Căng thẳng giữa Israel và các quốc gia Arab, đặc biệt là với Iran và Syria bùng phát mạnh mẽ trong những ngày gần đây. Ngày 10/5, Iran bất ngờ pháo kích vào các tiền đồn của Israel ở cao nguyên Golan. Đáp lại, Israel tổ chức cuộc không kích quy mô lớn vào các vị trí của Iran tại Syria.
Những căng thẳng giữa Israel và Iran có lịch sử sâu xa bắt nguồn từ sự tranh chấp giai giẵng và gần như không có hồi kết giữa người Do Thái và người Arab. Đây cũng không phải là lần đầu tiên Israel một mình đương đầu với cuộc chiến gần như không cân sức về quân số.
Quyết định táo bạo
Sau Thế chiến II, các quốc gia Arab từng là thuộc địa của Anh lần lượt tuyên bố độc lập. Ai Cập được Liên Hợp Quốc công nhận độc lập từ năm 1945, Jordan độc lập từ năm 1946 và Syria cùng năm. Riêng vùng đất Palestine, nơi cư ngụ của người Arab và người Do Thái vẫn chưa thể giải quyết một cách ổn thỏa.
Từ khi đế chế Ottoman sụp đổ năm 1923, người Do Thái và người Arab bản xứ đều khẳng định quyền sở hữu vùng lãnh thổ này. Người Do Thái quả quyết rằng Palestine thực sự là miền đất cổ xưa của Israel, theo Kinh thánh, đã được Thiên Chúa hứa ban cho mình. Còn người Arab-Palestine khăng khăng họ là những cư dân liên tục sinh sống trên mảnh đất này nên có quyền kiểm soát nó.
|
Xe tăng M4 Sherman của Israel xông lên chiếm lĩnh trận địa. Ảnh: Wikipedia. |
Ngày 29/11/1947, Nghị quyết số 181 được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc chấp thuận, giải quyết cuộc xung đột Arab - Do Thái bằng cách phân chia Palestine thành hai quốc gia, Do Thái và Arab. Mỗi quốc gia sẽ bao gồm 3 vùng lãnh thổ chính, đan xen và liên kết bởi các dải lãnh thổ đặc quyền hẹp.
Theo kế hoạch, chế độ ủy trị của Anh tại Palestine sẽ chấm dứt vào ngày 15/5/1948, nhưng ban lãnh đạo Do Thái, dẫn đầu bởi Thủ tướng tương lai David Ben-Gurion, đã táo bạo tuyên bố độc lập ngay trước đó 1 ngày (14/5) và được Liên Xô, Mỹ và nhiều nước khác nhanh chóng công nhận ngay sau đó.
Một chọi tám
Ngay khi tuyên bố độc lập của Israel còn chưa ráo mực, 8 nước Arab gồm Ai Cập, Iraq, Syria, Jordan, Lebanon, Saudi Arabia, Yemen và quân đội giải phóng Arab (một lực lượng quân sự do Liên đoàn Arab xây dựng ở Palestine) liên thủ tấn công nhà nước Do Thái non trẻ.
Liên quân Arab bao vây và tấn công Israel từ nhiều hướng khác nhau. Syria và Lebanon tấn công Israel từ phía Bắc. Jordan và Iraq tấn công từ phía đông, Ai Cập tấn công từ phía nam. Quân đội giải phóng Arab phối hợp với Ai Cập tấn công từ bờ tây.
Quân đội Israel phải đối mặt với một cuộc chiến không cân sức về quân số. Ngay khi cuộc chiến nổ ra, quân đội Israel có quân số chỉ khoảng 30.000 người, phải đối đầu với liên quân có quân số tới hơn 65.000 người.
Thua thiệt về quân số, nhưng người Israel lại nắm trong tay vũ khí vô cùng quan trọng đó là tinh thần chiến đấu quả cảm. Họ gần như không có đường lui, thua trận đồng nghĩa với nơi sinh sống lâu nay sẽ không còn.
|
Một máy bay của Ai Cập bị Israel bắn hạ. Ảnh: Wikipedia. |
Bên cạnh đó, khi chiến tranh xảy ra, những người Do Thái sinh sống ở các nước Arab bị ngược đãi, cướp bóc tài sản, bị trục xuất hoặc bỏ trốn khỏi nơi họ đang ở. Phần lớn trong số họ là những người sống sót sau nạn diệt chủng người Do Thái của phát xít Đức. Họ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc di cư đến Israel và tham gia cuộc kháng chiến của người Do Thái.
Giai đoạn sau của cuộc chiến, quân số của quân đội Israel gia tăng nhanh chóng. Đến giai đoạn cuối của Chiến tranh Arab-Israel, quân số Israel đã vượt quá 100.000 người.
Trong khi đó, liên quân Arab tuy có quân số mạnh và cùng mục tiêu là ngăn cản Israel độc lập, nhưng lại mâu thuẫn lẫn nhau về lợi ích. Điều đó dẫn đến sự phối hợp trong chiến thuật tấn công không thực sự tốt. Binh lính các nước Arab cũng yếu về tinh thần chiến đấu nên các mũi tấn công đều bị Israel bẻ gãy.
Quân đội Israel được tổ chức chặt chẻ, trang bị tốt, tinh thần chiến đấu quả cảm. Họ từ thế cửa dưới dần nắm thế chủ động trên chiến trường. Sau khoảng 10 tháng giao tranh ác liệt, thỏa thuận đình chiến giữa Israel và các nước Arab lần lượt được ký kết từ tháng 3 đến tháng 7/1949.
Cuộc chiến kết thúc với chiến thắng thuộc về người Do Thái. Nhà nước Israel được thành lập với lãnh thổ riêng biệt. Các nước Arab về mặt tư tưởng vẫn không thể chấp nhận sự tồn tại của một nước Do Thái độc lập và tiếp tục gây ra các cuộc chiến khác với Israel cho đến cuối năm 1973.
Quốc gia Do Thái nhỏ bé sống giữa vòng vây của các nước Arab nhưng Israel không hề lép vế mà ngày một trở nên hùng mạnh. Người Do Thái rất giỏi trong việc chế tạo và cải tiến vũ khí. Israel cũng rất khôn khéo trong việc tìm mua vũ khí phương Tây, cả hợp pháp lẫn buôn lậu.
Bên cạnh đó, Israel xác định phải tập trung vào tự chủ về vũ khí trang bị. Israel chế tạo thành công rất nhiều vũ khí hiện đại, giúp xây dựng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) trở thành một trong những quân đội hùng mạnh bậc nhất Trung Đông. Đặc biệt, Không quân Israel gần như làm chủ bầu trời khu vực Trung Đông. Họ có thể không kích vào bất kỳ mục tiêu nào đe dọa đến an ninh quốc gia.
Mời độc giả xem video: Những hình ảnh hiếm hoi trong Chiến tranh Israel - Ả Rập. (nguồn PublicResourceOrg)