Nhiệm vụ mà Điệp viên Phạm Chuyên được giao khi trở lại miền Bắc là: Tổ chức cơ sở quần chúng; tổ chức một khu căn cứ chuẩn bị cho hoạt động vũ trang; tổ chức cơ sở vùng biên để làm cơ sở đón tiếp tế về người, vũ khí, hàng hóa lương thực từ miền Nam ra; cập nhật và báo cáo tin tức về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế ở vùng hoạt động.
Theo kế hoạch Phan đưa ra, sau khoảng 1 đến 2 năm, khi Chuyên đã gây dựng được cơ sở vững và guồng máy hoạt động tốt, trung tâm sẽ cử người ra hoặc Chuyên chỉ định người mà mình đã tuyển để thay thế, Chuyên sẽ trở lại miền Nam. Trong trường hợp bị lộ, Chuyên báo cáo để trung tâm tổ chức đón. Trường hợp khẩn cấp, có thể bị bắt thì Chuyên rút vào rừng trốn, chờ trung tâm tổ chức cho tàu ra đón bằng đường biển…
|
Báo cáo của Sở Công an Hồng Quảng về việc khai thác Phạm Chuyên sau gần hai tháng bắt giữ. |
16 giờ ngày 7/4/1961, chiếc tàu chở Chuyên đến vùng biển Vịnh Bắc Bộ. Sau hơn 3 giờ, tàu đã đi vào khu vực Hồng Gai. Khi chạy qua luồng Cửa Dứa, đến gần một quả núi cao có tên núi cột cờ thì dừng lại và hạ chiếc thuyền nan, chiếc xuồng cao su xuống nước. Sau hơn nửa tiếng chuẩn bị, đưa máy truyền tin và hành lý của Chuyên lên thuyền nan, chiếc xuồng cao su kéo theo thuyền nan chở Chuyên chạy về phía hang Đầu Gỗ rồi rẽ sang ghềnh Si.
2 giờ sáng ngày 8/4, đến ghềnh Si, Chuyên bơi thuyền nan theo kênh tiến vào núi đất rồi vác hai chiếc máy truyền tin cùng tư trang lên giấu ở rừng sú. Chuyên kéo chiếc thuyền vào một lạch nhỏ giữa rừng sú và trốn trong rừng cả ngày. Vậy là sau 22 tháng bỏ trốn vào Nam, Phạm Chuyên đã trở lại quê hương nhưng với một vai trò khác, điệp viên của CIA với mật danh Ares.
Sau một ngày trốn trong trong rừng sú, đêm 8/4, sau khi chôn giấu máy truyền tin, Chuyên lẩn về nằm ở trong vườn nhà mình nhưng không dám vào nhà vì sợ em dâu, là vợ Phạm Ốc, và vợ con mình biết sẽ bị lộ. Sáng hôm sau, khi thấy Ốc đi làm, Chuyên mới gọi Ốc. Tối hôm đó, Chuyên gặp mẹ và hai em trai là Ốc và Đắc.
Cùng thời điểm này, ông Ngột, ngư dân ở thôn La Khê, xã Tiền An, huyện Yên Hưng, tỉnh Hồng Quảng và bạn chài phát hiện một chiếc thuyền nan có kiểu dáng rất lạ, không giống như của ngư dân vùng Hồng Quảng đang sử dụng. Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi ra bến thì không thấy chiếc thuyền đâu nữa. Chuyện này lập tức được báo cho Cơ quan Công an. Sau khi xác minh, công an đã tìm thấy chiếc thuyền lạ nằm cách xã Tiền An 2km. Người chủ của chiếc thuyền trình bày rằng anh ta mua lại của một gia đình thuyền chài.
Mấy ngày sau, Phạm Văn Hán, ở xã Tiền An lên báo với Công an xã rằng mẹ anh là bà Trới, chiều ngày 9/4 khi lên núi Đầm Thùa lấy củi thì bất ngờ thấy ở gần nhà Phạm Ốc có một người đàn ông lạ ngồi trong bụi rậm, xung quanh có rất nhiều quần áo. Khi thấy bà, người này úp mặt trên đầu gối như che mặt rồi gừ lên một tiếng nghe sởn tóc gáy, tưởng ma, bà vứt cả dao lẫn củi bỏ chạy về nhà.
Về phần mình, sau mấy ngày trốn trong nhà, khi nghe thông tin có người đến nhà ông Ngột lấy hai mái chèo ở chiếc thuyền lạ ngoài bãi biển, Chuyên mang máy truyền tin cùng tư trang trốn lên rừng. Trong thời gian này đã 3 lần chuyên lấy máy ra liên lạc về trung tâm. Nhưng vì chậm so với giờ lên máy đã quy ước với trung tâm nên đều không được. Chuyên viết thư và bưu thiếp sau đó để Ốc chép lại có nội dung mật báo gửi vào 3 địa chỉ đã quy ước.
Ngày 27/4, lần thứ 4 lên máy, Chuyên mới liên lạc được với trung tâm, báo cáo đã về tới nơi nhưng căn cứ bị động nên còn ở La Khê. Hai ngày sau, Chuyên lại liên lạc với trung tâm. Sau đó, cách vài ngày, Chuyên lại lên máy liên lạc với trung tâm. Cùng với báo cáo tình hình vào Nam, Chuyên bắt tay vào tuyển người, ngoài 2 em ruột, một em họ, Chuyên chú ý tới những người bạn và một số cán bộ cùng công tác trước kia có tư tưởng bất mãn; Chuyên dự định tổ chức cơ sở vùng ghềnh Si, lập ban đón tiếp, chuẩn bị nhận tiếp tế chuyến đầu tiên vào cuối tháng 5.
Với các ngư dân, Chuyên có ý định dùng gạo để mua chuộc và tổ chức họ. Khi trung tâm chuyển tiền ra sẽ tổ chức thuyền đánh cá để có thể nhận tiếp tế từ ngoài xa ở Hạ Long hay Cát Bà, để tàu tiếp tế không phải vào quá sâu, sẽ nguy hiểm; lựa chọn người để cuối tháng 10-1961 sẽ gửi vào Nam học vô tuyến điện, sau đó ra làm nhiệm vụ liên lạc điện đài để Chuyên tập trung vào việc tổ chức, gây dựng lực lượng…
Tất cả những dự định ấy mới chỉ được vạch ra thì sau 7 phiên liên lạc bằng điện đài, tối ngày 6/6/1961, Đắc bị bắt khi đang trên đường mang điện đài và lương thực lên rừng tiếp tế cho Chuyên.
|
Sau điệp viên Ares, nhiều toán biệt kích bị bắt ngay sau khi đặt chân xuống miền Bắc. |
Cùng thời điểm này, Công an huyện đến gặp bà Trới để xác minh và được kết quả, người ngồi trong bụi rậm hôm ấy là Phạm Ốc, hôm đó đi lấy dây rừng về buộc chuồng lợn, thấy bà đi một mình nên định trêu bà thôi. Sau đó Ốc đã đến nhà xin lỗi vì làm bà sợ. Tuy nhiên, với các cán bộ an ninh, xâu chuỗi những thông tin lại đã khiến họ đặt một nghi vấn lớn hơn, bởi Phạm Ốc có một người anh ruột là Phạm Chuyên vốn là một phần tử chống đối ở địa phương nhưng hai năm trước đã bỏ trốn đi Nam.
Đêm 6/6/1961, phát hiện Phạm Đắc, em ruột Phạm Chuyên, xách một túi vải đi về thị xã Quảng Yên với nhiều dấu hiệu nghi vấn, tổ công tác quyết định bắt Phạm Đắc đưa về Đồn Công an Quảng Yên. Tại đây, khi khám xét chiếc túi đã thu giữ một máy phát tin, một gói cơm nếp và một số thực phẩm. Đấu tranh ngay trong đêm, Đắc khai chiếc máy này là của Phạm Chuyên, chiếc thuyền nan mà người dân xã Tiền An phát hiện thấy ở bờ biển chính là thuyền của Chuyên.
Biết em bị bắt trước sau gì cũng sẽ khai ra việc mình vượt tuyến xâm nhập về Bắc, Chuyên quyết định đánh lạc hướng bằng cách một mặt viết thư xin đầu thú rồi cho em ra bưu điện gửi tới Công an huyện Yên Hưng, nhưng trong lúc ấy cũng lên kế hoạch liên lạc với Trung tâm cho rút bằng đường biển. Tuy nhiên, kế hoạch chưa thực hiện được thì Chuyên đã bị bắt.
Khuya 11/6/1961, đồng chí Nguyễn Minh, Trưởng Ty Công an Hồng Quảng đã chỉ huy tổ trinh sát đặc nhiệm bí mật bắt Phạm Chuyên ngay tại nhà. Khám nhà, công an thu được 19 bộ lốc mã giấu trong cót thóc. Mở rộng diện đấu tranh, ta thu được trọn bộ điện đài vô tuyến điện gồm một máy thu, một máy phát và một máy phát điện quay tay.
Sau gần 2 tháng đấu tranh, Phạm Chuyên đã bị khuất phục và khai hết kế hoạch mà CIA giao cho khi xâm nhập ra Bắc. Cục Bảo vệ Chính trị và Sở Công an Hồng Quảng đã lập Chuyên án BK63 đấu tranh với CIA và gửi lên Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, nhằm: Khống chế được hoạt động của địch đối với địa bàn khu vực Đông Bắc; phát hiện toàn bộ âm mưu và thủ đoạn hoạt động gián điệp biệt kích đối với miền Bắc, tạo điều kiện để chủ động tấn công lại địch. Tổ chức câu nhử, đón bắt những nhóm gián điệp khác nhằm khai thác triệt để các trung tâm gián điệp biệt kích của địch; tính toán khả năng phái khiển người vào tổ chức của địch khi cần thiết.