CIA đã huấn luyện biệt kích và thám báo, thả vào miền Bắc Việt Nam để nhằm thu thập tin tức và xây dựng cơ sở, lực lượng phục vụ mưu đồ lớn hơn trong tương lai. Đây chỉ là phần nhỏ trong chương trình “chiến tranh không quy ước” được triển khai. Tuy nhiên, sự thành công của biện pháp này rất mù mờ.
Những phi vụ đổ bể
Vụ đổ bể đầu tiên là điệp viên Phạm Chuyên, nhân vật được tung vào Quảng Ninh, nhưng có điều lạ là CIA hoàn toàn không hay biết.
9 giờ ngày 8/8/1961, sau hai tháng mất liên lạc, Sài Gòn lại nhận được mật điện của Phạm Chuyên. Ngày 12/1/1962, chiếc Nautilus 1 rời Đà Nẵng mang theo đồ tiếp tế cho Phạm Chuyên. Chiếc Nautilus 1 đến vịnh Hạ Long mà chẳng hề gặp bất cứ trở ngại nào, nhưng lạ là Sài Gòn mất liên lạc bằng vô tuyến điện với Phạm Chuyên lẫn Nautilus một cách bí ẩn.
Tiếp đó, vào tháng 9/1961, Phòng 45 cử điệp viên thứ 3 (mật danh Hero) xâm nhập bằng đường biển, về liên lạc với gia đình bị thất bại. Cũng trong tháng 9, điệp viên Hirondelle (Vũ Công Hồng) được lệnh xâm nhập trở lại vùng Hà Tĩnh bằng đường biển, nhưng đã không có liên lạc và cũng không trở về.
|
Gián điệp bị Công an Vũ trang tỉnh Quảng Bình bắt giữ. Ảnh tư liệu |
Sau nhiều ngày bặt tin về Nautilus 1 và Phạm Chuyên, Phòng 45 cho đóng chiếc tàu Nautilus 2. Họ tuyển mộ thủy thủ từ những người Bắc di cư và huấn luyện tại Đà Nẵng. Ngày 11/4/1962, chiếc Nautilus 2 rời cảng Đà Nẵng, hướng về vịnh Hạ Long. Hai ngày sau, sáu người trong số 14 thuỷ thủ đoàn xuống thuyền cao su, chở theo đồ tiếp tế cho Phạm Chuyên gồm 7 hòm sắt và 14 thùng carton được bọc kín bằng nilon. Sáu thủy thủ chèo thuyền đến một đảo nhỏ trong vịnh Hạ Long, chất hàng lên đảo rồi chặt cây che lại. Ngày 2/5/1962, họ gửi tín hiệu chỉ điểm nơi giấu hàng cho Phạm Chuyên. Ít lâu sau, Phạm Chuyên điện báo đã nhận được đồ tiếp tế, kể cả máy truyền tin cùng với máy chụp ảnh 35mm.
Trong năm 1962, danh sách các điệp viên đơn tuyến bị mất tích ngày càng dài thêm. Một điệp viên mang mật danh Triton, xâm nhập vào Hà Tĩnh bằng tàu biển trong tháng 5 cũng biến mất không tìm ra manh mối. Cuối tháng 5/1962, một điệp viên khác tên là Đặng Chí Bình mang mật danh Athena xâm nhập vùng biển Hà Tĩnh đã bị bắt sau khi thi hành một phi vụ ở Hà Nội. Điệp viên mang mật danh Wolf xâm nhập vào vùng phi quân sự, bị mất tích vào tháng 2/1963.
Mùa hè 1963, Phòng 45 chuẩn bị tiếp tế lại cho điệp viên Phạm Chuyên vào ngày 11/8/1963, nhưng không thành công, phải quay về Đà Nẵng. CIA và Phòng 45 buộc phải vạch kế hoạch xâm nhập miền Bắc bằng đường không. CIA lập ra hãng hàng không liên doanh Delaware Corporation với Việt Nam Cộng hòa, lấy tên là “Hãng hàng không Việt Nam” (VIAT), nhưng chỉ có một chiếc máy bay vận tải C47 không số, không phù hiệu đơn vị, do Thiếu tá Nguyễn Cao Kỳ chỉ huy. Thiếu úy Lò Ngân Dung, sĩ quan gốc người dân tộc Thái ở vùng Lào Cai, có mật danh là Jacques, được phép tuyển mộ lính biệt kích gồm ba quân nhân người Mường và một quân nhân người Nùng. CIA thả toán biệt kích mang mật danh Castor xuống vùng Điện Biên.
Chiến dịch Quang Khê thảm bại
Ngày 16/2/1962, tàu ngầm Catfish của Hải quân Mỹ do thám vùng biển Bắc Bộ và phát hiện trong căn cứ Quảng Khê (Quảng Bình) của Bắc Việt Nam có ba chiếc Swatow đang bỏ neo và báo về trung tâm tại thủ đô Manila, Philippin và văn phòng CIA tại Sài Gòn. CIA lập tức phác thảo kế hoạch sử dụng người nhái phá hủy những chiếc tốc đỉnh của Hải quân Bắc Việt.
Cùng thời điểm tháng 4/1962, Phòng 45 quyết định thành lập toán cảm tử quân người nhái cách đặt mìn phá tàu do Đài Loan (mật danh Vulcan) huấn luyện tại Đà Nẵng.
|
Một toán Người Nhái VNCH trong khóa huấn luyện. Nguồn ảnh TL |
Đúng 20 giờ 30 phút tối 29/6/1962, toán người nhái lên tàu xuất phát. Đêm hôm sau, họ đã nằm ngoài khơi hải phận Bắc Việt và tiến dần tiếp cận mục tiêu. Trước nửa đêm ngày 30, chiếc Nautilus 2 tắt cả hai máy, hạ thủy chiếc thuyền gỗ có gắn động cơ, chạy thẳng vào bờ. Toán người nhái dự tính sẽ thực thi xong phi vụ trong vòng hai giờ đồng hồ, đủ thời gian bơi vào mục tiêu đặt mìn, rồi bơi trở lại thuyền.
Khi Nguyễn Hữu Thao đang gắn quả mìn vào lườn tàu Swatow mang số hiệu 185 thì trật tay, quả mìn phát nổ, Thao chết ngay tức khắc. Kính đã đặt xong quả mìn, bơi ra xa chiếc Swatow chừng 20m, trồi lên khỏi mặt nước đúng lúc quả mìn của Thao phát nổ. Sức ép của quả mìn khiến Kính tức ngực, chân tê dại, trôi vật vờ trên mặt nước và bị ính Bắc Việt bắt.
Hải quân Bắc Việt phát hiện thấy chiếc thuyền nhỏ đợi ở ngoài xa, liền cho tàu đuổi theo. Chiếc thuyền bỏ chạy ra khơi, hướng về chiếc Nautilus 2. Khi đến được chiếc Nautilus 2, Nguyễn Chuyên trúng đạn bị thương.
Sau khi đặt mìn xong, người nhái thứ ba là Nguyễn Văn Tâm bơi trở lại thuyền, rồi quả mìn thứ nhất phát nổ, chiếc thuyền vọt mất và Tâm bị bỏ rơi. Anh ta lấy một chiếc thuyền của một ngư dân, định chạy ra biển. Nhưng mới leo lên thuyền, anh ta đã rơi vào tay lực lượng tự vệ địa phương.
Căn cứ hải quân Quảng Khê lại phát nổ, chiếc Swatow 185 chìm ngay. Trong lúc hỗn loạn, chiếc Swatow 161 chạy ra biển đuổi theo chiếc thuyền gỗ và phát hiện ra chiếc Nautilus 2 và truy đuổi. Đến 6 giờ sáng hôm sau, chiếc Nautilus 2 bị trúng đạn, hỏng máy. Chiếc Nautilus 2 bị bắn chìm, 10 người nhái sống sót được chiếc Swatow 161 vớt lên, bắt làm tù binh. Chỉ có người nhái Nguyễn Văn Ngọc trốn trong chiếc tàu đang chìm. Sau khi chiếc Swatow 161 đi khỏi, anh ta trôi vật vờ qua vĩ tuyến 17, được phi cơ tuần tiễu phát hiện và cứu sống.
Ngày 21/7/1962, Hà Nội đưa toán biệt kích hải quân Sài Gòn ra xét xử công khai. Đây là lần thứ hai Bắc Việt xét xử những tội phạm là biệt kích và có kẻ đã bị phạt tù chung thân. Thất bại này khiến cho CIA mất mặt. Phải một năm sau, họ mới toan tính tổ chức tiếp những đợt tập kích phá hoại ở vịnh Bắc Bộ.
Thêm những phi vụ mới
Đến cuối mùa hè 1962, CIA tiếp tục thưc hiện các phi vụ thả biệt kích mới bằng đường biển, tấn công các mục tiêu của Bắc Việt Nam, nhưng cũng không thu được nhiều kết quả.
Để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt, Hải quân Mỹ bàn giao 2 chiếc tàu tuần tiễu phóng thủy lôi PT-810, PT-811 cho Trung tâm hành quân biển (Marops, Maritime Operation) và được đổi tên thành PTF-1 và PTF-2. CIA đã đặt mua hai chiếc tàu Nasty của Na Uy, đem về đặt tên là PTF-3 và PTF-4 và thuê 3 thủy thủ Na Uy có biệt danh là “Viking” đến Đà Nẵng trong 6 tháng.
|
Các đội người nhái VNCH được nhiều chuyên gia quân sự Đài Loan trực tiếp huấn luyện. Nguồn ảnh TL |
Ngày 15/12/1962, một chiếc PTF hướng ra biển Bắc Bộ, đem theo toán người nhái Neptune, nhưng đã không đến được mục tiêu vì lạc hướng phải quay về Đà Nẵng. Ngày 14/1/1963, CIA cho thực thi 2 phi vụ cùng một lúc. Một chiếc tàu đổ biệt kích xuống bãi biển gần thị xã Đồng Hới, chiếc khác đổ ở cửa Ròn thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.
Toán biệt kích biệt danh Zeus tấn công Đồng Hới bằng cách đặt dàn hỏa tiễn nhỏ, lắp kíp nổ hẹn giờ do CIA chế tạo, hướng vào nhà máy rồi rút êm trở lại chiếc Swift. Trước khi quay về, họ còn thả xuống biển thêm mấy thùng truyền đơn tuyên truyền chống phá chế độ Bắc Việt.
Nhóm biệt kích Charon đến mục tiêu chậm mất mấy giờ đồng hồ rồi xuống thuyền cao su hướng về cửa Ròn sau đó bơi vào bờ theo từng cặp. Một cặp sẽ bơi vào bờ phía bắc, cặp khác đến bờ phía nam cửa sông Gianh. Tuy nhiên, do lòng sông cạn, nhiều bùn, hai người nhái sợ người bị người trên tàu đi ra trông thấy nên vội vã bơi trở lại chiếc thuyền cao su đang đợi ở cửa biển. Phải đến gần tối, phát hiện có đèn hiệu chiếu ra từ bờ chiếu ra, thuyền trưởng liều mạng lái chiếc Swift chạy vào bờ, vớt hai người nhái rồi hướng tàu về căn cứ xuất phát ở Đà Nẵng.