Đột kích Sơn Tây: Người tính không bằng trời tính (3)

Google News

(Kiến Thức) - Dù cả bộ máy tình báo lớn nhất thế giới dốc sức cho chiến dịch giải cứu phi công Mỹ tại Sơn Tây, nhưng điều họ nhận được lại chẳng thể ngờ tới.

Cuộc chuẩn bị công phu

Theo thông tin tình báo của Mỹ, quanh khu vực thị xã Sơn Tây có khoảng 12.000 bộ đội ta đóng quân. Ngoài ra, Mỹ cho rằng lực lượng dân chúng cũng như lực lượng tự vệ địa phương cũng là một mối lo ngại lớn với đơn vị đột nhập tấn công do Mỹ biết, dù là một ông nông dân với cây cuốc trong tay, ông ta vẫn quyết diệt giặc Mỹ nhất là khi chúng dám “nhảy” xuống Sơn Tây, nơi cách Hà Nội chỉ 40 km.

Theo tài liệu phía ta công bố sau này về cuộc Đột kích Sơn Tây, lực lượng quân đội đóng quân quanh trại giam Sơn Tây lúc bấy giờ bao gồm các đơn vị thuộc Trung Đoàn 12 bộ binh, Trường Pháo binh Sơn Tây và một kho quân trang với khoảng 1000 cán bộ chiến sĩ hậu cần. Ngoài ra, còn có một căn cứ phòng không ở phía Nam thị xã.

Phía Mỹ không nắm rõ được các lực lượng của ta đóng quân trong khu vực thuộc binh chủng nào nhưng cũng ước lượng được gần chính xác số lượng quân của ta đóng trong khu vực lân cận xung quanh trại giam. Tuy nhiên, phía Mỹ cũng nhận định rằng các lực lượng của ta cần ít nhất 30 phút để triển khai tới khu vực. Quan trọng nhất là xung quanh trại tù có hai sân bay đó là Hòa Lạc và Phúc Yên, hai sân bay này vừa có lợi và cũng vừa có hại cho Mỹ. Về mặt lợi, việc có hai sân bay trong khu vực này đồng nghĩa với việc người dân trong khu vực đã quen với tiếng máy bay và không có phản ứng thái quá khi nghe thấy tiếng máy bay bay tầm thấp, tuy nhiên, mặt hại lại là nếu như phía ta phát hiện ra, những chiếc trực thăng của Mỹ sẽ trở thành con mồi quá dễ dàng cho các máy bay tiêm kích MiG-21 của ta đánh chặn hoặc bắn rơi tại chỗ.

Điều khiến Mỹ tin tưởng nhất lúc này đó là toàn bộ các lực lượng kể trên đều không biết rằng Sơn Tây có một trại giam phi công Mỹ.

Dot kich Son Tay: Nguoi tinh khong bang troi tinh (3)
 Sơ đồ đột kích trại giam Sơn Tây, phía Mỹ nhận định nhầm khu vực đánh dấu là "Trường Cấp Hai" trên bản đồ thực ra là "Trường Chính Trị Sơn Tây". Ảnh: Wiki.

Về phía Mỹ, một toán biệt kích bao gồm 56 lính đặc nhiệm tinh nhuệ nhất của Quân đội Mỹ được gom lại trên khắp thế giới và có mặt tại Florida để tham gia vào khóa huấn luyện đặc biệt phục vụ cho một chiến dịch tối mật. Chiến dịch được đặt tên là “chiến dich Bờ Biển Ngà”. Cái tên khiến nhiều lính Mỹ liên tưởng đến một quốc gia châu Phi.

Một mô hình trại giam Sơn Tây được dựng lên với tỷ lệ 1:1, dựa trên những hình ảnh do thám thu được, phía Mỹ đã xây dựng một trại giam Sơn Tây “dởm” y như thật tại Florida để lực lượng đặc nhiệm này tập luyện ngày đêm. Họ tập luyện nhiều đến nỗi nhắm mắt cũng có thể đột nhập ra và vào khu vực một cách dễ dàng.

Để tránh các vệ tinh do thám của Liên Xô phát hiện ra mô hình tập luyện này, phía Mỹ đã xây dựng mô hình trên bằng phông bạt, nhôm và khung sắt, họ lắp ráp thành trại giam Sơn Tây chỉ trong một tiếng đồng hồ, lực lượng đặc nhiệm tập luyện cả đêm, sau đó “trại Sơn Tây” sẽ được tháo ra, xếp gọn lại trước khi mặt trời mọc.

Cuộc đột kích với sự hỗ trợ của… 1 vạn quân

Cuộc đột kích Sơn Tây không chỉ có sự tham gia của lực lượng đột kích của các tay tình báo trùm sò của CIA mà còn có cả sự tham gia của Hải quân Mỹ với nhiệm vụ đánh bom Hải Phòng, Quảng Ninh để đánh lạc hướng phía ta.

Đúng 23 giờ ngày 20/11/1970, 5 máy bay trực thăng rời sân bay Udon, Thái Lan bắt đầu bay vào miền bắc Việt Nam, ngoài ra còn có một lực lượng lớn các máy bay hộ tống, máy bay tiếp liệu cùng tham gia cuộc hành quân này.

Dot kich Son Tay: Nguoi tinh khong bang troi tinh (3)-Hinh-2
 Các phi công Mỹ trên trực thăng đột kích vào Sơn Tây. Ảnh: Wiki.

Cùng lúc, các tàu sân bay của Hạm đội 7 ngoài Vịnh Bắc Bộ bắt đầu quá trình đánh phá Hải Phòng và Quảng Ninh, tài liệu của CIA sau này ước tính đã có tổng cộng khoảng… 1 vạn quân Mỹ tham gia chiến dịch Bờ Biển Ngà với nhiều nhiệm vụ khác nhau, tuy nhiên chỉ có duy nhất phó đô đốc Hạm đội 7 cùng với lực lượng phi công và lính biệt kích Mỹ trên trực thăng biết nhiệm vụ chính xác của các hoạt động này.

Tới 2 giờ sáng ngày 21/11, các trực thăng của Mỹ lần lượt tiếp cận bầu trời Sơn Tây, sớm hơn chỉ… 1phút so với kế hoạch định sẵn. Khi này lực lượng hộ tống đã không còn. Các máy bay trực thăng của Mỹ tách thành 2 toán và hạ cánh xuống sát khu trại Sơn Tây, loa được đưa ra, những tay biệt kích Mỹ bắt đầu kêu gào trong loa rằng họ là biệt kích Mỹ, đến để giải cứu phi công, yêu cầu các phi công nằm sát xuống sàn tránh bị hỏa lực của quân ta bắn phải. Thông điệp này được lặp đi lặp lại nhiều chục phút sau đó.

Bức tường của trại Sơn Tây bị đánh bom nổ sập, cùng lúc đó, từ các máy bay của Mỹ, những khẩu súng máy nã đạn liên hồi vào ba chòi canh của trại Sơn Tây, phá sập tất cả các chòi canh này.

Chiếc trực thăng mang mật danh “Quả táo số hai” với một toán biệt kích khoảng 15 người đã bị rơi khi cố hạ cánh vào sân của khu nhà giam, đuôi của nó đã vướng vào… dây thép phơi quần áo và khiến nó không thể lấy lại cân bằng do đang ở độ cao quá thấp, kết cục là chiếc trực thăng cắp đầu nhào xuống sân trại giam, may mắn cho người Mỹ là toàn bộ lực lượng biệt kích trên máy bay và hai phi công lại không hề hấn gì.

Tổng cộng có 13 lính biệt kích Mỹ xông vào từng phòng giam trong trại Sơn Tây, họ sử dụng kìm và thuốc nổ liều nhỏ để phá khóa nếu thấy cần, tuy nhiên, các phòng giam hoàn toàn im lặng.

Một toán khác, có nhiệm vụ phá sập cầu Sông Tích để chặn quân tiếp viện trong trường hợp phía ta phản ứng nhanh hơn 30 phút, toán này cũng đã phá sập trạm biến thế, cắt điện toàn khu vực. Khó hiểu hơn, sau khi phá sập trạm biến thế, toán này còn phá luôn cả… trạm bơm nước thủy lợi gần đó, một thứ hoàn toàn không có tác dụng gì giúp ích cho cuộc tấn công phản công của ta.

Chưa hết, trên đường tới điểm hẹn, toán biệt kích này còn xông nhầm vào Trường Đảng của tỉnh Sơn Tây, giết chết 5 cán bộ của ta trong lúc họ đang ngủ và không hề được trang bị vũ khí, sau khi phá hủy cầu và trạm điện, toán này tiếp tục đạp cửa xông vào các căn nhà lân cận khu trại giam để lùng sục, thiết lập vành đai an toàn. Kết quả là chúng đã giết hại một gia đình với toàn phụ nữ và trẻ con trong đó có bà Nguyễn Thị An 48 tuổi và cháu Lê Thu Hương 12 tuổi bị chết ngay tại chỗ, cháu Lê Thu Nga 15 tuổi và cháu Lê Việt Tuấn 9 tuổi bị thương nặng.

Bên trong trại giam, lính Mỹ chỉ phát hiện ra 6 người đàn ông không mặc quân phục, họ là những người lính cảnh vệ có nhiệm vụ trông coi trại giam, họ là những quân nhân có sức khỏe không được tốt từ nhiều nơi được điều về đây là nhiệm vụ trông coi trại giam trống không này, tuy nhiên dù những người lính cảnh vệ này không được trang bị vũ khí lính Mỹ vẫn nhẫn tâm nổ súng giết hại cả 6 người này.

27 phút sau cuộc đột kích, toàn toán biệt kích xác nhận nơi đây không có bất cứ tù binh Mỹ nào, cuộc đột kích Sơn Tây của Mỹ chính thức thất bại... một nửa, nếu không thoát ra được an toàn, một nửa còn lại của cuộc đột kích cũng sẽ thất bại và đây sẽ trở thành cuộc đột kích thảm họa.

(Còn Nữa)
Nhật Vi

>> xem thêm

Bình luận(0)