương Tây và Nhật Bản ở phương Đông có thể đặt tên lửa hạt nhân bắn "nát" Liên Xô bất cứ lúc nào.
Giải pháp duy nhất và khả thi nhất của Liên Xô trong giai đoạn đầu Chiến tranh Lạnh đó là sử dụng các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo. Các loại tàu ngầm này, được biết tới nhiều nhất như lớp Echo I và Echo II có khả năng mang theo từ 6 tới 8 quả tên lửa hành trình loại P-5 Pyatyorka. Được phía NATO đặt tên là "Shaddock", tên lửa P-5 là loại tên lửa hành trình cận âm có tầm bắn khoảng 550 km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân từ 200 tới 350 kiloton. Tên lửa hạt nhân P-5 của Liên Xô có sai số lệch tâm chỉ khoảng 3,5 km, điều này là khá vô nghĩa vì với đầu đạn hạt nhân 350 kt, các mục tiêu cách vụ nổ 3,5 km chắc chắn cũng sẽ bị san phẳng.
 Tên lửa P-5 của Liên Xô. Một điểm đặc biệt đó là Việt Nam cũng sở hữu loại tên lửa này trong kho vũ khí của mình. Phiên bản tên lửa P-5 của Việt Nam là loại tên lửa hành trình chống hạm, mang theo đầu đạn nổ 1000 kg thay vì đầu đạn hạt nhân. Nguồn ảnh: Wiki.
Các tên lửa này được bố trí trong các bệ phóng thẳng đứng bên ngoài sàn tàu của tàu ngầm. Tuy nhiên, khác với các loại tàu ngầm mang tên lửa hành trình hiện đại ngày nay, để phóng được tên lửa P-5, tàu ngầm buộc phải nổi lên mặt nước, triển khai và kích hoạt hệ thống radar dẫn đường và trực tiếp dẫn hướng tên lửa khi nó đang bay tới mục tiêu.
Hệ thống này, theo đánh giá của các sử gia và các chuyên gia nghiên cứu quân sự là không hoàn hảo. Đường truyền tín hiệu được cho là thường xuyên gặp vấn đề và quan trọng nhất là trong thời gian dẫn đường, tàu ngầm buộc phải nổi liên tục trên mặt nước. Điều này có nghĩa là mỗi phát bắn tên lửa P-5 sẽ giống như một phát bắn "cảm tử" vì rất có thể, các tàu tuần tra, các khu trục hạm của đối phương sẽ dễ dàng tiêu diệt con tàu ngầm xấu số đó.
Cuối cùng, tên lửa P-5 đã bị thu hồi để thay thế bằng loại tên lửa P-6, một thứ tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân tương tự nhưng có khả năng tự hoạt động bởi hệ thống radar tích hợp bên trong nó.
Sự ra đời của hệ thống tên lửa P-6 đã cho các tàu ngầm Echo II của Liên Xô một vị thế mới trên biển. Năm 1985, tàu ngầm K-431 khi đó dù đã 20 tuổi nhưng vẫn được coi là "đủ điều kiện kỹ thuật để hoạt động". Giống tất cả các tàu ngầm lớp Echo II khác, K-431 có hai lò phản ứng hạt nhân cung cấp áp lực nước cực lớn làm quay các tua-bin trên tàu, cung cấp tổng cộng 60.000 sức ngựa cho tàu hoạt động. Tuy nhiên, do đã "có tuổi" nên K-431 cần tái nạp lò phản ứng hạt nhân để có thể tiếp tục sử dụng. Quá trình tái nạp lò phản ứng hạt nhân của K-431 bắt đầu được thực hiện bởi Hải quân Liên Xô ở cảng Chazhma vào tháng 8/1985.
 Một tàu ngầm hạt nhân lớp Echo II của Liên Xô đang nằm trong cảng chờ tiếp tế. Nguồn ảnh: Pinterest.
Vào ngày 10/8/1985, tàu ngầm hạt nhân K-431 của Liên Xô đang trong quá trình tái nạp lõi nhiên liệu hạt nhân. Theo các báo cáo sau này được Nga giải mật, nắp của lò phản ứng hạt nhân đã được đóng hoàn toàn với lõi phản ứng mới đã được thay. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng đã cho thấy nắp lò phản ứng hạt nhân trên tàu ngầm K-431 dường như đã bị kênh và không được đóng khít hoàn toàn. Điều này được phỏng đoán là do lõi phản ứng hạt nhân được đặt không đúng vị trí, dẫn tới việc nó làm kênh nắp lò phản ứng.
Việc lò phản ứng hạt nhân được đóng không kín nắp đã tạo ra một thảm họa dây chuyền, dẫn tới việc rò rỉ phóng xạ và gây ra một vụ nổ cực lớn. Vụ nổ đã thổi bay nắp lò phản ứng hạt nhân nặng 12 tấn trên tàu, tạo ra áp lực cực lớn nên thân tàu và khiến thân tàu bị vỡ từ bên trong vỡ ra. Lõi phản ứng hạt nhân bị phá hủy hoàn toàn, 8 sĩ quan cùng 2 thủy thủ đang đứng gần khu vực xảy ra vụ nổ bị thiệt mạng ngay lập tức.
Vụ nổ hất tung nhiều mảnh vỡ khổng lồ lên không trung, vụ nổ lớn tới nỗi các mảnh vỡ được tìm thấy rải rác trong một khu vực rộng 650 mét và dài tới 3,5 km theo hướng gió dọc khu vực tàu đang neo đậu.
Theo thông tin được trang Nuclear Risks đăng tải, vụ tai nạn đã gây rò rỉ phóng xạ nặng. Thực tế, tia Gamma không nguy hại lắm tới sức khỏe con người và thậm chí nó còn được sử dụng trong y tế như một công cụ không thể thiếu để tiến hành chụp CT cắt lớp. Tuy nhiên, vụ nổ nói trên đã khiến các khu vực xung quanh bị nhiễm xạ nhiều tương đương với việc chụp CT cắt lớp mỗi giờ một lần nếu như đứng trong khu vực đó mà không có đồ bảo hộ - tần suất chụp cắt lớp nhiều như vậy chắc chắn sẽ ảnh hưởng nặng tới sức khỏe, thậm chí dẫn tới tử vong.
Vụ nổ đã giải phóng khoảng 259 petabecquerels (đơn vị đo cường độ phóng xạ), trong đó bao gồm khoảng 29 gigabecquerels của chất Iodine-131, một chất được coi là nguyên nhân có thể dẫn tới ung thư và phá hủy mô, Iodine-131 thường được sử dụng một cách có kiểm soát với số lượng cực nhỏ để xạ trị, điều trị ung thư trong lĩnh vực y tế.
Có thể nói, số phận của toàn bộ các nạn nhân có mặt xung quanh khu vực xảy ra vụ nổ cùng các lực lượng dọn dẹp, cứu hỏa hoạt động ở gần vụ nổ đã "an bài" sau khi họ bị phơi nhiễm một lượng lớn phóng xạ kể trên. Trong số các nạn nhân, có cả một ngôi làng với phụ nữ và trẻ em sinh sống gần nơi xay ra vụ nổ.
Tổng số có 49 người trong lực lượng cứu hộ đã có các triệu chứng do nhiễm phóng xạ nặng, trong số đó có 10 người xuất hiện các triệu chứng cấp tính.
Khu vực cảng Chazhma tới tận ngày nay vẫn đo được nồng độ phóng xạ quá cao trong không khí, toàn bộ khu vực này đã bị bỏ hoang. Chazhma  bị nhiễm phóng xạ là điều chắc chắn, điều người ta hoài nghi đó là liệu có phải vụ nổ năm 1985 đã phát tán phóng xạ vào không khí tới tận ngày nay hay nồng độ phóng xạ quá cao ở Chazhma thực chất là hậu quả của việc rò rỉ phóng xạ lâu ngày vì đây vốn là một cảng tàu ngầm hạt nhân khá tấp nập dưới thời Liên Xô.
Tàu ngầm hạt nhân K-431 chỉ là một trong số rất nhiều tàu ngầm của Liên Xô gặp tai nạn với phóng xạ trong suốt thế kỷ 20. Tổng cộng đã có 10 tàu ngầm hạt nhân Liên Xô gặp tai nạn dạng này. Ở chiều hướng ngược lại, phía Mỹ chưa từng có bất cứ tai nạn nào liên quan tới nổ hay phát tán hạt nhân vào không khí cho tới tận ngày nay, tất nhiên là các vụ tai nạn như kiểu máy bay ném bom hạt nhân của Mỹ làm... rơi bom khi đang bay là điều đã xảy ra trong quá khứ, tuy nhiên may mắn thay chưa từng có quả bom nào phát nổ.
Các vụ tai nạn hạt nhân, theo nhận xét của National Interest, không những có thể gây ra thảm họa môi trường và làm hàng loạt người bị ảnh hưởng mà nó còn có thể gián tiếp ảnh hưởng tới chính sách đối ngoại của các cường quốc, thậm chí có thể kéo nhân loại vào một cuộc chiến tranh hạt nhân đúng nghĩa. Giống như một hậu quả dây chuyền khi gạt đổ quân domino đầu tiên, để tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân có thể xảy ra, đầu tiên ta phải tránh các tai nạn liên quan tới hạt nhân đã.
Mời độc giả xem Video: Một tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô bị chìm ở vùng biển Đại Tây Dương mang theo lõi phản ứng hạt nhân gây rò rỉ phóng xạ ra môi trường tới tận ngày nay.
Tuấn Anh

>> xem thêm

Bình luận(0)